+ Tác phẩm mới nhất của ông, "Phố hàng thương hàng nhớ" lại không viết cho thiếu nhi, vốn là thế mạnh của ông. Phải chăng vì nỗi nhớ với mảnh đất chôn rau cắt rốn mà ông mang theo suốt cuộc đời?
Nhắc đến nơi "chôn rau cắt rốn", tôi lại nhớ ông phở Tùng mà tôi đã viết trong cuốn sách này. Ông Tùng không nhận mình là người Hà Nội gốc, nhân vật ấy từ tốn: "Ông thân nhà tôi kể, tôi sinh ở 28 phố Hàng Trống, bà đỡ cắt rốn để vào cái niêu đất rồi ném xuống hồ Gươm". Nơi "chôn rau cắt rốn" cả nghìn mét vuông ấy liên kết những nhân vật của tôi.
Cùng với ông phở Tùng, theo thứ tự xuất hiện trong sách là thầy giáo "năm ngón tay ngoan" Trần Văn Thụ, nhà văn "Dế mèn phiêu lưu ký" Tô Hoài, nhà văn "Sống giữa bầy voi" Vũ Hùng, nhạc sĩ - nghệ nhân Phan Thanh Tiến, nhà văn - dịch giả Nguyễn Lệ Chi…
Những nét người của các tài nhân ấy đã nối nhau, hòa quyện, vẽ ra dáng đất. Hà Nội của tôi, nói như nhà văn Nguyễn Đình Thi, là "lắng hồn núi sông" Hà Nội. Tôi muốn bạn đọc nắm bắt được hồn ấy, chất ấy. Tôi khai thác kỹ lưỡng nơi "chôn rau cắt rốn" này bằng truyện "Một chiều hồ Gươm".
Từ dưới đáy hồ thiêng, nhân vật của tôi đưa lên một di vật lịch sử bình dân, một tĩn nước mắm giấu dòng chữ mặn mà: Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây/Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Mười bốn chữ khắc liền không chấm phẩy để cái vòng ngàn năm kia bắt đầu bằng bất kỳ con chữ nào…
+ Viết về mảnh đất quê hương sau hàng chục năm sinh sống ở phương Nam, sự chia xa này có khiến trang văn ông có điều khác biệt?
Sự chia cách ấy như là mở rộng hơn không gian nghệ thuật của "Phố hàng thương hàng nhớ", nối dài bán kính các cốt truyện. Khi thâm nhập một đề tài thì khoan sâu xuống, hay kéo dài ra đều có thể tìm thấy cốt truyện, chi tiết văn chương.
Từ năm 1976, tôi đã là người Hà Nội của đất phương Nam, dạy học ở Đồng Tháp, rồi làm báo ở TPHCM. Vẫn biết, quyền hư cấu của nhà văn gần như không giới hạn nhưng thường những hư cấu như thật, là hư cấu sau những từng trải.
Cuộc chuyển quân hướng Nam ào ạt của anh chị em giáo viên từ phía Bắc vĩ tuyến 17 năm 1976 mà tôi có mặt, đã tạo hứng khởi sáng tạo văn chương cho tôi, mở đường cho tôi đưa Hà Nội đi xa. Tập sách có 9 truyện ngắn thì có tới 6 truyện viết về Hà Nội nơi đất phương Nam.
+ "Phố hàng thương hàng nhớ" nói nhiều về nét đẹp của phụ nữ Hà thành. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Những nhân vật nữ là người đẹp Hà thành, họ cùng góp nữ tính làm đẹp Hà thành. Họ là bà Đốc biến cơm nắm nhà quê thành "thời trân" men sứ Giang Tây phố Cầu Gỗ, là cô giáo đưa những "bông hồng vàng" vào đĩa hoa cúng rằm, gói lá chuối, cũng là người dám nói điều khó nói của chị em từng là nữ sinh:
"Lạ thật, bây giờ tôi đã là một góa phụ, các con tôi đã phương trưởng, vậy mà tôi vẫn không dám nói, thầy ơi, em yêu thầy…" ("Thầy là Hà Nội của tôi"). Là cô giáo Thắm, "con dâu tự nguyện", "dâu muộn" của một bà mẹ liệt sĩ, cô bỏ cuộc du lịch biển, bỏ người tình trong mơ chứ không bỏ rơi bà mẹ liệt sĩ giữa sương khuya và những ngôi mộ ("Gần tới Vũng Tàu").
Đẹp cả cô bia ôm, làm con dâu nhà thợ hàn phố Hàng Thiếc "…thương người đã trắng tay vì mình, bán hết vòng xuyến, mua một con thuyền, cắm sào giữa dòng La Ngà giữ mình" ("Từ sông Đà tới sông La Ngà")…
+ Sau "Phố hàng thương hàng nhớ", độc giả sẽ chờ đợi tác phẩm tiếp theo nào của nhà văn Trần Quốc Toàn?
Tôi còn những bản thảo chờ in và một vài đề cương đợi viết. Mỗi sáng, việc đầu tiên tôi làm là gõ phím chữ. Tôi còn ham muốn có thêm tác phẩm.
+ Cảm ơn nhà văn đã chia sẻ!
Nhà văn Trần Quốc Toàn sinh 1949 tại Hà Tây (cũ) nay là Hà Nội, hiện sống tại TPHCM. Ông là tác giả của khoảng 40 đầu sách, có đến gần 30 cuốn viết cho thiếu nhi, có nhiều tác phẩm văn và thơ được giảng dạy trong nhiều bộ sách giáo khoa hiện nay. Tác phẩm đã in: "Thưởng trăm roi", "Trái đất này có nhiều chuyện lạ", "Nhà có đội xiếc thú", "Tháp Mười nhỏ", "Sở thú mười hai con giáp", "Cây me nước đeo vòng cẩm thạch", "Vườn cây cổ tích", "Đội hiệp sĩ @", "Học trong bụng mẹ", "Chuyện con chim sẻ lắm lời", "Covid chưa qua cô vịt đã tới"…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn