Nhạc sỹ Thế Song 'mượn' ánh mắt vợ cho 'Nơi đảo xa'

14:54 | 18/09/2015;
Nhạc sĩ Thế Hiển - con trai nhạc sĩ Thế Song - cho biết hầu hết những ca từ của 'Nơi đảo xa' đều được hư cấu từ những câu chuyện thực của các chiến sĩ. Chỉ có hình ảnh 'em' là 'mượn' từ đôi mắt của mẹ anh.

Hư cấu từ tình yêu, nỗi nhớ của người chiến sĩ

Dù đã ở tuổi 'thất thập cổ lai hy', lại bị tai biến mạch máu não hành hạ nhưng mỗi khi giai điệu quen thuộc của ca khúc 'Nơi đảo xa' vang lên, đôi mắt của nhạc sĩ Thế Song (ảnh) lại đỏ hoe, ầng ậng nước.

Con trai nhạc sĩ Thế Song, nhạc sĩ Thế Hiển (ảnh), kể: Nơi đảo xa được cha anh sáng tác trên chiếc đàn piano mua bằng mấy chỉ vàng 'giắt lưng', đặt hàng từ miền Nam vào năm 1978, sau ngày giải phóng đất nước. Những nốt nhạc đầu tiên được hình thành trên cây dương cầm đắt giá này. Tuy nhiên, sự đắt giá, chuẩn mực ấy không phải là chìa khóa dẫn đến việc ra đời ca khúc. Nơi đảo xa có thể coi là 'đứa con rơi' của nhạc sĩ Thế Song vì ông hoàn toàn không có chủ đích hay sự chuẩn bị để viết nên ca khúc này.

Bài hát được viết năm 1979, khi ông cùng đoàn nghệ sĩ của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam đi thực tế sáng tác tại Quảng Ninh. Sau vài chén rượu, ngà ngà say, Thế Song được nghe rất nhiều câu chuyện về nỗi nhớ quê nhà, thèm được ngắm nhìn một cô gái... của những người chiến sĩ kiên cường chẳng hề nao núng trước bom đạn. Nhờ vậy mà những tứ đầu tiên của ca khúc ào ạt tuôn trên đường trở về. Đó cũng là những câu hát có sức nặng về chủ quyền, cũng là thiết tha nhất của cả ca khúc. 'Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa. Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua”.

Đỉnh cao trong gia tài âm nhạc

Nhiều người nghĩ rằng, tác giả đã tới các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nhiều lần nên mới có thể viết nên những câu hát nặng nghĩa, nặng tình đến vậy, nhưng thực ra không phải. Ông chỉ thả hồn ra đảo, hướng về những người con làm nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc chứ chưa một lần đặt chân đến đảo cho tới 16 năm sau. Lần ấy, Thế Song đi cùng đoàn với nhiều người nổi tiếng như: Dzoãn Nho, Lương Nguyên... Các chiến sĩ khi nhận ra 'cha đẻ' của ca khúc viết về lính đảo đã 'công kênh' đưa ông vào bờ (khi đó chưa có cầu cảng như bây giờ mà phải đi ca-nô ra đón tàu). Lần đầu tiên đặt chân lên đảo, ông đã bật khóc khi nghe từ xa vọng lại những lời ca quen thuộc: 'Nơi anh đến là biển xa/Nơi anh tới ngoài đảo xa…'. Bản thân ông cũng chẳng ngờ được rằng, ca khúc ấy đã trở thành bài hát đón tàu từ đất liền tới thăm của các chiến sĩ hải đảo, đến tận bây giờ.

Nơi đảo xa của Thế Song có 2 lời. Mặc dù bản thu của ca sĩ Trọng Tấn cả kỹ thuật thanh nhạc lẫn phối khí đều hoàn hảo nhưng nhạc sĩ Thế Song lại không thích sự nuột nà tới mức “sạch sẽ” như vậy, mà ông thích “hồn” của ca khúc do NSƯT Tiến Thành (bản thu đầu tiên) thể hiện và sự trẻ trung, hơi 'xù xì' của bản thu do Tùng Dương hát sau này hơn.

Nơi đảo xa là bài hát đầu tiên đưa Thế Song đến với những ca khúc 'rất biển đảo' về sau như: Ngôi nhà lính đảo, Biển mưa, Biển chuyện tình hóa đá, Mênh mang Trường Sa... Cả gia tài âm nhạc của ông có tới hơn 500 bài nhưng ngẫm lại, ông cũng phải công nhận rằng, chẳng 'đứa con' nào được rạng danh và mang đến cho ông nhiều cảm xúc như Nơi đảo xa.

Nhạc sĩ Thế Song sinh năm 1933, là con thứ 11 trong một gia đình trung lưu có 12 người con ở làng An Trạch, Bích Câu, Hà Nội. Ông từng là diễn viên rồi biên tập viên âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn