Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Chăm chút đến từng chữ khi sáng tác

10:34 | 04/10/2021;
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng lâu nay gắn bó với sân khấu qua những sáng tác kịch bản chèo, kịch nói, cải lương... Những tưởng anh đã tạm xa văn học thì mới đây, Nguyễn Toàn Thắng lại xuất hiện với tập truyện ngắn "Da gấu và chuyện Trương Bốn". Nhân dịp này, anh đã có cuộc trò chuyện với PNVN.

+ Anh có thể tiết lộ thêm về cái tên gây tò mò cho độc giả của tập truyện ngắn này?

Tên tập truyện được rút ngắn từ 2 truyện ngắn: Người da gấu năm 20xx và Chuyện Trương Bốn. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, với bề dày kinh nghiệm cả về sáng tác lẫn xuất bản, đã cân nhắc rất nhiều để ra được tên tập truyện như vậy, bởi chị là cố vấn văn học cho Sbooks, đơn vị liên kết sản xuất và phát hành cuốn sách này cùng với Nhà xuất bản Văn học. Cái tên đó hợp với tất cả các truyện ngắn trong tập này, được tôi viết trong nhiều năm với phong cách giễu nhại, hài hước.

+ Có vẻ như đó là một phong cách viết ít thấy trên văn đàn hiện nay?

Vâng, đúng như vậy. Lâu rồi tôi ít thấy các giọng văn hài hước của văn học hiện đại. Vậy là tôi chọn phong cách này, nó cũng hợp với "tạng" của tôi, dù tôi vẫn có thể viết theo phong cách không hài chút nào. Nhưng tôi nghĩ thế này, cuộc sống bây giờ quá bận rộn, đọc văn mà cũng mệt mỏi như khi đi làm thì chắc người ta cũng chẳng buồn đọc nữa. Vả lại, nhiều vấn để nếu nói một cách nghiêm trọng quá chưa chắc đã thuyết phục bằng cứ thản nhiên mà kể, hài hước mà dẫn dắt câu chuyện. Còn lý do quan trọng nhất, đó là tôi muốn độc giả khi cầm cuốn truyện của tôi thì phải có cái gì đó mà đọc, tức là kể cả những cái họ thấy đâu đó ngoài đời, vào đến truyện cũng phải khác đi, phải mang đến cho họ một suy nghĩ nào đó sau khi đã được giải trí.

+ Vậy là anh coi văn học có chức năng giải trí?

Tôi nghĩ văn học nên có chức năng giải trí nhưng không hẳn là theo cách chúng ta vẫn thường nghĩ. Giải trí ở đây bao hàm cả tính hấp dẫn, bởi ngày hôm nay nếu không kể được một câu chuyện hấp dẫn thì khó mà giữ được mắt độc giả đến dòng cuối cùng. Chỉ khi đọc được đến dòng cuối cùng, độc giả mới hiểu hết những gì người viết muốn nói, và cả những điều người viết không định nói. Tôi nói vậy là bởi nhiều khi, công việc sáng tác văn học hay ở chỗ, điều mình không chủ định xoáy sâu vào lại gợi mở rất nhiều cho độc giả. Chính vì thế, tôi tự nhủ rằng mình luôn phải chăm chút đến từng chữ, chứ không còn là từng câu.

+ Kinh nghiệm viết kịch bản sân khấu có giúp gì cho anh trong việc sáng tác văn học?

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Chăm chút đến từng chữ khi sáng tác - Ảnh 1.

Tập truyện “Da gấu và chuyện Trương Bốn” của Nguyễn Toàn Thắng

Tôi viết cả kịch bản điện ảnh mà (cười) và tất nhiên là điều đó khá hữu ích. Với phong cách giễu nhại này, những lối nói ngoa dụ của cha ông, cách diễn xướng của chèo cổ giúp tôi rất nhiều. Tất nhiên, tôi đủ kín kẽ để chỉ sử dụng cái gọi là tuyệt chiêu của người xưa, chứ nhất định không bê nguyên một trò diễn, một mảng miếng nào cả. Bởi cái quan trọng nhất của các cụ, đó chính là cách nhìn sự vật trong cuộc sống. Trong tập truyện này, tôi lựa những sáng tác mang tính giễu nhại gần với cuộc sống hiện đại nhất, nhưng có khi lại kể bằng cách kể tuần tự nhẹ nhàng khoan thai của người xưa, để sự dồn nén được bung ở những câu cuối cùng. Chứ tôi không thể tả cảnh tả tình dài dòng được, mặc dù cách ấy cũng rất là hay.

+ Việc thực hiện tập truyện ngắn này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát hẳn có nhiều gian nan?

Chúng tôi đã chuẩn bị từ đầu năm, kỹ lưỡng trong khâu biên tập, rồi làm bìa, rồi minh họa... Đến lúc đưa vào nhà in ở TPHCM thì lúc đại dịch bùng phát. Nghĩa là thành phố giãn cách bao nhiêu ngày thì cuốn sách nằm trong nhà in từng ấy thời gian. Lúc đầu thì nhà in vẫn cố làm việc dù lượng công nhân chỉ còn một phần, vì họ biết chúng tôi cũng chờ đợi lắm. Nhưng sau đó thì không thể xoay xở được nữa, tất cả mọi hoạt động đều phải dừng. Đến giờ thì mọi thứ cũng đã ổn hơn. Thế nên tập truyện này cũng là một kỷ niệm trong đời sáng tác của tôi, vì nếu mọi khâu chuẩn bị sớm hơn một chút thì nó đã không phải "nằm im" lâu đến thế. Tuy nhiên, như vậy lại mất đi một trải nghiệm không dễ có, cả hồi hộp lẫn vỡ òa.

+ Cảm xúc khi một vở diễn mà anh viết kịch bản được ra mắt và một cuốn sách được phát hành, có gì khác và giống nhau?

Giống nhau thì ai cũng rõ, chẳng cần phải là người làm nghề, bởi đó là niềm vui. Nghề sáng tác vốn âm thầm, chỉ có những lúc thế này, người viết mới lộ diện ra một chút, rồi lại chìm trong âm thầm, trong thế giới sáng tác của riêng mình. Khác thì ở chỗ với sân khấu, niềm vui trực tiếp hơn, khi tôi nhìn thấy ánh mắt hào hứng của khán giả, những ghi nhận tại chỗ của đồng nghiệp. Văn học thì gián tiếp hơn một chút, phải một thời gian sau, thậm chí rất lâu. Nhưng như trên đã kể, bởi cuốn sách này ra đời trong cơn đại dịch của cả thế giới, nên với tôi, nó là một trải nghiệm đáng nhớ. Và bây giờ, tôi chỉ mong độc giả đón nhận những tập truyện ngắn của mình.

+ Xin cảm ơn nhà văn!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn