Nhiệt độ trung bình của trẻ sơ sinh là một kiến thức quan trọng mẹ cần nên biết do những tháng đầu đời, cơ chế tự điều hòa thân nhiệt của bé chưa hoàn thiện.
Chỉ một vấn đề nhỏ xảy ra cũng có thể dẫn đến tình trạng tăng hoặc hạ thân nhiệt quá mức ở trẻ nhỏ. Quan trọng hơn, nhiệt độ cơ thể cũng phản ánh rõ rệt tình trạng sức khỏe của bé. Chính vì vậy, mẹ cần lưu ý để có thể chăm sóc bé tốt nhất.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng nhiệt độ bình thường của trẻ sơ sinh luôn thấp hơn từ 1 đến 1,5 độ C so với người lớn. Thậm chí thân nhiệt của bé cũng có sự chênh lệch từ 1 đến 2 độ C nếu đo trên các vùng cơ thể khác nhau. Ngoài ra thân nhiệt của trẻ cũng có thể thay đổi vào các khoảng thời gian khác nhau trong ngày và tùy theo thời tiết.
Theo các chuyên gia, nhiệt độ trung bình của trẻ sơ sinh là từ 36,5 đến 37,5 độ C. Trong đó, nhiệt độ được đo ở hậu môn thông thường là 36,6 đến 38 độ C. Nếu đo ở nách là 34,7 đến 37,3 độ C, nếu đo ở miệng là khoảng từ 35,5 đến 37,5 độ C và khi đo ở tai, nhiệt độ trung bình của trẻ là 35,8 đến 38 độ C.
Nhiệt độ cơ thể trẻ được đo đúng nhất ở hậu môn. đặc biệt là với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi. Do ống tai của trẻ sơ sinh khá hẹp, do đó việc đo nhiệt độ ở tai có thể sẽ làm bé khó chịu. Khi đo nhiệt độ, mẹ nên điều chỉnh nhiệt độ trong phòng ở mức trung bình và không nên cho trẻ mặc quần áo quá dày cũng như không để trẻ vận động quá nhiều. Lưu ý việc đo nhiệt độ tại miệng chỉ dành cho các bé từ 4 đến 5 tuổi.
Do cơ chế điều hòa thân nhiệt chưa hoàn thiện, hoạt động còn kém nên nhiệt độ cơ thể của trẻ có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố. Trong đó sự thay đổi của nhiệt độ phòng, mặc nhiều quần áo dày, thời tiết là những tác nhân điển hình ảnh hưởng đến thân nhiệt của trẻ.
Đối với trẻ sơ sinh, nhiệt độ cơ thể chỉ cần ở khoảng từ 37,5 đến 38 độ C được xem là sốt nhẹ. Nếu nhiệt độ cơ thể trẻ tăng cao từ 38 đến 39 độ là sốt cao, lúc này mẹ cần có biện pháp để hạ sốt, giảm thân nhiệt của bé.
Trong trường hợp nhiệt độ tăng lên trên 40 độ C, có thể đi kèm dấu hiệu co giật cần đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
Hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh cũng rất nguy hiểm. Nó có thể dẫn đến nhiều biến chứng, nghiêm trọng hơn là tử vong nếu không được điều trị phù hợp và kịp thời. Mẹ cần theo dõi những dấu hiệu thông thường của hạ thân nhiệt để đưa bé đi cấp cứu sớm như:
- Giảm nhiệt độ cơ thể, cứng cơ.
- Bàn tay, bàn chân lạnh ngắt, tím tái.
- Huyết áp giảm, bé bị choáng váng, chóng mặt
- Khi thân nhiệt giảm xuống dưới 34 độ C, bé có thể rối loạn nhịp thở, nghiêm trọng hơn là ngừng thở.
- Nếu nhiệt độ cơ thể trẻ giảm xuống 28 độ C, bé có thể hôn mê, giãn đồng tử, mất phản xạ với ánh sáng.
Để đo thân nhiệt cho bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, mẹ có thể đo ở nách hay hậu môn. Nhiệt kế điện tử cũng nên được dùng thay cho nhiệt kế thủy ngân vì nó an toàn hơn cũng như không chênh lệch quá nhiều về giá thành. Hơn nữa thủy ngân rất độc, nếu nhiệt kế bị vỡ sẽ gây nguy hiểm cho bé.
Nếu đo thân nhiệt ở nách, mẹ cần lau khô nách bé trước khi đo. Sau đó giữ nhiệt kế ở nách trẻ bằng cách ép sát khuỷu tay vào ngực từ 4 đến 5 phút. Nếu đo thân nhiệt ở hậu môn, mẹ cần để bé nằm úp sấp rồi nhẹ nhàng đặt nhiệt kế vào hậu môn từ 0,6 đến 1,3 cm bên trong hậu môn. Giữ 2 phút với nhiệt kế thủy ngân và 1 phút đối với nhiệt kế điện tử.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi của thân nhiệt trẻ qua xúc giác. Nếu bé bị sốt, bé sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn, môi khô và đỏ hơn. Nếu bé bị hạ thân nhiệt, chân và tay sẽ trở nên tím tái và lạnh cứng. Tùy theo sự thay đổi nhiệt độ của bé mà mẹ sẽ có những cách xử lý khác nhau.
Nếu nhiệt độ cơ thể bé hạ xuống thấp hơn 36,5 độ C, mẹ cần quấn tã và đắp chăn ủ ấm để thân nhiệt trẻ trở lại như bình thường. Trong trường hợp người bé bị ướt, phụ huynh cần thay quần áo cho bé càng sớm càng tốt và điều chỉnh nhiệt độ phòng ấm lên từ từ.
Nếu bé bị sốt nhẹ từ 37,5 độ C đến 38 độ C, mẹ cần dùng khăn ấm lau người cho trẻ và cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát để hạ sốt. Ngoài ra cũng cần cho bé uống nhiều nước và chú ý theo dõi nhiệt độ trẻ thường xuyên. Nếu trẻ sốt cao hơn 38 độ C, mẹ cần tìm cách hạ sốt ngay. Nếu trẻ vẫn không giảm được nhiệt cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn