Mạng xã hội phát triển, con người có thể tiếp cận các nguồn thông tin nhanh hơn, từ tin tức giải trí, sự kiện đến các nguồn tài liệu học tập,... Chúng ta không phủ nhận những lợi ích của mạng xã hội nhưng cũng không vì vậy bỏ qua những mặt tiêu cực của nó. Với con trẻ, nếu không biết sử dụng mạng xã hội đúng cách sẽ rất dễ gây hại.
Với đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn, mạng xã hội dễ làm thanh thiếu niên lơ là việc học, tinh thần uể oải, sa sút,... Khi bị thu hút, lệ thuộc, trẻ dễ nghiện mạng xã hội và bị tác động xấu. Vậy, cha mẹ phải làm gì để hướng dẫn, kiểm soát việc con dùng mạng xã hội?
Theo anh Bùi Ngọc Phúc - nhà văn nổi tiếng, tác giả cuốn sách "Cùng con bước qua các kỳ thi", "Tư vấn kỳ thi vào 10", cha mẹ có thể xử lý việc này theo từng giai đoạn của con như sau:
Không đợi đến khi con vào lớp Một, trước đó từ rất lâu, trẻ đã làm quen với iPad hoặc Smartphone. Nếu ra siêu thị hay các trung tâm giải trí, không khó để nhìn thấy các bà mẹ trẻ thường nhét vào tay con mình chiếc điện thoại, cho con nghe nhạc hay coi phim hoạt hình vì đơn giản là ngay khi cầm điện thoại, các con sẽ chịu ngồi im cho mẹ tâm sự với bạn bè.
Lúc ở nhà, nếu con quấy khóc, giải pháp nhanh nhất vẫn là đưa iPad hay Smartphone. Chính bố mẹ là người đầu tiên ảnh hưởng đến con.
Sau này lúc học tiếng Anh, ngoài những giờ trên lớp, ở nhà các con vào youtube coi phim hoạt hình hay nghe đọc truyện bằng tiếng Anh cũng khá thú vị. Nó giúp con có sự hứng thú khi học tiếng Anh cũng như khám phá ra nhiều điều mới mẻ thông qua các kênh khoa học như Discover.
Nhiều con sau này không những học giỏi đều các môn mà tiếng Anh cũng tiến bộ vượt bậc nhờ vào những buổi online như vậy. Với lứa tuổi này, các con chưa được bố mẹ trang bị cho Smartphone nên chỉ có thể xem phim hay giải trí và học tập thông qua iPad hoặc laptop có kết nối Internet dưới sự giám sát của bố mẹ.
Vì vậy, phụ huynh có thể điều chỉnh thời gian ngồi trước màn hình hoặc nội dung mà các con thích xem một cách chủ động. Tuy nhiên cá biệt vẫn có nhiều con ở tuổi này do bị tự kỷ hay tăng động sẽ ôm iPad bất kể thời gian nào trong ngày, kể cả lúc ngủ, số đó không nhiều, nhưng cần có sự phối hợp của gia đình cùng các nhà chuyên môn.
Đây là lứa tuổi sẽ gây cho phụ huynh những cơn đau đầu không hề nhẹ khi mà hầu hết các bạn đã có trong tay một chiếc Smartphone.
Nếu ví MXH như một xa lộ thông tin kết nối đến khắp nơi trên địa cầu thì chiếc Smartphone của con bạn chính là phương tiện tham gia giao thông tại xa lộ đó. Mà đã tham gia giao thông, dù cẩn thận đến mấy cũng có lúc bị va vấp. Lứa tuổi này rất ẩm ương, hay chịu sự tác động của bạn bè và các hội nhóm.
Hầu hết các trường đều có confession và các bạn sẽ vào đó bày tỏ mọi suy nghĩ cũng như nhận xét của mình, tích cực có, tiêu cực cũng có. Thời gian qua đã xảy ra các vụ bạo lực học đường khi đối tượng tham gia đánh nhau thường là các bạn nữ. Nguyên nhân thì có nhiều, ghét nhau vì câu nói trên MXH, ghen nhau vì ai đó,... Chưa kể các chương trình game với giao diện bắt mắt luôn thu hút được số đông các bạn tham gia chơi, đương nhiên chơi ảo nhưng mất tiền thật và nhiều hệ lụy kéo theo như nghiệm game, chán học.
Nhưng đó chưa phải là vấn đề đáng lo nhất, kênh youtube ngoài mặt tích cực như đã nêu ở phần trên ra, theo tôi nó cũng gần như một "bãi rác" vậy. Tại sao ư? Vì ai cũng có thể quay clip và tạo kênh riêng rồi up lên đó, đủ thể loại nội dung, bao gồm cả nội dung nhạy cảm, khiêu gợi,...
Tỷ lệ nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên của Việt Nam luôn ở mức đáng báo động. Nếu các vị phụ huynh có thời gian ghé qua các công viên vào giờ hành chính trong tuần sẽ thấy, nhiều đôi trẻ mặc đồng phục THCS ngồi ôm áp nhau dưới gốc cây, trên ghế đá hay bãi cỏ. Thủ phạm của việc yêu sớm có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân chính là sự phát triển của MXH. Thông qua nó, các con được kết giao với nhiều người hơn, thậm chí là các thanh niên bất hảo ngoài xã hội.
Cho nên giai đoạn này, phụ huynh đã chọn nhiều giải pháp đối phó, quyết liệt nhất là tịch thu điện thoại, cấm vào MXH.
Theo tôi cấm không phải là phương pháp tối ưu, dân gian ta có câu ngạn ngữ khá hay "Người có cách khóa cửa, ta có phép trèo tường". Dù con bạn không có Smartphone, chỉ được vào MXH khi nhà thôi nhưng đến trường có thể được bạn bè "tiếp sức". Thậm chí máy không có 3G cũng là chuyện nhỏ, bẻ mã wifi các bạn làm nhanh lắm!
Thay vì cấm, phụ huynh cần đối thoại chân tình và thẳng thắn với con mình, giúp con nhìn ra vấn đề mà không cần áp đặt kiểm soát thái quá. Những năm lớp 8 và 9, các bạn chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp, nên việc cần vào mạng xem các bài giảng online là có thật, quan trọng là sự cân đối giữa học và giải trí. Cấp học này cần sự sát sao đồng hành của cha mẹ. Các CLB thể thao, các chuyến dã ngoại trải nghiệm thực tế sẽ giúp các bạn cân bằng với MXH.
Ở lứa tuổi này con bạn đã trưởng thành hơn nhiều. Các bạn sử dụng MXH cho nhiều việc khác nhau, từ luyện IELTS, tham gia các hội thảo đến làm việc teamwork,... Dù nhiều bạn vẫn ham chơi game online hay dành quá nhiều thời gian cho nó, nhưng sự thật là số đó không nhiều bằng số bạn sử dụng nó cho học tập.
Ở bậc học này, do các bạn đã trưởng thành và tự đi học bằng các phương tiện mà gia đình trang bị, nên sự sát sao của phụ huynh có phần lơi lỏng. Việc thức đêm quá khuya với lý do học bài mà thực chất là chát chít vô bổ cũng khiến nhiều bạn tụt dốc về lực học.
3 năm học THPT trôi qua rất nhanh, nên việc dùng MXH nhiều hay ít, phục vụ việc học hay chơi phụ thuộc khá nhiều và ý thức của mỗi bạn. Nếu biết cách khai thác lợi ích từ MXH thì nguồn thông tin phục vụ cho việc học vô cùng phong phú. Thậm chí là các livestream của các anh chị sinh viên khi hướng dẫn các bạn viết luận sao cho đạt kết quả, luyện tiếng Anh cách nào chuẩn nhất - tất cả đều có hết nhờ MXH, quan trọng là con bạn có biết tận dụng hay không thôi.
Giai đoạn này phụ huynh chính là người định hướng cho con trước ngưỡng cửa đại học. Nơi có thể sẽ quyết định thay đổi cuộc sống của con sau này. Việc sử dụng MXH để tìm kiếm thông tin và định hướng lúc này là việc của cả con và bố mẹ. Tăng cường sự tương tác, thậm chí kết bạn với con trên facebook cũng rất tốt.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn