Nhà văn nữ 85 tuổi được kỳ vọng làm nên chuyện tại Nobel văn chương 2019

22:39 | 08/10/2019;
Trong số những tên tuổi sáng giá cho danh hiệu Nobel Văn học năm nay, nữ nhà văn người Pháp Maryse Condé, 85 tuổi cùng tiểu thuyết gia người Nga - Lyudmila Ulitskaya, văn sĩ người Canada - Margaret Atwood là 3 cái tên được kỳ vọng ghi tên trong “bảng vàng". Dù tuổi cao, họ vẫn thể hiện sức viết dẻo dai và vị trí trong làng văn thế giới.

Tiểu thuyết gia người Nga - Lyudmila Ulitskaya cũng là một trong những nhà văn nữ nổi tiếng nhất nước Nga đương đại. Năm nay 76 tuổi, xuất thân là một nhà sinh học, bà Lyudmila Ulitskaya “bén duyên” với văn chương khi tham gia viết kịch bản sân khấu và kịch bản phim. Thực sự viết văn ở tuổi xấp xỉ 40 và thành công trong sự nghiệp sáng tác đã xấp xỉ tuổi 50, bà nhanh chóng trở thành thần tượng của giới mộ điệu văn học, đặc biệt là ở Nga, Đức, Anh, Pháp. Tác phẩm của bà đã được dịch ra 25 thứ tiếng.

Lyudmila Ulitskaya được đánh giá là có lối viết tỉ mẩn, cẩn trọng, sắc sảo, nắm bắt được những biểu hiện tinh tế của con người và đời sống

 

Nữ nhà văn từng giành giải thưởng danh giá Medici, đồng thời xác lập kỷ lục là phụ nữ đầu tiên nhận được giải thưởng uy tín Russian Booker (Sách Nga) cho tiểu thuyết ngắn “Sonechka”. Năm 2007, ở tuổi 64, bà giành giải “Sách lớn” với tiểu thuyết “Daniel Stein, người phiên dịch”. Tới năm 2016, khi đã là một cụ bà 73 tuổi, nữ nhà văn lại một lần nữa nhận giải thưởng này với tác phẩm “Cầu thang Yakov”. 

Lớn tuổi hơn cả đồng nghiệp người Nga, nữ nhà văn Maryse Condé, 85 tuổi đến từ đảo Guadeloupe chính là người đoạt giải thưởng Văn chương Mới thay thế giải Nobel không được trao vào năm ngoái. Bà đã xuất sắc vượt qua hai ứng cử viên trẻ tuổi hơn là nhà văn Canada gốc Việt Kim Thúy và Neil Gaiman - nhà văn người Anh để mang lại vinh quang cho văn học Guadeloupe - một hòn đảo nhỏ nằm ở ngoại ô của Pháp.

Ngoài 20 tác phẩm văn học, Maryse Condé còn là một nhà viết kịch xuất sắc

 

Vốn là một giáo viên rồi trở thành giảng viên đại học, cũng như Lyudmila Ulitskaya, đến gần 40 tuổi, Maryse Condé mới xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay. Nguyên do là bà không tự tin về sự hấp dẫn của những trang viết của mình. Hầu hết các tác phẩm của nữ nhà văn đều thể hiện điểm nhìn của một cá nhân về chủ nghĩa thực dân và sự đấu tranh trong tư tưởng để vượt thoát của con người. Quan điểm sáng tác của bà là mỗi tác phẩm đều mang một thông điệp chính trị hoặc liên quan đến quyền con người. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Maryse Condé là “Segu” (Ségou - 1984). Về sau, sáng tác của bà xoay sang xu hướng tự sự. Bạn đời của nữ nhà văn đồng thời là một biên tập viên, là người dịch hầu hết các tác phẩm của bà qua tiếng Anh.

Nữ nhà văn thứ ba được kỳ vọng làm nên chuyện tại Nobel văn chương năm nay, văn sĩ người Canada - Margaret Atwood, tên đầy đủ là Margaret Eleanor Atwood. Bà được gọi là “nhà văn của nữ giới”, “người đàn bà thép của văn chương hậu hiện đại”. Nữ nhà văn 82 tuổi từ bé đã có lối sống khác biệt với mọi người xung quanh. Từ năm 11 tuổi, bà không đến trường mà tự học ở nhà. Nhờ tư chất thông minh, Margaret Atwood ghi danh vào các trường Đại học Toronto, Đại học Harvard. Thời sinh viên, bà làm thơ rồi tốt nghiệp trải qua nhiều nghề như hầu bàn, nhà nghiên cứu thị trường, rồi giáo viên.

Một trong những tác phẩm kinh điển của Margaret Atwood đã được dịch sang tiếng Việt là tiểu thuyết “The Handmaid’s Tale” (Chuyện người tùy nữ)

 

Năm 28 tuổi, sau khi nổi tiếng với tiểu thuyết “Edible Woman”, Margaret Atwood toàn tâm theo đuổi nghề văn. Bà thể hiện tinh thần dấn thân vì lý tưởng văn chương đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thường phát biểu quan điểm về các vấn đề nữ quyền, môi trường và chính trị. Năm 2017, nữ nhà văn vinh danh với giải thưởng quốc tế Franz Kafka, dành cho những cống hiến của bà đối với làng văn học thế giới.

Tới năm 70 tuổi, Margaret Atwood vẫn viết cật lực để vực dậy các nhà xuất bản trong thời buổi suy thoái. Bà có khoảng 60 cuốn sách - tiểu thuyết, thơ, tuyển truyện ngắn, tuyển phê bình, sách văn học thiếu nhi. 

Giải Nobel văn học năm nay trao cho hai tác giả thay vì một người như thường lệ hàng năm. Đây được xem là động thái bù đắp cho việc thiếu vắng giải thưởng của năm 2018. Năm ngoái, vụ bê bối tình dục của Jean-Claude Arnault, chồng của nhà thơ Katarina Frostenson - thành viên chủ chốt trong Viện Hàn lâm Thụy Điển đã gây ra xáo trộn, lục đục trong quan điểm của các thành viên của Viện. Ông này sau đó đã đã bị kết án về tội hiếp dâm và vào tù hồi tháng 10/2018. Ngoài ra, Jean Claude còn bị cáo buộc rò rỉ tên người chiến thắng Nobel Văn học tới 7 lần.

Giải thưởng Nobel Văn học 2018 đã bị hoãn vì theo quy định cần ít nhất 12 thành viên tham gia bỏ phiếu các hoạt động quan trọng của Viện. Sau đó, một nhóm thành viên gồm hơn 100 nhà văn, diễn viên, nhà báo và các nhân vật văn hóa Thụy Điển đã thành lập Viện Hàn lâm mới và trao giải thưởng riêng của mình.

Sau cuộc họp vào vào tháng 3 năm nay, Quỹ Nobel tuyên bố Viện Hàn lâm Thụy Điển đã thực hiện nhiều bước, tạo ra cơ hội để khôi phục niềm tin, và tại lễ trao giải Nobel Văn học được tổ chức vào ngày 10/10/2019 sẽ vinh danh 2 tác giả. Các tên tuổi sáng giá cho danh hiệu Nobel Văn học 2019 gồm: tiểu thuyết gia người Nga Lyudmila Ulitskaya, Maryse Condé - nhà văn đến từ đảo Guadeloupe, nữ văn sĩ người Canada Margaret Atwood, nhà văn người Hungari László Krasznahorkai, nhà văn người Nhật Haruki Murakami và tiểu thuyết gia gốc Trung Quốc Ma Jian.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn