+ Từ trải nghiệm cá nhân, theo bạn, nhà văn trẻ đang gặp những khó khăn, thuận lợi gì khi đến với văn chương?
Nhà văn Huỳnh Trọng Khang: Tôi nghĩ khó khăn của nhà văn trẻ hiện nay cũng là khó khăn của ngành xuất bản. Các nhà xuất bản, các công ty sách đang phải cân nhắc rất nhiều trước một bản thảo mới, nhất là bản thảo của tác giả trẻ, tác phẩm đầu tay.
Tác phẩm mới, những cái tên chưa quen thuộc với đông đảo độc giả thì cần phải quảng bá nhiều hơn. Một ví dụ, độc giả đến nhà sách mua một tác phẩm của tác giả nước ngoài, họ sẽ có nhiều thông tin để cân nhắc lựa chọn hơn, chẳng hạn như tác giả nổi tiếng, sách bán chạy, đoạt giải thưởng, những dòng khen ngợi từ giới phê bình…
Trong khi tác phẩm của tác giả Việt Nam thường khá trơ trọi, đối với tác phẩm mới xuất bản. Thuận lợi là vẫn còn những độc giả yêu thích, đọc những tác phẩm văn học Việt Nam đương đại. Ngày nay, độc giả có nhiều kênh để phản hồi trực tiếp hơn và nhà văn có thể biết được mức độ quan tâm của độc giả với tác phẩm của mình như thế nào. Dĩ nhiên, mỗi người sẽ có những thuận lợi hay khó khăn riêng.
+ Ngoài sáng tác, bạn còn thường xuyên viết điểm sách và hoạt động trong lĩnh vực xuất bản. Theo Khang, tình hình đọc sách ở nước ta hiện nay thế nào?
Nhà văn Huỳnh Trọng Khang: Hiện nay, mỗi đầu sách xuất bản ở Việt Nam dao động trong khoảng 1.000 - 2.000 bản, có nhiều trường hợp số bản in còn thấp hơn. Thời gian xoay vòng của các đầu sách cũng lâu hơn. Đó là gánh nặng đặt lên vai các nhà xuất bản và đơn vị làm sách.
Còn về sức đọc thì những cuộc khảo sát kiểu như "người Việt mỗi năm đọc bao nhiêu cuốn sách" đã trả lời cho chúng ta rồi. Dĩ nhiên con số trung bình ấy cũng phản ánh một hiện tượng là có những người cả năm không động đến một cuốn sách. Chưa kể sự chênh lệch về lượng độc giả giữa thành thị và nông thôn, giữa các địa phương…
Nhưng lạc quan mà nói, con số ấy cho thấy, chúng ta còn rất nhiều độc giả tiềm năng, những độc giả không có điều kiện tiếp xúc với sách vở, những độc giả đang hình thành thói quen đọc… Chỉ là làm sao gieo được thói quen đọc sách vào đời sống của họ.
+ Những trở ngại nào hiện nay ngăn cản sách đến với người đọc? Chất lượng không đi cùng số lượng, giá sách ngày càng cao… có phải là những rào cản đáng kể?
Nhà văn Huỳnh Trọng Khang: Mỗi độc giả sẽ có những lý do riêng. Tôi nghĩ đối tượng độc giả tiềm năng hiện nay là các bạn học sinh, sinh viên. Đôi khi nhiều bạn học sinh muốn đọc sách nhưng chưa biết mình thích đọc sách gì, phù hợp với loại sách gì.
Rất cần những chương trình đọc sách ở trường học, sự hỗ trợ của thầy cô, văn nghệ sĩ, những nhà làm văn hóa… Hiện nay, chúng ta sống trong thời đại công nghệ thông tin. Làm sao để thông tin tiếp cận đúng đối tượng, gây được sự tò mò, gợi lên lòng ham thích đọc sách…
Có thể các bạn đọc không nhiều nhưng những gì bạn đọc hữu ích, vậy là cũng đáng quý. Còn về những vấn đề như chất lượng, giá thành…, tôi nghĩ chỉ là một yếu tố nhỏ trong một bức tranh toàn cảnh rộng lớn hơn về tình hình đọc hiện nay.
+ Cảm ơn bạn đã chia sẻ!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn