+ Là gương mặt 8X duy nhất trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, chị nghĩ gì khi số tuổi trung bình của hội viên Hội nhà văn hiện nay là trên 60 tuổi?
Nói về số tuổi trung bình của hội viên Hội Nhà văn TPHCM hiện nay, nghe hơi giật mình. Mỗi lần Hội tổ chức sự kiện, tôi hay chạnh lòng nghĩ không thấy các bạn trẻ đâu. Quay đi quay lại cũng chỉ có vài gương mặt quen, còn lại đều là các cô chú, anh chị lớn tuổi.
Ở nhiệm kỳ này, Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM đã rất quan tâm tới việc phát triển những cây bút trẻ, thúc đẩy họ, tạo nhiều cơ hội để họ tham gia các hoạt động Hội nên đã có những tiến triển. Tuy nhiên, vẫn còn khá ít bạn trẻ mặn mà với hoạt động Hội. Tôi vẫn tự hỏi có phải do hoạt động chưa thật sự hấp dẫn các bạn? Đó có lẽ cùng là một phần lý do.
Nhưng tôi vẫn tin, nếu khai thác đúng con người họ thì đội ngũ kế cận sẽ rất mạnh. Tôi thích cách làm việc khoa học. Kể cả trong viết lách, có những cây bút cũng dùng phương pháp làm việc khoa học mà tạo ra hiệu quả sáng tác. Nên tôi tin, giới trẻ ngày càng giỏi. Như 8X chúng tôi đã thuộc thế hệ chậm về công nghệ so với các bạn 9X, 10X rồi.
+ "Mẹ ướt mắt khuyên: Đừng tập làm thi sĩ/Bạc muôn chừng thân gái con ơi", câu thơ này nói hộ suy nghĩ của nhiều người khi văn chương thơ phú vận vào, dường như nữ sĩ thường gặp nhiều phiền muộn vì quá nhạy cảm. Với Phương Huyền, điều này có đúng không?
Trước đây tôi cũng tin như vậy. Nhưng sau này mới thấy văn chương đâu chỉ có mỗi kiểu ủy mị, đau khổ. Văn chương hướng người ta tới cái đẹp, tới sự tin yêu cuộc đời. Văn chương cho ta động lực mà bước tiếp. Nên quan trọng là cách chúng ta chọn đọc hay viết gì mà thôi.
Khi viết "Ai rồi cũng chỉ còn lại một mình" hay "Không gì là mãi mãi", tôi có cảm giác cứ sách ra hay tái bản là tôi buồn. Sau này, tôi mới thấy đúng là bản thân tự ám thị chứ sách tái bản vui muốn chết chớ buồn gì. Vậy rồi qua đến "Yêu một chút cũng đâu có sao", tôi tự tìm lối ra cho nhân vật của mình.
Thì ra, mọi thứ xuất phát từ bên trong mình. Nhạy cảm để biết sẻ chia với cuộc đời, với con người. Nhạy cảm để có thể chạm đến nhân vật, hiểu rõ tâm lý người khác. Nhưng, đừng nhạy cảm để tự nhấn chìm mình trong nỗi đau của nhân vật hay dồn nhân vật vào bế tắc.
+ Văn chương có ý nghĩa thế nào trong cuộc sống của chị?
Trước hết, nói ở tư cách là độc giả, thì văn chương cứu rỗi tôi. Nghe lớn lao quá phải không? Nhưng sau này, tôi mới hiểu, khi được sống trong thế giới văn chương như cổ tích, nỗi đau cũng được vỗ về. Những ký ức không mấy tốt đẹp ở tuổi thơ gần như chỉ là những vết xước nhỏ.
Còn ở vai trò là người viết, văn chương là một phần thú vị trong cuộc sống và công việc của tôi. Nói về viết lách, tôi chưa thấy mình thành công gì nhưng lại là thứ mang lại cho tôi niềm vui. Viết trước hết giúp bản thân được trải lòng, sau đó là tôi có được những độc giả yêu quý. Đặc biệt nữa là khi viết cho thiếu nhi, tôi đến gần hơn với độc giả nhí của mình.
+ Về tác phẩm của Phương Huyền, "Những thiên thần của người gác rừng" là một trong không nhiều tác phẩm Văn học sinh thái dành cho thiếu nhi. Chị có thể chia sẻ về những mong muốn được gửi gắm trong tác phẩm này?
Tôi lớn lên từ hơi thở của rừng, từ những tiếng suối reo mỗi sớm mai. Tôi yêu làng quê, yêu những cánh đồng, dù nơi đó tôi đã trải qua những năm tháng vất vả lẫn mất mát. Sau nhiều năm đi học đại học rồi trở về, tôi mang nỗi đau thắt nghẹn khi thấy rừng bị tàn phá, những ngọn núi đá bị khai thác kiệt quệ.
Trước "Những thiên thần của người gác rừng" và cả sau đó, tôi đã hai lần đắm chìm trong câu chuyện của "Mắt núi" (tên một truyện ngắn-PV). Tôi luôn có cảm giác mắt núi ứ nghẹn vì đau đớn. Những ngọn núi chứa đựng linh hồn ngôi làng bị tàn phá đến nỗi đánh mất linh hồn. Vậy thì phải viết.
Hơn nữa, môi trường sinh thái có thay đổi hay không, phụ thuộc vào những thế hệ kế tiếp. Vì vậy, tôi chọn chuyển tải qua sách thiếu nhi. Mong rằng các bạn nhỏ sẽ là thiên thần bảo vệ rừng. Các bạn hiểu hơn hết môi trường quan trọng thế nào đến đời sống của chúng ta. Và tôi vẫn tiếp tục làm điều này, lan tỏa tình yêu thiên nhiên đến các bạn qua những buổi trò chuyện và chơi với các bạn.
+ Có một Phương Huyền thấp thoáng dễ bị tổn thương trong những chuyện tình yêu, hồn nhiên trong những trang viết cho trẻ thơ và xuất hiện đầy năng động trong những chương trình chị đang làm. Vậy, để vài dòng phác họa về Huyền, sẽ là…?
Có thính giả của tôi từng phát biểu trong một buổi ra mắt cuốn "Không gì là mãi mãi" rằng, cô Huyền như kiểu đa nhân cách. Mà Huyền của 5 năm trước, hay 7 năm trước khác bây giờ nhiều lắm. Những ai biết tôi trước đây đều nhận ra điều đó. Tôi cũng không biết phác họa về bản thân thế nào.
Chỉ thấy rằng, mỗi giai đoạn cuộc đời đi qua đều là những trải nghiệm đáng trân trọng. Huyền lúc tuổi mới yêu khờ khạo, ngốc nghếch. Huyền lúc đi qua nỗi đau lại biết cách đón nhận những niềm vui giản dị, nhẹ nhàng. Còn Huyền khi viết hay chơi với trẻ lại là một cô Huyền năng động, thậm chí là tăng động. Nên, để độc giả, thính giả phác họa về Huyền vậy.
+ Cảm ơn bạn đã chia sẻ!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn