Nhạc sĩ Giáng Son nói về cái khó khi phổ nhạc 'Tây Thiên Ca'

19:33 | 09/02/2019;
Nhạc sĩ Giáng Son cho biết, “Tây Thiên Ca” được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của sư thầy trụ trì Tây Thiên với yêu cầu không được thêm bớt một chữ.
giang-son.jpg
Nhạc sĩ Giáng Son

 

Chị từng đến Tây Thiên nhiều lần chưa?

Nhạc sĩ Giáng Son: Tôi cũng từng đi vài lần. Với nhóm sinh viên khoa Mỹ thuật trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh. Họ đi tìm hiểu về kiến trúc và vẽ, còn tôi đi tham quan. Rồi cũng đi lễ Phật cùng những người bạn. Tây Thiên là nơi rất linh thiêng và hùng vĩ. Hồi tôi đi chưa có cáp treo, chúng tôi đi bộ rất xa men theo dòng suối, được ngắm cảnh rất đẹp.

Vậy đến khi nào chị được diện kiến các ni ở Tây Thiên?

Cũng là một cái duyên, ca sĩ Phương Nga nói với tôi sư thầy trụ trì Tây Thiên có bài thơ Tây Thiên ca muốn tìm nhạc sĩ phổ nhạc. Thế rồi Phương Nga giới thiệu tôi.

Sau đó một sư nữ hẹn gặp tôi tại Hà Nội và đích thân đưa tôi đi Tây Thiên, tôi được đi bộ tới nơi các thầy tu hành, những nơi mà chỉ những người thân cận mới được biết. Khách tham quan chỉ đi những chùa chính thôi.

Sau chuyến đi, tôi hiểu về các thầy hơn và cảm thấy tình cảm trân trọng và yêu quý các thầy dành cho mình và mong muốn của các thầy có bài hát hay về Tây Thiên.

Tôi được nhận một đề bài rất khó vì thầy nói không được thêm hay bớt một chữ nào của bài thơ. Tức là phổ y nguyên. Mà quý vị biết là hình thức âm nhạc khác với hình thức thơ về câu, đoạn. Nhưng có lẽ tôi có một cái duyên với bài thơ hoặc có sự gia trì của chư Phật nên tôi phổ bài này rất nhanh. Bài thơ của thầy dù có sẵn âm vần như một ca khúc nhưng việc phổ nhạc cũng không phải dễ. Lời của thầy đưa rất nhiều từ trong Phật pháp vào. Cũng khá khó để xếp vào nốt sao cho khi ca sĩ hát không bị cưỡng âm, hát phải rất rõ từ. Mình phải lựa về mặt nốt khá khó làm sao nó vẫn phải bảo đảm tính giai điệu không bị bật khỏi màu chung của bài. Đồng thời vẫn phải dễ nhớ. Giai điệu mỗi lúc một kiểu sao người ta nhớ được. Đấy là bài toán khó mà tôi rất mừng cuối cùng mình đã giải được.

Thành ra tôi khá hài lòng với ca khúc này. Nó chứa đựng tình cảm thiêng liêng với phong cách pop thính phòng pop classic để phù hợp với giọng hát của Phương Nga nữa. Do được bén duyên với Phật pháp nhiều năm trước, thành ra khi nhận lời viết Tây Thiên Ca, tôi cũng khá tự tin chứ không quá bỡ ngỡ.

Thành công với nhiều ca khúc nhạc pop nhưng có vẻ Giáng Son cũng rất “mát tay” khi viết bài hát có âm hưởng Phật giáo?

Trước khi viết Tây Thiên Ca, Giáng Son cũng đã viết khá nhiều bài hát cho chùa Hoằng Pháp trong TP.HCM. Hàng năm chùa tổ chức đêm nhạc rất lớn cho các Phật tử gồm những bài hát phổ thơ của các thầy, giảng dạy những điều hay lẽ phải trong cuộc sống.

 

4-ts-sao-mai-phuong-nga-ht-tay-thien-ca.jpg
Ca sĩ Phương Nga trình bày ca khúc "Tây Thiên Cac

 

Trong 3 ngày, 22-24/2, Đức Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn Truyền thừa Phật giáo Ấn Độ Drukpa sẽ khai đàn và chủ trì đại lễ quán đỉnh, cầu an, cầu siêu trong Pháp hội Đại Bi Quan Âm tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc).

 

Trong khuôn khổ Pháp hội, nhiều chương trình giao lưu nghệ thuật đặc sắc sẽ được tổ chức trong đó có Tây Thiên Ca - đêm nhạc cúng dàng Phật Quan Âm (tối thứ Bảy, 23/2/2019 tại sân khấu Đại Bảo Tháp).

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn