Nhà văn người Mỹ gốc Việt Văn Thị Mượn: Mẹ là nguồn cảm hứng bất tận

15:44 | 19/03/2023;
Khi sách của mình được xuất bản tại Việt Nam vào đầu năm 2023, nhà văn người Mỹ gốc Việt Văn Thị Mượn cảm thấy đây là lần đặc biệt hơn cả, vì nó được dịch sang tiếng Việt - “ngôn ngữ trong trái tim” của cô. “Tôi rất hạnh phúc vì điều này! Mẹ tôi cuối cùng cũng đọc được sách mà con gái viết”, cô chia sẻ.
Từ bỏ nghề kỹ sư phần mềm, dấn thân vào nghiệp viết

Văn Thị Mượn tiếp xúc với sách tranh từ khi còn nhỏ nhưng đến khi vào trung học, cô mới thực sự chú ý đến thể loại này. Trong những quyển sách tranh, cô tìm thấy sự giao thoa tuyệt đẹp giữa nghệ thuật, thơ ca, triết học và sự hài hước. 

Tuy nhiên, cô gặp rất ít câu chuyện phản ánh những trải nghiệm định hình nên con người cô. Đây là lý do chính thúc đẩy Văn Thị Mượn theo sự nghiệp cầm bút. Cô muốn viết ra những câu chuyện mới mẻ, khác biệt, "những câu chuyện mà chỉ mình mới có thể kể" cho thế giới.

Văn Thị Mượn quyết định từ bỏ công việc kỹ sư phần mềm mà mình đã gắn bó 15 năm để sống thật với đam mê của mình, đó là viết. "Tôi muốn sống một đời không hối tiếc về sau", cô khẳng định. Ban đầu, gia đình, nhất là mẹ cô, không ủng hộ đam mê này của con gái. "Mạ muốn tôi và anh chị trở thành bác sĩ nhưng không ai trong chúng tôi theo ý nguyện của bà", cô chia sẻ.

Tác phẩm đầu tay của Văn Thị Mượn - "Ở một ngôi làng ven biển" - trở thành "cú hích" của cô trên thị trường sách tranh ở Mỹ. Tờ The New York Times khen ngợi đây là "một cuốn sách tranh khiêm tốn nhưng quá đỗi lôi cuốn". "Cuốn sách "Ở một ngôi làng ven biển" lấy cảm hứng từ cha tôi và làng chài An Bằng, miền Trung Việt Nam", Văn Thị Mượn chia sẻ. 

“Mẹ là nguồn cảm hứng cho những ý tưởng viết sách của tôi” - Ảnh 1.

Các tựa sách xuất bản tiếng Việt của nhà văn Văn Thị Mượn

Là một ngư dân, rời Việt Nam sang Mỹ, cha cô tiếp tục với nghề chài lưới, đánh cá và câu tôm. "Cha tôi lênh đênh trên biển, mẹ tôi gồng gánh việc nhà và nuôi dạy 9 người con. Cũng như gia đình trong câu chuyện, người ở nhà thường lo âu không biết cha đang ở đâu, có bắt được nhiều tôm cá và khi nào cha sẽ về nhà, có mạnh khỏe hay không", cô kể.

Tạo nên câu chuyện mà chỉ mình mới có thể kể

Phong cách sáng tác của Văn Thị Mượn đặc trưng bởi sự kiệm lời, "viết ít hiểu nhiều". Cuốn sách ít chữ nhất của cô chỉ có 75 từ. Cách sử dụng từ ngữ của Văn Thị Mượn được đánh giá rất đa dạng, mượt mà, giàu nhạc tính. Các câu văn ngắn gọn, súc tích nhưng cấu trúc chặt chẽ. Mỗi trang thường chỉ có 1-2 câu văn nhưng đều là sự chắt lọc ngôn từ, không chút dư thừa.

Các chủ đề Văn Thị Mượn chọn đưa vào sách đều gần gũi, quen thuộc với trẻ em như tình cảm gia đình, khám phá thiên nhiên, ý nghĩa các con số… nhưng tác giả kể dưới những góc nhìn mới lạ. Cách thể hiện của tác giả tự nhiên, giàu cảm xúc, đánh động những rung cảm sâu sắc nơi người đọc về cuộc sống.

Hiện Văn Thị Mượn sinh sống tại Berkeley, Mỹ. Văn Thị Mượn có thể nói và hiểu tiếng Việt "ở trình độ trung cấp". Cô đang theo học lớp Việt ngữ với mong muốn là đọc, nói và viết tiếng Việt thành thạo. 

Chia sẻ với các cây bút trẻ, cô gửi lời động viên: "Sẽ có lúc các em không có sự ủng hộ của gia đình và mọi người xung quanh nhưng điều quan trọng là hãy tin vào bản thân. Hãy có lựa chọn cho riêng mình - Lựa chọn khiến các em hạnh phúc và hãy kiên nhẫn với nó. Hãy tạo nên câu chuyện mà chỉ mình mới có thể kể".

Văn Thị Mượn là một trong số ít tác giả sách thiếu nhi gốc Việt nổi tiếng ở Mỹ. Cô là tác giả của nhiều tựa sách tranh cho trẻ em tạo nên tiếng vang tại Mỹ, đã được trao nhiều giải thưởng như Northern California Book Award, Golden Kite Award, New York Public Library Best Book…

3 cuốn sách tranh của Văn Thị Mượn mới được xuất bản tại Việt Nam là: "Ở một ngôi làng ven biển", "Nếu em là đêm", "Một đã là nhiều". Trong đó, "Ở một ngôi làng ven biển" là câu chuyện đầy cảm xúc về chốn bình yên, về nhà. "Nếu em là đêm" là cuốn sách tranh sử dụng nghệ thuật minh họa bằng cắt giấy, dựng nên một khung cảnh rừng đêm độc đáo, mời các bạn nhỏ bước vào cuộc dạo chơi kỳ thú với thiên nhiên và ngôn từ. 

"Một đã là nhiều" là cuốn sách đếm số khác lạ, "ít tính học thuật và nhiều tính triết học", khơi gợi cho trẻ các câu hỏi, suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống thông qua góc nhìn triết học về các con số. Bộ 3 cuốn sách được minh họa bởi những họa sĩ có phong cách riêng là April Chu, Kelly Pousette, Pierre Pratt. Tác giả và họa sĩ cùng nhau tạo nên những cuộc khám phá thế giới ngôn từ và tranh vẽ lý thú, đầy ắp cảm xúc cho độc giả.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn