Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ngày 28/2/1939 tại làng Lạc Giao, nay thuộc thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Nguyên quán của ông ở làng Minh Hương, nay thuộc phường Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vào năm 1943, khi mới vừa tròn 4 tuổi, ông đã cùng gia đình trở về Huế sinh sống.
Thân mẫu của Trịnh Công Sơn là bà Lê Thị Quỳnh, cựu nữ sinh trường Đồng Khánh với tính cách Huế tiêu biểu. Năm 1955, khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được 16 tuổi thì cha ông qua đời trong một tai nạn giao thông. Sinh thời, cha ông là một người yêu nước có tư tưởng chống Pháp và từng bị chính quyền thực dân Pháp bắt bỏ tù. Do đó, mẹ ông lúc đó phải gồng mình gánh lên vai trách nhiệm nuôi một bầy con đông đúc.
Năm 1958, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi ông vào Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh ngày nay) để học lớp đệ nhất (tương đương lớp 12 bây giờ) ban Triết tại trường Jean Jacques Rousseau (trường THPT Lê Qúy Đôn hiện nay). Năm 1961, ông lại được gia đình cho theo học chuyên ngành Tâm lý giáo dục trẻ em trường Sư phạm Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (1962-1964). Học chuyên về Triết rồi lại học chuyên về Tâm lý nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường suy tư về con người, về cuộc đời. Trong đó, hình ảnh người mẹ trong suy tư của nhạc sĩ họ Trịnh thật đầy cảm xúc!
Bởi vậy, trong nhiều ca khúc của mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dành tình cảm thân thương đối với người mẹ của mình. Trong bài hát "Mẹ đi vắng", ông đã có những ca từ thật vui tươi nhưng cũng đầy nhung nhớ: "Mẹ đi vắng, mẹ đi vắng/ Con sang chơi nhà bạn í a/ Con cầm cây đàn con hát/ Con cầm cây đàn con hát/ Hát cho mẹ về với con/ Hát cho mẹ về với con".
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn có rất nhiều sáng tác về người mẹ. Trong đó bài hát "Huyền thoại Mẹ" là bài hát về người mẹ hay nhất của ông. Cảm hứng sáng tác bài hát này của ông đến từ một chuyến đi đến tỉnh Quảng Bình vào đầu năm 1984. Lúc đó, ông đến thăm nhà bảo tàng ở Quảng Bình. Ông rất xúc động khi thấy tấm ảnh mẹ Suốt (1908-1968). Mẹ Suốt là người đã kiên cường chèo chiếc đò ngang dưới mưa bom bão đạn, đưa bộ đội qua sông trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Sau đó, ông đã sáng tác nên ca khúc "Huyền thoại Mẹ" với những ca từ đầy xúc động: "Đêm chong đèn ngồi nhớ lại. Từng câu chuyện ngày xưa. Mẹ về đứng dưới mưa. Che đàn con nằm ngủ. Canh từng bước chân thù. Mẹ ngồi dưới cơn mưa...".
Tháng 11/1991, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có những chia sẻ đầy xúc động khi người mẹ sinh thành ra mình qua đời. Nói về người mẹ của riêng mình, ông chia sẻ: "Khi một người đã năm mươi tuổi mà vẫn còn sống một mình và mẹ cũng một mình (vì ba mất sớm) thì mẹ và người ấy là hai người bạn. Hai người bạn ấy đã cùng nhau chia sẻ những buồn vui trong cuộc đời nhưng mẹ bao giờ cũng là người thiệt thòi nhất vì mẹ bao giờ cũng thấy con mình là một đứa trẻ và do đó mẹ đã chăm sóc con trên từng giấc ngủ, trong từng bữa ăn. Và cũng chính mẹ sẽ rời bỏ mọi cuộc vui để không rời bạn khi bạn đau ốm".
Nói về người mẹ của muôn kiếp người, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đúc kết: "Không có một bài hát nào có thể nói đủ về mẹ... Một người tình có thể ác độc với bạn nhưng trong lòng người mẹ thì chỉ có từ tâm... Tình yêu của mẹ là không vị lợi. Ở trái tim người mẹ chỉ có sự tràn đầy, không có bớt đi hoặc thêm vào gì nữa".
Tình cảm gia đình rất quan trọng trong việc hun đúc nên tài năng âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, tác giả bút ký chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã nhận xét: "Những năm tháng tuổi thơ ở Huế là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời của Trịnh. Ông sống giữa tình yêu thương của gia đình".
Bởi vậy, trong ca khúc "Em là hoa hồng nhỏ", nhạc sĩ Trịnh Cộng Sơn đã viết rõ về tình cảm thiêng liêng này: "Em sẽ là mùa xuân của mẹ/ Em sẽ là màu nắng của cha...". Ca khúc "Em là hoa hồng nhỏ" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được đánh giá là một trong những ca khúc thiếu nhi nói về tình cảm gia đình hay nhất và được nhiều thế hệ thiếu nhi hát vang.
Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, ông đã an nghỉ tại nghĩa trang Gò Dưa (TP. Hồ Chí Minh), bên cạnh ngôi mộ của người mẹ đã sinh ra ông và dành hết cả cuộc đời nuôi con cái lớn khôn. Đối với riêng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người mẹ của ông đã có sự ảnh hưởng lớn lao đến cuộc đời ông và những sáng tác của ông.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn