Nguyễn Đức Quang - học sinh lớp 12 trường PT Liên cấp Vinschool, người vừa thực hiện những cuộc phỏng vấn sâu với các bạn tuổi teen về những mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái - cho biết: Nhiều bạn bị giày vò với các cuộc nói chuyện của cha mẹ khiến có bạn bị suy nhược thần kinh, ảnh hưởng đến việc học tập, đến các mối quan hệ bạn bè. Các bạn thường xuyên bị bố mẹ mắng vì điểm số. Bố mẹ định hướng nghề nghiệp cho con cái theo ý của bố mẹ chứ không tôn trọng mong muốn của con. Trong các cuộc giao tiếp giữa bố mẹ và con không có ngôn ngữ chung nên không bao giờ đi đến kết quả cuối cùng. Các bạn thường phải chịu đựng, mệt mỏi với câu chuyện gia đình. Các bạn mong muốn bố mẹ có thể hiểu con cái hơn, có thể nói chuyện với con cái điềm đạm hơn…".
Trước "bức xúc" của những đứa trẻ tuổi teen khi phải "chịu đựng" những ông bố, bà mẹ không hiểu mình, luôn áp đặt mình, nhà văn Trang Hạ cho biết, chứng kiến các quan hệ độc hại giữa cha mẹ và con cái, quan hệ nâng đỡ giữa con cái và cha mẹ, việc con cái không nối chuyện được với bố mẹ vì áp lực…, các câu chuyện bi kịch tuổi teen có ảnh hưởng đến cả thái độ sống, tính cách, cuộc sống của nhiều người.
Thế nhưng, theo nhà văn Trang Hạ, có một góc độ là con cái bạo hành bố mẹ, con cái thao túng tinh thần bố mẹ. Thậm chí, con cái bỏ học thì bố mẹ bỏ việc , nghĩa là bố mẹ không còn nhìn thấy ý nghĩa cuộc sống của mình nữa. Con bỏ học, con nói dối là học cái này nhưng thực ra con đang học cái kia, con nghiện rượu, con hút thử ma túy, con có quan hệ tình dục từ khi lớp 9… Bố mẹ sẽ lấy vấn đề của con cái để tự trừng phạt bản thân. Tức là, bố mẹ sẽ bỏ việc, dằn vặt, đổ lỗi cho nhau, thậm chí có những suy nghĩ hủy hoại gia đình, ví dụ ly hôn, cách ly con cái với người bạn thân của con.
"Có hiện tượng mới nảy sinh trong thời đại mới, chính bố mẹ là nạn nhân của con cái. Nó làm đổ vỡ các kỳ vọng, các mục tiêu phát triển của gia đình. Đôi khi, bố mẹ không thể ngăn con cái tự làm mình tổn thương, nghĩa là có những hành vi mà con cái tự làm mình tổn thương như yêu người này đi với người kia, cắt tay, thậm chí không trò chuyện với bố mẹ cũng là cách làm mình bị tổn thương. Bố mẹ không biết cách để ngăn chặn. Qua dự án trò chuyện của Trang Hạ với tuổi teen thông qua bố mẹ, người thiếu kỹ năng sống không phải các con mà chính là bố mẹ. Bố mẹ mới là người thiếu kỹ năng sống và giải quyết vấn đề. Bởi, người chịu trách nhiệm cuối cùng trong sự rối loạn phát triển giao tiếp hoặc là rối loạn cảm xúc, hoặc là có trách nhiệm thao túng cảm xúc chính là bố mẹ. Vì bố mẹ đã vẽ lối mòn trong giao tiếp, trong trò chuyện gia đình bằng cách đó. Vì thế, bố mẹ là nạn nhân của con cái vì họ đã dạy con cách thao túng đó. Chính họ nói "tao vất vả thế này thì mày phải được điểm cao". Con cái đã học thủ pháp lạm dụng vị trí, quyền lực của bố mẹ. Và nếu như con cái quay trở lại hành hạ bố mẹ vì họ đã học điều đó từ chính các mối quan hệ ở trong gia đình", nhà văn Trang Hạ cho biết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn