- Có nhận định rằng, nhà văn nữ thế hệ trước lặng im, đóng cửa cô đơn trên từng trang viết còn nhà văn nữ 8X, 9X sẵn sàng mở cửa giao lưu, thậm chí không ngại ồn ào trước công chúng. Chị nghĩ điều này đúng không?
Nhà văn Cao Nguyệt Nguyên: Tôi nghĩ rằng bước vào con đường văn chương là bạn đã chọn cho mình một con đường đơn độc trên từng trang viết rồi. Dù là các nhà văn ở thế hệ trước hay các nhà văn nữ thuộc thế hệ 8X, 9X.
Chỉ khác là các nhà văn nữ thuộc thế hệ 8X, 9X có một hành trình sáng tác khác khi mà thời đại của công nghệ số khiến họ chịu nhiều áp lực hơn một chút: Làm sao để tác phẩm vừa đạt được những yếu tố nghệ thuật, vừa đảm bảo tác phẩm của mình hướng đến được số đông, không bị chìm nghỉm giữa những luồng văn học mạng.
Họ cần phải có sự giao lưu với độc giả. Còn vấn đề "không ngại ồn ào trước công chúng" tôi nghĩ rằng, đối với các nhà văn ở thế hệ trước họ cũng không ngại đâu, chỉ là bây giờ khi một vấn đề gây tranh cãi là ngay ngày mai đã có thể trở thành "bão" truyền thông.
Nhà thơ, biên kịch Ngô Hạnh: Theo tôi thì cũng không hẳn, tùy tính cách của mỗi nhà văn và con đường lựa chọn mà nhà văn đó đã chọn. Bản thân tôi cũng biết một số nhà văn thuộc thế hệ 8X, 9X không thích ồn ào, họ im lặng sáng tác.
Tuy nhiên, do đặc trưng của thời đại, thế hệ trước dùng sách để thể hiện bản thân vì lúc đó có thể là "thời của sách", hiện nay, là "thời của mạng xã hội" và thế giới phẳng, dù có in sách nhưng nếu bạn không quảng bá cũng khó ai biết đến bạn.
Vậy nên, có thể, nhiều nhà văn nữ thế hệ 8X, 9X "buộc" phải tìm cách "PR" giá trị bản thân và tác phẩm của mình. "Giá trị" ở đây theo tôi là những điểm tốt, đặc biệt mà họ đã lao động và gặt hái được.
- Theo chị, điều gì khác biệt nhất để nhận diện nữ nhà văn thế hệ trước và hiện nay?
Nhà văn Cao Nguyệt Nguyên: Có lẽ thế hệ nhà văn nữ 8X, 9X "chiều" độc giả hơn. (Cười) Vì họ tìm hiểu khá kỹ thị hiếu đọc của độc giả. Biết độc giả thời nay đang yêu thích dòng văn học nào và không ngại đầu tư vào nó.
Nhà thơ, biên kịch Ngô Hạnh: Nếu nói đến tác phẩm thì phải kể đến văn phong. Văn phong của thế hệ trước dù sao cũng đủng đỉnh hơn, hay nói là đi sâu hơn, họ chọn 1 văn phong và theo đuổi.
Thế hệ sau thì văn phong gấp rút hơn, truyện ngắn cũng ngắn hơn và tản văn thì trực diện hơn. Về thơ thì thế hệ sau hầu hết chọn thể thơ tự do. Nếu nhắc đến chân dung nhà văn thì đúng là thế hệ trước ít đăng hình chân dung hơn (cười), họ hầu như chỉ có 1-2 tấm ảnh trên mạng xã hội.
Trong khi thế hệ sau thì thích đăng hình của mình lên nhưng cũng tùy người, tùy tính cách, không phải ai cũng làm vậy, có những nhà văn trẻ thế hệ 9x cũng rất kín đáo, thậm chí chỉ có 1-2 tấm hình trên báo, mà cũng không phải do họ gửi đi mà do đi sự kiện văn học được các nhà báo chụp. Sự khác biệt ở đây vẫn là cá tính độc đáo của từng người ở từng thế hệ.
- Mẹ ướt mắt khuyên "đừng tập làm thi sĩ/ Bạc muôn chừng thân gái con ơi" - câu thơ trong bài "Nỗi niềm Tháng Ba" nói hộ suy nghĩ của nhiều người khi dường như nữ sĩ thường gặp nhiều phiền muộn vì quá nhạy cảm. Với chị, điều này có đúng không?
Nhà văn Cao Nguyệt Nguyên: Văn nghệ sĩ thường có một thế giới nội tâm phong phú và có lẽ là bị cái "nghĩ nhiều" hơn, hay suy tư, dễ rung động và nhạy cảm. Tự thân trong tâm hồn họ đã luôn có một lời thúc giục: Yêu nhiều hơn, sống hết mình. Có lẽ vì vậy mà họ đa sầu, đa cảm hơn. Thực ra theo quan sát của tôi, các nữ nhà văn mà tôi quen biết và quan sát đúng là chẳng ai mà không lận đận cả. (Cười)
Nhà thơ, biên kịch Ngô Hạnh: Bản thân tôi nếu không chọn văn chương thì tôi cũng vẫn như vậy - nhạy cảm - mê đắm nhưng cũng đầy tỉnh thức trong tình yêu. Thật ra, chính mâu thuẫn này khiến tôi bị "bạc muôn chừng thân gái" chứ không phải tại thơ ca đâu. Thơ ca chưa từng phụ tôi lấy 1 lần, ngược lại, thơ ca cho tôi rất nhiều thứ và nâng đỡ tôi trong lúc tôi trở nên yếu đuối hoặc lơ là.
Tôi biết ơn thơ ca thật sự và nếu con tôi theo nghiệp thi sĩ, tôi nhất định sẽ ủng hộ. Chúng ta đến thế giới này là để học và đi tiếp thì ngại gì 1 bài học tuyệt vời là được đi xuyên qua "nghiệp văn chương"!
- Văn chương có ý nghĩa thế nào trong cuộc sống của bạn?
Nhà văn Cao Nguyệt Nguyên: Tôi không tưởng tượng được nếu không có văn chương thì cuộc sống của tôi sẽ thế nào. Nó như một liều thuốc tinh thần với tôi, là một động lực để thôi thúc tôi hãy cảm nhận về cuộc đời này, hãy biết bao dung, biết yêu thương con người và đưa nó vào từng trang viết.
Mỗi khi buồn tôi viết, trong căn hộ nhỏ chật chội, nơi ánh chiều len lén chiếu vào, giữa mùi ẩm thấp mùa nồm miền Bắc, giữa cái nóng chao chát đêm hè, giữa cái lạnh tê tay mùa đông. Nó vực dậy tinh thần tôi và nuôi dưỡng tâm hồn.
Nhà thơ, biên kịch Ngô Hạnh: Phải nói là thật tuyệt vời, nó cho tôi được sống là chính mình. Khi viết, tôi dường như không giận bất kì ai, tôi thả lỏng và đi vào bản thể của mình - ở đây là nói lúc tôi làm thơ.
Còn khi viết kịch bản phim truyện thì quả thực là nặng nhọc hơn, tôi phải đóng quá nhiều vai - nhiều trọng trách cùng một lúc, có lúc tưởng chừng như kiệt sức, tự khóc 1 mình rồi tự trấn an mình. Nhưng theo tôi, như vậy mới là sống, tôi đang sử dụng thời gian của mình một cách tối ưu.
Mệt quá tôi có thể cho phép mình nghỉ 1-3 ngày nhưng sau đó lại lao vào con chữ như chưa từng chán nản hoặc thờ ơ. Nếu người ta ví tình yêu như là hơi thở thì tôi ví văn chương là tình yêu, một tình yêu sâu đậm, đạt đến độ thân mật khó có thể tách rời.
- Bí kíp gì để chị nuôi giữ cảm hứng sáng tác dài lâu khi có nhiều công việc gia đình, xã hội chất chồng lên vai?
Nhà văn Cao Nguyệt Nguyên: Tôi vẫn nhớ lúc tôi mới sinh con, cả một năm trời hầu như tôi không có thời gian để viết. Một mình ở nhà chăm con với 4 bức tường trong căn hộ nhỏ xíu. Nỗi buồn xâm lấn kinh khủng, những thất vọng, những gánh nặng. Tôi bật khóc vì muốn viết, muốn trải lòng mình ra trên giấy, nhưng không có thời gian.
Và càng những lúc đó, tôi thấy mình trân trọng những khoảnh khắc thảnh thơi được đắm mình trong câu chữ biết bao nhiêu, biết chắt chiu hơn trong từng con chữ.
Nhà thơ, biên kịch Ngô Hạnh: Tôi viết thơ để cho chính mình và viết kịch bản phim cho đồng nghiệp - sống là sống cho mình và cả sống chung. Nên tôi chọn sống chung với thái độ tích cực và sống riêng thật chất lượng, nhiều nỗ lực để hiểu bạn thân mình và người khác.
Trách nhiệm của một biên kịch với đoàn phim thật là lớn: biến ý tưởng thành câu chuyện - biến không thành có - khởi nguồn cho 1 dự án ảnh hưởng đến nhiều người. Nên đôi khi, hoa hồng cũng là bánh mì và ngược lại, nhiệm vụ và tình yêu, nếu dung hòa được thì tôi luôn cảm thấy mình có quyền được yêu bản thân mình, thật đắm say.
- Xin cảm ơn 2 nhà văn đã chia sẻ!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn