Tập bút ký là chân dung văn học của 16 nhân vật, những người mà Đoàn Minh Tuấn đã có dịp gặp gỡ, thân quen. Họ là những chính khách: Phạm Văn Đồng, Nguyễn Hữu Thọ; các danh họa: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng; các nhà văn, nhà thơ: Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Lưu Trong Lư, Tế Hanh, Mộng Tuyết, Nguyễn Đình Thi, Xích Điểu…
Và Đoàn Minh Tuấn chỉ nhận mình là "cây bút" bên "những ngọn đèn tỏa sáng". Ông khiêm tốn chia sẻ: "Tôi chỉ là chân điếu đóm cho cụ Nguyễn Tuân".
Từ khi còn là một cây bút trẻ, nhà báo, nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bác Tô) chỉ dẫn trực tiếp việc cầm bút.
Ông kể: "Có một lần vào năm 1968, tôi và anh Lê Tiến ở Đài Tiếng nói Việt Nam được bác Tô gọi vào. Xong việc, Thủ tướng mời ăn hoa quả và uống nước. Sau đó, Thủ tướng bảo riêng tôi ở lại. Tôi đang rất lo lắng, chẳng hiểu việc gì thì bác Tô nói: "Tôi có nhận thư em. Em là người viết, như tờ giấy thấm, mực xanh, mực đen nhỏ vào ta, đều hút lấy cả. Rồi sau khi kiểm tra lại, ta sẽ trình bày có lý, có tình lại. Với lại viết thì phải lách kia mà! Lách làm sao cho đừng đao to, búa lớn tổn thương đến tình anh em, tình đồng chí".
Theo sát bước đường văn học của tác giả Đoàn Minh Tuấn, nhà văn Tô Hoài lúc sinh thời từng nhận xét: "Đoàn Minh Tuấn viết về bạn văn của mình là sự thực không thêm không bớt gì cả. Những giai thoại của Đoàn Minh Tuấn viết về văn nghệ sĩ cho thấy văn phong chân thực và là tình cảm của nhà văn với bạn bè thân quý của mình".
"Thế hệ vàng" những người cầm bút mà nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã được sống cùng, học hỏi và sẻ chia không còn nhiều. Ông vẫn được ví như chiếc cầu nối bằng những câu chữ, trang sách. Và thật mừng, ở tuổi ngoài 90, nhà báo, nhà văn lão thành này vẫn giữ vững "nhịp cầu nối".
Dù nhận mình chỉ là "cây bút" trước "những ngọn đèn tỏa sáng" - sau bao năm tháng gắn bó với các đàn anh, học hỏi, ghi nhận và "còn viết được thì cứ viết", mộc mạc như lời tâm sự của ông thì nhà báo, nhà văn Đoàn Minh Tuấn vẫn khiến các nhà báo, nhà văn thế hệ con cháu phải nghiêng mình.
Nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã in hơn 20 đầu sách, viết nhiều bộ phim tài liệu dài tập. Tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến: "Thầy giáo vùng cao" (truyện - 1958), "Em đội viên mắt sáng" (truyện - 1959), "Núi sông hùng vĩ" (ký - 1972), "Trăm năm một thuở" (ký - 1995), "Những vì sao" (truyện - 1996), "Bác Hồ - cây đại thọ" (ký - 2001), "10 truyện ngắn" (2002), "Về lại Gò Công" (tập truyện ngắn - 2016)…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn