Nhà văn Trần Thị Trường vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Phố Hoài. Cuốn sách kể về các mảnh đời – những con người chung tiếng nói và khác tiếng nói – va vào nhau. Họ gắn kết với nhau bởi cơm áo gạo tiền, bởi khát khao nhục cảm, bởi đam mê nghệ thuật, bởi thiện lương, và hơn hết, bởi tình yêu thương…
Có những con người đi gần hết cuộc đời mới tìm được hạnh phúc. Có những con người nắm hạnh phúc trong tay nhưng lại vô tình buông rơi. Và có những con người đi hoài trong bóng tối, chưa kịp chạm tới ánh sáng thì đã trút hơi thở cuối cùng…
Nhận xét về tiểu thuyết Phố Hoài, nhà văn Phạm Toàn nói: "Thương lắm, đọc Phố Hoài của Trường thấy thương lắm. Nhưng càng thấy lạ một điều, ấy là các nhân vật trong câu chuyện Trần Thị Trường đem kể, tất cả đều hiền, người nào cũng hiền, không một ai dám làm một điều độc địa… Nhân vật nào cũng vun quén hạnh phúc cho mình, cho người yêu, cho con, cho cháu, cho bè bạn…".
Nhà văn Tạ Duy Anh thì cho rằng: "Phố Hoài là một bảo tàng ngôn ngữ về thời bao cấp, về thời dại dột, về thời lãng mạn và điên rồ, về thời đau khổ đầy hãnh diện nhưng cũng nhiều oán hận, vừa đáng ghi nhớ vừa muốn quên đi thật nhanh. Ở đó con người sống, yêu và làm việc như chạy trốn, một cuộc chạy trốn tuyệt vọng để cuối cùng chỉ tìm thấy một lối thoát duy nhất là phải tiếp tục dấn thân mạnh mẽ hơn vào chính cái cuộc đời đáng sợ ấy".
Trần Thị Trường là một nhà văn nữ tiêu biểu văn học Việt Nam hiện đại. Bà còn được biết tới với vai trò nhà báo, họa sĩ. Sau khi học Báo chí, Mỹ thuật, bà từng có thời gian sống ở Bulgaria (1981 – 1985). Được biết, để viết Phố Hoài, nhà văn Trần Thị Trường đã mất đến 10 năm ấp ủ, đau đáu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn