Nhà văn Trang Hạ: 'Nếu chất lượng sữa học đường có vấn đề, tôi sẽ là người đầu tiên lên tiếng'

10:00 | 02/12/2018;
Nói về chương trình “Sữa học đường” sắp triển khai tại Hà Nội, nhà văn Trang Hạ chia sẻ với Báo PNVN: “Mặc dù còn quá nhiều câu hỏi đặt ra nhưng tôi vẫn ký giấy đăng ký tham gia chương trình cho con vì tôi tôn trọng quyết định của nhà trường. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta đang thiếu một triết lý giáo dục dựa trên các giá trị nhân văn của xã hội”.

Triết lý giáo dục “vì quyền lợi” hơn là tính nhân văn 

Tôi là một người mẹ có 2 con đang học tiểu học và tôi đã ký đăng ký tham gia chương trình “Sữa học đường” cho các con, mặc dù tại thời điểm đặt bút ký, trong đầu tôi đã đặt ra những câu hỏi:

Nhà văn Trang Hạ

 

1. Các con sẽ uống loại sữa gì? (Khi đó chưa công bố doanh nghiệp sữa trúng thầu chương trình).

 

2. Không phải cơ thể mọi đứa trẻ đều tương thích và hợp với sữa.

 

3. Nhiều trẻ không cần uống sữa mà vẫn phát triển chiều cao tốt trong khi cũng có nhiều thông tin cho rằng uống sữa nhiều khiến trẻ dậy thì sớm.

 

Tôi cho rằng, trẻ đến trường cần phải mặc đồng phục nhưng trẻ không thể mặc “đồng phục” dinh dưỡng bởi mỗi một đứa trẻ lại có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau.

 

Mặc dù còn quá nhiều câu hỏi đặt ra nhưng tôi vẫn ký giấy đăng ký tham gia chương trình “Sữa học đường” vì tôi tôn trọng quyết định của nhà trường. Tôi nghĩ rằng, với môi trường giáo dục như ở trường học, ta cần có những chuẩn mực đạo đức tối thiểu. Nếu bạn cho con học ở trường mà cảm thấy không yên tâm, có thể bạn nên chuyển trường cho con, hoặc cho con học trường tư thục, trường quốc tế chẳng hạn...

 

Bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi mà trong các vấn đề xã hội, tôi thường chọn cách đối diện, dấn thân, lên tiếng cảnh báo nhưng trong giáo dục thì tôi rất thận trọng. Với các vấn đề giáo dục, tôi lựa chọn thái độ quan sát, theo dõi và sẽ phản biện nếu cần thiết, chẳng hạn như trong câu chuyện này, nếu tôi thấy chất lượng sữa có vấn đề thì tôi sẽ là người đầu tiên lên tiếng.

 

Trong những ngày qua, tôi thấy dư luận lo lắng về chất lượng sữa cũng như câu chuyện đấu thầu sữa..., nhưng tôi nghĩ mấu chốt ở đây là nằm ở câu chuyện quản lí của ngành Giáo dục. Ngành Giáo dục quản lí tốt thì tự động các khâu từ chất lượng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trong trường học, đấu thầu sữa học đường minh bạch... ắt sẽ diễn ra theo đúng qui trình.

 

Điều mà tôi quan tâm nhiều hơn cả, đó là chúng ta đang thiếu một triết lý giáo dục dựa trên các giá trị nhân văn của xã hội. Nói cách khác, triết lý giáo dục của ta đang dựa trên quyền lợi nhiều hơn là tính nhân văn. Quyền lợi là gì? là anh bỏ tiền ra anh được hưởng, anh không bỏ tiền ra anh không được nhận; anh nhiều tiền anh ăn đồ ngon, anh không có tiền thì anh nhịn...

 

Câu chuyện đóng tiền xem xiếc và chụp ảnh kỉ niệm 

Mấy năm trước, khi con tôi đang học mầm non. Bữa đó, nhà trường thông báo, bạn nào đóng 90.000 đồng thì được xuống sân xem xiếc, còn bạn nào không đóng thì ngồi lại trên lớp. Tôi nghĩ ngay đến cảnh tượng các em nhỏ không đóng tiền thì ngồi lại trên lớp nhưng vẫn phải nghe những âm thanh náo nhiệt vọng lên ở dưới sân trường. Nhiều gia đình không được cảnh báo về điều đó. Tôi may mắn vì tôi có một trực cảm tốt nên khi nghe thông báo, tôi đã quyết định nghỉ làm để ở nhà với con ngày hôm ấy.

Ảnh minh họa

 

Tôi nghĩ rằng, trong trường hợp này, nhà trường có thể thông báo: Gia đình nào không cho con xem xiếc thì đón con từ 3h chiều hoặc cũng có thể nghỉ học buổi chiều.

 

Câu chuyện xem xiếc ở trường mầm non của con làm tôi nhớ lại ký ức 35 năm trước, khi tôi là một cô bé lớp 1. Ở buổi tổng kết năm học, cô giáo tôi thông báo: “Ai có tiền nộp 2 đồng thì sẽ được chụp ảnh kỉ niệm”. Cả lớp khi đó chỉ có 5 bạn có tiền và nộp cho cô. Lúc đó, tôi chỉ cảm thấy rất tiếc vì mình đã không có ảnh chụp cùng cô giáo và các bạn. Nhiều năm sau này, tôi đã đặt câu hỏi: “Vì sao cô giáo không đủ độ nhạy cảm?”. Bởi cô giáo dựa trên triết lý giáo dục vì quyền lợi, chứ không phải triết lý vì nhân sinh.

 

Đáng ra, cô vẫn có thể để cả lớp cùng chụp ảnh, rồi em nào có điều kiện thì rửa ảnh, em không có tiền thì hình ảnh các em vẫn luôn ở trong ký ức của các bạn, sau này, khi nào có điều kiện, các em có thể rửa lại sau. Còn bây giờ, tôi không thể quay trở lại 35 năm trước để chụp lại bức ảnh lớp 1 đó nữa.

 

Nên phát sữa học đường cho các con sau giờ học 

Quay trở lại câu chuyện sữa học đường, khi cô giáo phát tờ giấy đăng ký đến tay, tôi đã quan sát xem các phụ huynh trong lớp có ký đồng ý hay không và thật may mắn, tất cả các phụ huynh trong lớp con tôi đều đồng ý.

 

Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng, chỉ cần có 1 vị phụ huynh không kí đồng ý thì chắc chắn tôi sẽ trao đổi với cô giáo để cùng tìm hiểu lí do. Nếu gia đình em đó không có điều kiện, tôi sẽ đề nghị dùng Quỹ của Ban phụ huynh để giúp em. Còn nếu trong trường hợp cha mẹ em không đăng ký cho con dùng sữa vì nhiều lí do khác, tôi cũng đề nghị Ban phụ huynh và cô giáo cùng bàn phương án xem nên sắp xếp việc uống sữa trong lớp thế nào cho hợp lí khi mà trẻ có, trẻ không.

 

Tôi cũng nghĩ rằng, không nhất thiết phải tham gia chương trình sữa học đường bởi có thể con nhà bạn đã quen uống một loại sữa khác đang uống ở nhà rồi. Vì thế, điều quan trọng là các phụ huynh phải giải thích cho trẻ về những quyết định của mình, để trẻ không có cảm giác: “Bạn có, mình không có”.

 

Tôi cho rằng, việc uống sữa học đường cũng giống như việc đăng ký mua báo Nhi đồng, Họa mi, như đăng ký học piano, học bóng rổ... chứ không phải là một chủ thể chính cần phải có trong trường học. Nên chăng, có thể phát sữa cho các con sau giờ học với những trẻ tham gia chương trình, chứ không nhất thiết đưa bữa sữa học đường vào bữa ăn chính hằng ngày của trẻ ở trường. 

* Với giá trúng thầu hơn 3,8 nghìn tỉ đồng, đơn giá trúng thầu 6.286 đồng/hộp, ngày 23/11, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chính thức ký quyết định phê duyệt Vinamilk là đơn vị trúng Gói thầu số 01 Mua sữa thuộc Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020.

Trao đổi với Báo PNVN chiều nay, 27/11, ông Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk, cho biết, với mức giá trúng thầu 6.286 đồng/hộp, thấp hơn 514 đồng/hộp so với mức trần đấu thầu (không quá 6.800 đồng/hộp loại 180ml), Vinamilk cam kết hỗ trợ 23% giá trị hàng hóa cho đối tượng 1 (trẻ em và học sinh tiểu học), điều này đồng nghĩa với việc phụ huynh sẽ chỉ phải đóng góp 47% thay vì 50% đơn giá trúng thầu của 1 hộp sữa theo quy định của Đề án Sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt trước đó.

Trước việc còn nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng về chất lượng sữa cung cấp cho chương trình; quy trình cung ứng, sử dụng sữa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các con tại trường, cũng như việc làm sao giám sát được các quy trình này để phụ huynh yên tâm, ông Tuấn khẳng định, Vinamilk cam kết đảm bảo đúng các chỉ tiêu, quy chuẩn của sữa học đường theo quy định, là sữa tươi, có bổ sung các vi chất, vi lượng như vitamin D, canxi, sắt.

* Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW, Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc TW về Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình Sữa học đường, trong đó đặc biệt nhấn mạnh, sữa dùng trong chương trình phải là sữa tươi.

Nhằm triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, trong quyết định số 7091/QĐ-BYT (ban hành ngày 26/11/2018), Bộ Y tế yêu cầu Cục An toàn Thực phẩm xây dựng ban hành quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đến năm 2020, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng nhãn mác sản phẩm riêng cho các loại sữa tham gia Chương trình sữa học đường (logo dành cho sản phẩm của Chương trình).
 
Theo đó, sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn