Nhạc sĩ Doãn Nho: "Trái tim tôi vẫn tràn đầy khát khao được yêu"

22:42 | 27/09/2024;
Ở tuổi 91, tác giả của những ca khúc bất hủ như “Tiến bước dưới quân kỳ”, “5 anh em trên một chiếc xe tăng” (thơ Hữu Thỉnh), “Người con gái sông La” (thơ Phương Thúy)… vẫn thường xuyên tham gia các buổi hội thảo, cuộc vận động sáng tác. Ông tâm sự, mình luôn nhìn cuộc đời một cách lạc quan, tích cực và trân trọng những vẻ đẹp bình dị của cuộc sống.

+ Được biết, vào năm 1944, khi mới 11 tuổi, ông đã được phân công làm liên lạc, bảo vệ cơ sở Cách mạng?

- Đúng vậy! Cơ duyên là căn nhà mà gia đình tôi sinh sống ở làng Cót (quận Cầu Giấy, Hà Nội) từng là cơ sở hoạt động Cách mạng. Nơi đây, đồng chí Vũ Oanh (sau là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương) đã chủ trì các cuộc họp bí mật của Việt Minh. 

Sau đó, được những người đảng viên đi trước dẫn đường, tôi tham tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu do đồng chí Vũ Oanh làm Đội trưởng. Cách mạng tháng Tám thành công, tôi lần lượt tham gia các đội tuyên truyền ở Bắc Giang, Vĩnh Yên rồi vào học tại Trường Lục quân Việt Nam (nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn) và chính thức bước vào con đường binh nghiệp.

Mỗi năm, vào tháng 9, tôi thường bâng khuâng nhớ về quãng thời gian cách đây 79 năm. Mùa thu lịch sử năm 1945 khắc sâu trong trái tim tôi và là niềm tin, nguồn động lực để tôi tiếp tục sống, sáng tác. 

Đến nay, Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu số người còn sống không nhiều và chúng tôi đều tự hào vì mình được góp một phần nhỏ bé vào lịch sử hào hùng của dân tộc.

+ Ca khúc "Tiến bước dưới quân kỳ" của ông được phát trong mỗi buổi sáng trong lễ Chào cờ tại Quảng trường Ba Đình trước Lăng Bác Hồ. Số phận ra đời của nó có gì đặc biệt, thưa ông?

- Vinh dự và tự hào lắm! Bài hát được tôi viết năm 1958 trong một lần thăm Điện Biên - sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 4 năm, chứ không phải trong Chiến thắng Điện Biên Phủ như nhiều người vẫn nghĩ. Hôm đó, tôi đến đồi A1, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi, tạo nên nguồn cảm xúc mạnh mẽ là hai ngôi mộ liệt sĩ vô danh và chiếc xe tăng gục nòng nằm đó. 

Dù là thời bình, những dấu vết của chiến tranh vẫn còn nặng nề bởi hàng ngày vẫn có tiếng nổ đột ngột vang lên, một số học sinh, người lao động gặp thương vong khi vô tình vấp phải mìn.

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: “Tôi tự hào khi góp phần nhỏ bé vào lịch sử hào hùng của dân tộc”.- Ảnh 1.

Dù cuộc đời vắt qua 2 thế kỷ với biết bao sương gió, với những cuộc trường chinh, những lần "vào sinh ra tử" trong chiến trường ác liệt nhưng có thể nói, tôi lúc nào cũng như chàng thanh niên ở tuổi mới lớn, nhạc sĩ Doãn Nho tâm sự

Ca khúc "Tiến bước dưới quân kỳ" ra đời bởi sự xúc động của tôi trước những hy sinh của đồng đội, nhân dân, cũng là cảm xúc về sự nối tiếp của người lính thế hệ này đến thế hệ khác, tiến bước dưới ngọn cờ của Đảng, tận trung với Tổ quốc.

+ Từng nhiều lần gặp Bác Hồ, chắc hẳn trong ông chứa những ký ức khó quên?

- Tôi luôn nhớ những kỷ niệm về Bác. Năm 1966, trước khi đoàn văn nghệ sĩ vào chiến trường Tây Nguyên, Bác Hồ đã gặp gỡ chúng tôi, hướng dẫn đoàn cách mắc võng, giăng mùng, cách ăn uống thế nào để có đủ sức khỏe phục vụ chiến sĩ trong chiến trường. 

Tôi cũng vẫn nhớ lần cuối được gặp Bác trong Phủ Chủ tịch, thấy Bác yếu quá, cả đoàn văn nghệ sĩ ai cũng xúc động nên lặng đi nhưng Bác thì cứ tươi cười: "Kìa các chú, sao cứ yên lặng thế, hát lên chứ, múa đi chứ!".

Cũng chính từ tình cảm được đắp bồi trong những lần gặp Bác mà khi ở chiến trường Tây Nguyên, nghe lời thơ chúc Tết Mậu Thân 1968 của Người trên sóng phát thanh: "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta", tôi đã sáng tác ca khúc "Tây Nguyên mừng đón thơ Bác".

+ Ở tuổi 91, ông vẫn tham dự đầy đủ các cuộc vận động sáng tác, hội thảo về âm nhạc. Điều gì giúp ông có được sự bền bỉ đó?

- Tôi có sức khỏe hôm nay là nhờ ăn uống và tập luyện đều đặn, đầy đủ. Đặc biệt, tâm hồn tôi lúc nào cũng tươi trẻ, phơi phới niềm lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Trái tim tôi vẫn tràn đầy khát khao được yêu, dễ rung động, run rẩy trước cái đẹp.

Dù cuộc đời vắt qua 2 thế kỷ với biết bao sương gió, với những cuộc trường chinh, những lần "vào sinh ra tử" trong chiến trường ác liệt nhưng có thể nói, tôi lúc nào cũng như chàng thanh niên ở tuổi mới lớn. 

Bởi tôi quan niệm, mỗi năm qua đi là tuổi của thời gian chứ không phải tuổi của tâm hồn, nhất là với một người sáng tác âm nhạc thì phải giữ nguyên cảm xúc tuổi đôi mươi và không bị chi phối bởi bất cứ điều gì.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nhạc sĩ Doãn Nho sinh năm 1933, quê ở làng Cót, xã Yên Hòa, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội nay thuộc quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Ông là nhạc sĩ, Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông thuộc thế hệ từng trải 3 sự kiện lớn của lịch sử dân tộc: Ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945; chiến thắng Điện Biên Phủ (7/51954) và Giải phóng miền Nam (30/4/1975).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn