Nhạc sỹ Quỳnh Hợp bật mí album thứ 7 về Đà Lạt

12:20 | 30/12/2015;
6 album đã phát hành về Đà Lạt đã đưa tác giả ca khúc "Tổ quốc nhìn từ biển" lên tốp đầu những nhạc sĩ nặng lòng với thành phố ngàn hoa. Sắp tới chị sẽ cho ra mắt album thứ 7 về Đà Lạt.

Tại Festival hoa Đà Lạt 2015, nhạc sỹ Quỳnh hợp Trong có 3 sáng tác được biểu diễn trong lễ khai mạc và bế mạc. Báo PNVN đã có cuộc trò chuyện với chị về một Đà Lạt mộng mơ của thơ, của nhạc, một Đà Lạt đời thực với những mối lo “bị chặt chém” của du khách bốn phương.

Hân hoan hát về Đà Lạt

Được biết album “Tự tình Đà Lạt” của chị đã hoàn thành ở thời điểm cuối năm 2015. Nhưng hiện tại khi Festival hoa Đà Lạt diễn ra, vẫn chưa thấy chị ra mắt album này?

“Tự tình Đà Lạt” là album thứ 7 về thành phố ngàn hoa. Ban đầu tôi cũng dự định sẽ phát hành song song với album “Dấu chân người lính” trong tháng 12. Nhưng như vậy có lẽ hơi cập rập. Tôi muốn từng album đến và ở lại trong lòng công chúng một cách trọn vẹn, nên dù hoàn thành “Tự tình Đà Lạt” trước Festival một thời gian, tôi vẫn quyết định sẽ để dành dịp phát hành tới… sang năm.

Ca khúc Chuyện của phố, được nhạc sỹ Quỳnh Hợp vừa hoàn thành vào đêm 29/12, ngay trước Festival hoa Đà Lạt 2016. 6 album chỉ sáng tác và phổ nhạc riêng cho Đà Lạt, hẳn chị nằm trong top nhạc sỹ có nhiều sáng tác nhất về thành phố này?

Có thể nhiều tác giả chưa phát hành album tôi không thống kê được. Nhưng trong số những tác giả đã công bố album về Đà Lạt, có lẽ tôi ở trong top 5.

Tuy nhiên, nhiều không không nói lên được điều gì mà mình vui là festival hoa lần nào, bài hát của mình cũng vang lên khắp phố phường Đà Lạt trên những chiếc xe hoa diễu hành, trong các chương trình biểu diễn chính thức.

Bấy nhiêu là cũng đủ hân hoan cùng phố hoa Đà Lạt rồi.

Những cái tên album rất… tình tứ. Chị có tự tin rằng ca khúc của chị khiến những người chưa từng tới đây cũng phải yêu mến và những người đã tới rồi thì muốn… yêu nhau?

Nếu cảm nhận Đà Lạt qua âm nhạc của Quỳnh Hợp thì những ai chưa đến sẽ háo hức được đến nhất là các bạn trẻ vì sự tươi tắn, nồng hậu và thoáng đạt của những bài hát khoe được vẻ đẹp lãng mạn và không khí rộn ràng của phố hoa mỗi dịp festival.

Mùa đông làm cho người ta muốn gần gũi nhau, tình yêu dễ nảy nở nên đến Đà lạt, bạn nên có đôi vì thế mới nói Đà Lạt dễ khiến người ta muốn… yêu nhau là vậy.

Đà Lạt giống như một cô gái đẹp vừa giản dị vừa kiêu kỳ khiến cho người ta cứ đắm đuối, mơ tưởng, nhớ nhung. Âm nhạc Đà Lạt nói chung mang âm hưởng trữ tình, man mác buồn và là nỗi hoài nhớ.

Nhưng những ca khúc của tôi về Đà Lạt, bên cạnh những tình khúc thì nổi bật là những ca khúc mang đến cho người nghe niềm phấn chấn, vui tươi; không khí lễ hội rộn ràng với Ballad, Pop, Samba, Cha cha cha, Tango đặc biệt có cả hiphop – ca khúc “Lạc giữa phố hoa” là bản hiphop – rap đầu tiên về Đà Lạt do Tóc Tiên biểu diễn dịp festival hoa 2005 cùng nhóm múa hiphop tại sân khấu nổi giữa Hồ Xuân Hương đã tạo được ấn tượng đặc biệt với người Đà Lạt và du khách.


Nhạc sỹ Quỳnh Hợp tại Festival hoa Đà Lạt 2010

Những album riêng của chị có sắc màu thế nào để hấp dẫn người nghe khi mà thời gian đầu tổ chức festival hoa, từng năm chị đều có album ra mắt khán giả?

Đà Lạt có sức hút kỳ lạ với bất kỳ ai đã từng một lần đặt chân, các nghệ sĩ khi đến đây đều có tác phẩm. Sau thành công của album ‘Đà Lạt – thành phố ngàn hoa’, tôi có nhiều lần trở lại và viết thêm những ca khúc mới.

Album riêng đầu tiên của mình về Đà Lạt có chủ đề ‘Lạc giữa phố hoa’ ra mắt dịp festival Hoa 2006. Festival Hoa 2013, kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, mình cùng 2 nhạc sĩ gạo cội của Đà Lạt là Dương Toàn Thiên & Đình Nghĩ ra mắt album ‘Em có về Đà Lạt’. Đây là chùm ca khúc về Đà Lạt phổ thơ của nhà thơ Hồ Minh – một đại tá công an, công dân của phố Hoa.

Đó là những ca khúc vừa mộng mị khói sương như bản ngã của âm nhạc Đà Lạt lại vừa sôi nổi, trẻ trung qua những ca khúc về phố núi, về hoa, về em… trong không gian Đà Lạt đầy sắc màu quyến luyến du khách.

Những album ấy là dịp trải lòng với phố hoa, với những câu chuyện tình hư hư, thực thực ai cũng thấy mình trong đó.

Vợ chồng nhạc sỹ Quỳnh Hợp chụp hình kỷ niệm với vợ chồng nhạc sỹ Dương Toàn Thiên

Với album “Đà Lạt cuối đông”, có cảm giác rằng chị “mượn” cơ hội để lắng tâm tư về mùa đông xứ Bắc?

Sinh trưởng Hà Nội, tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống và làm việc từ năm 1991, người thân duy nhất là ông xã. Lần đầu tiên trở lại Hà Nội mùa đông đúng vào dịp tết âm lịch, tôi hạnh phúc vô cùng! Dương như bắt gặp mùa đông Hà Nội trong cái lạnh Đà Lạt nhưng khí hậu Đà Lạt dễ chịu hơn, một ngày có 4 mùa. Mùa đông bắt đầu từ 7h tối mang phong vị khá lạ.

Mùa Đông được xem là mùa đẹp nhất của phố núi Đà Lạt. Khi những cơn mưa cuối cùng bắt đầu ngưng và cái lạnh se se bắt đầu thổi về cũng là lúc những người phương xa muốn đến Thành phố sương mù tận hưởng khoảnh khắc đông về.

Album Đà Lạt cuối đông ra mắt cuối 2011 đầu 2012 vào dịp festival Hoa. Sao Mai Dương Quốc Hưng đã thật sự cuốn hút người nghe bằng sự liên kết giữa các đặc tính riêng biệt của nhiều dòng nhạc. Năm đó, Dương Quốc Hưng còn biểu diễn trước festival hoa giới thiệu những ca khúc trong album và biểu diễn trực tiếp trong chương trình bế mạc festival hoa năm đó.

Yêu nên cảm thông

Đà Lạt bây giờ thế nào so với lần đầu chị đến?

Lần đầu tiên cùng ông xã (mới cưới) đến với Đà Lạt mộng mơ vào đúng dịp nghỉ Lễ 2/9/1989, có bao nhiêu tiền… “ôm” đi tiêu hết, bây giờ mọi người gọi là “tuần trăng mật” đấy. Thời đó, hình như du lịch Đà Lạt đi “nhặt” khách ở từng khách sạn đưa đi thăm quan vì vắng quá.

Từ khi Đà Lạt có festival hoa, năm nào tôi cũng lên để nghe lại những gì mình viết, chiêm nghiệm lại những gì mình gửi gắm và gợi mở những ca khúc mới về một Đà Lạt mới hơn, rộn ràng hơn chào đón du khách.

Như là duyên, năm 2010 tôi đã mua được một căn nhà ở Đà Lạt, nằm bên một quả đồi, có thể ngắm toàn thành phố Đà Lạt.


Nhạc sỹ Quỳnh Hợp và ông xã lần đầu tiên tới Đà Lạt

Như vậy chị như một “cư dân” Đà Lạt rồi, liệu có phải chị đang “ưu ái” rất nhiều cho “đội nhà” của mình?

Từ khi có nhà, lên tới nơi là tôi rất ít xuống phố, trừ khi có bạn từ thành phố lên và nếu cà phê cùng bạn bè bên Hồ Xuân Hương.

Sau những ngày festival hoa và những ngày nghỉ lễ, Đà Lạt trở lại tĩnh lặng và vắng vẻ vốn có. Tôi đi nhiều nơi, có những thành phố du lịch gây ác cảm vì sự chặt chém. Đà Lạt vẫn mang sự hồn hậu vốn có khiến du khách vẫn có thiện cảm nên mình ưu ái Đà Lạt cũng đúng thôi.

                                      Cà phê bên hồ Xuân Hương

Chị là một trong số không nhiều nhạc sỹ thường xuyên nhận được các “đơn đặt hàng” sáng tác bài hát về các lễ hội, các biểu tượng văn hóa nghệ thuật, và cả những bài tỉnh ca. Có vẻ xu hướng này đang ngày một rộ thành phong trào?

Sau những bài hát có thể gọi là ‘thành phố ca’, ‘tỉnh ca’ như Thành phố hoa phượng đỏ của nhạc sĩ Lương Vĩnh ( thơ Hải Như), Hà Giang quê tôi (Thanh Phúc), Tiếng chày trên sóc Bom Bo (Xuân hồng) Dáng đứng Bến Tre, Khúc tâm tình người Hà Tĩnh ( Nguyễn Văn Tý); Huế tình yêu của tôi ( Trương Tuyết Mai), Huế thương ( An Thuyên).v.v. ai cũng cũng thuộc và ngêu ngao hát thì nhiều địa phương muốn mời chính những nhạc sĩ đã có bài ‘địa phương ca’ như thế hoặc những nhạc sỹ nổi tiếng về viết cho địa phương mình.

Hầu hết các tỉnh đều ‘thèm’ một bài gọi là ‘tỉnh ca’ như thế, để tự hào, để cho bằng người, quảng bá được tỉnh mình, thành phố mình.

Hiện nay, phương tiện truyền thông đa dạng hơn, người nghe có quá nhiều sự lựa chọn nên việc khán giả thuộc một bài hát về địa phương khó khăn hơn nhiều. Vì thế mà các địa phương phải ‘yêu’ bài hát của mình, phải dàn dựng, biểu diễn, phát sóng thường xuyên trong đài tỉnh, biểu diễn mỗi khi có dịp truyền hình trực tiếp trên VTV, theo thời gian mới có thể đọng lại được.

Tác phẩm được trao giải nhất mà để đó thì cũng vô ích. Âm nhạc là nghệ thuật của thời gian, cần phải được vang lên để người nghe cảm nhận.

Nhạc sĩ Quỳnh hợp với ông xã trên đỉnh Lang Biang năm 2004

Một ca khúc hay về một địa danh, cũng là “cái cớ” để du khách có thiện cảm về nơi đó. Nhưng với những địa phương để lại ấn tượng xấu về văn hóa ứng xử, thói chặt chém, sự a dua,… thì người nhạc sỹ có thể “nhận đơn hàng” ca khúc hay, ấn tượng được không?

Với một người sáng tác chuyên nghiệp, có đặt hàng là viết được. Hay hay không phụ thuộc tài năng của người viết. Có tác phẩm là một chuyện, tác phẩm được đón nhận hay không là chuyện khác.

Cùng đến 1 địa phương, có nhiều nhạc sỹ, có thể chỉ có 1 nhạc sỹ có tác phẩm “đứng” được là quý rồi. Tuy nhiên, có nhiều tác phẩm mang tính dự báo là tầm nhìn của người viết. Người nghệ sĩ có thể bỏ qua cái xấu, ‘vẽ’ ra một tương lai tốt đẹp đưa vào tác phẩm.

Đà Lạt là thành phố của những giai điệu trữ tình lãng mạn nhưng giờ, du khách còn có một nỗi lo về việc “thừa cơ chặt chém” về dịch vụ. Hai mảng đối lập và đáng lo ngại quá?

Đà Lạt chỉ đông vào những ngày cuối tuần và đông nhất vào những dịp nghỉ lễ và những dịp Festival hoa nên việc kinh doanh của người dân cũng khó khăn. Những nhà hàng, khách sạn ở Đà Lạt cả năm họ vắng có khách, đến khi lễ hội, nếu không tăng giá họ cũng khó ổn định việc kinh doanh của mình.

Du khách cũng chia sẻ với những người làm dịch vụ: ngày Lễ, Tết mình được nghỉ, còn họ vẫn phải làm, lượng khách tập trung cao bất thường khiến mọi thứ đều thiếu thốn, mọi chi phí theo đó tăng cao hơn.

Ví dụ, đường hoa Nguyễn Huệ ở Sài Gòn vào dịp Tết Nguyên Đán hàng năm, gửi xe ( tư nhân) là 50 nghìn, báo chí đưa tin là chặt chém. Là người đi chơi tết, ra tới đường hoa, có người giữ giùm xe để mình ngắm hoa thưởng ngoạn sắc xuân là mừng, nếu không có người giữ thì phải về. Khi mình đi chơi, có thể cả đêm giao thừa họ phải trông xe. Nếu nhìn ở góc độ chia sẻ, việc phí dịch vụ quá cao chưa hẳn đã là xấu.

Những nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, các công trình nghệ thuật “nhịn” quanh năm chỉ đợi một mùa hoặc 2 ngày cuối tuần. Du khách cũng cần chia sẻ với họ để dịch vụ du lịch ngày một tốt hơn.


                          Đà Lạt với ngàn sắc hoa

Liệu chị có “bênh vực” Đà Lạt quá không, ở góc độ du lịch, rất nhiều khách bắt đầu “sợ” rồi?

Tôi đã tự xem mình là cư dân thành phố này, vậy mà cũng bị “chém đẹp”. Ngày thứ nhất, tôi dẫn một nhóm bạn tới ăn tại một nhà hàng, giá cả phải chăng và ngon miệng. Thấy giá cả được, hôm sau trở lại ăn thì tá hỏa vì hóa đơn cao hơn hôm trước nhiều. Tôi hiểu rằng, chủ quán muốn khách trở lại nên bữa đầu tạo thiện cảm, ngày thứ hai thì cho rằng khách sẽ không ở lại lâu nữa nên tăng giá. Tôi cho đó là “mánh” kinh doanh ở các thành phố du lịch, không riêng gì Đà Lạt. Vì thế mà không chỉ bằng những biện pháp của chính quyền ổn địch giá cả và tổ chức khoa học thì du khách khi đến Đà Lạt nên mỗi người một tay, tùy theo sức của mình cùng làm cho Đà Lạt thêm đẹp và thân thiện hơn.

Còn nếu bạn sợ bị “chặt chém” khi đến Đà Lạt, xin mời ghé nhà tôi (cười…) – một ngôi nhà nho nhỏ xinh xinh trên một quả đồi nhìn ra Hồ Xuân Hương, có hoa trái trong vườn, bạn có thể ngắm và chụp hình toàn cảnh thành phố Đà Lạt từ trên cao rất đẹp.

Ngôi nhà vừa được trao giải nhì ‘Xanh – sạch – đẹp’ cấp cơ sở chào mừng festival hoa 2015. Bạn có thể thoải mái như ở chính ngôi nhà của mình, tự đi chợ, nấu ăn. Đặc biệt, bạn sẽ được thưởng thức những ca khúc về Đà Lạt riêng có của chủ nhân ngôi nhà.

Một góc vườn nhà của nhạc sỹ Quỳnh Hợp tại Đà Lạt buổi sớm tinh sương trước thềm năm mới 2016

Cảm ơn chia sẻ của nhạc sỹ!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn