Nhận biết thực phẩm nhiễm mốc độc và những hiểm hoạ khôn lường

09:03 | 13/02/2021;
Thực phẩm bị nấm mốc đều chứa các độc tố nguy hiểm có thể gây ngộ độc thực phẩm mãn tính dẫn đến ung thư và các bệnh nguy hiểm. Nhận biết thực phẩm nhiễm mốc độc giúp chúng ta phòng tránh ngộ độc, đảm bảo cơ thể khoẻ mạnh.

Nhiều người cho rằng thực phẩm bị mốc một chút vẫn có thể sử dụng được. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đồ ăn mốc nhiều hay ít đều chứa độc tố nguy hiểm có thể gây ngộ độc thực phẩm. Chính vì thế, khi đồ ăn bị mốc tốt hơn hết bạn nên vứt bỏ. Dưới đây là một số dấu hiệu thực phẩm nhiễm mốc độc bạn không thể bỏ qua.

1. Dấu hiệu nhận biết thực phẩm nhiễm mốc độc

Các loại thực phẩm nhiễm mốc độc thường có dấu hiệu đặc trưng rất dễ nhận biết. Thông thường đó là các đốm mốc trắng, xanh, hồng...xuất hiện trên bề mặt khiến thực phẩm biến đổi màu sắc, mùi vị. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết thực phẩm nhiễm mốc độc.

1.1. Mốc xanh trắng trên bề mặt thực phẩm

Các loại bánh từ gạo nếp như bánh chưng, bánh giày, ...rất ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên đây cũng là loại thực phẩm dễ bị nhiễm mốc độc nếu không được bảo quản đúng cách. Nhận biệt thực phẩm nhiễm mốc độc bằng cách quan sát bề mặt. Dấu hiệu đặc trưng của thực phẩm bị mốc là các đốm xanh, trắng xuất hiện.

Với bánh chưng, bánh giày nấm mốc thường phát triển từ lớp lá bên ngoài. Sau đó chúng lan dần vào bên trong khiến bánh bị hỏng. Dưới tác động của men amilaza tinh bột chuyển hóa thành đường đường glucoza và rượu ethylic. Bánh bị vữa tại nơi nấm phát triển có vị cay, hăng mùi rượu.

Nhận biết thực phẩm nhiễm mốc độc và những hiểm họa khôn lường - Ảnh 1.

Dấu hiệu nhận biết thực phẩm nhiễm mốc độc - Ảnh: Internet

Các loại thực phẩm khác như mứt, kẹo, trái cây, phô mai, bánh mì... khi bị nhiễm mốc độc cũng có dấu hiệu tương tự. Tùy thuộc vào thành của thực phẩm, nấm mốc có thể là màu trắng, xanh, đen hoặc hồng, đỏ... Khi thấy trên bề mặt thực phẩm xuất hiện dấu hiệu này, tốt hơn hết bạn nên vứt bỏ để tránh nhiễm độc.

1.2. Đồ ăn bị chua, đắng, thay đổi mùi vị

Đồ ăn thay đổi mùi vị cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết thực phẩm bị nhiễm mốc độc. Một số loại nấm mốc chứa men glucoza, mantoza chuyển hóa thành acid gluconic, acid fumatic…khiến thực phẩm có vị chua. Đồng thời, chúng tiết ra độc tố khiến người ăn bị ngộ độc.

Các loại mứt, bánh ngọt, bánh kem... là thực phẩm dễ bị hỏng do vi sinh vật và nấm mốc phát triển. Nhất là khi thực phẩm không được bảo quản đúng cách. Gợi ý Mẹo nhỏ với cách bảo quản thực phẩm ngày Tết đúng cách.

Đối với mứt hút ẩm, khi có dấu hiệu chảy nước nghĩa là chúng sắp hỏng và có thể gây ngộ độc. Do đó, khi thực phẩm bị thay đổi mùi vị, màu sắc đặc trưng bạn không nên ăn vì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

1.3. Thực phẩm bị mềm nhũn, ẩm ướt

Bạn hoàn toàn có thể nhận biết thực phẩm bị nhiễm mốc độc bằng mắt thường. Khi quan sát thực phẩm, nhất là các loại rau, củ, quả, nếu thấy chúng bị mềm nhũn nghĩa là đã bị thối rữa bên trong. Có thể dùng tay ấn nhẹ vào thực phẩm để kiểm tra kết cấu của chúng. Các loại trái cây như cam, quýt, bưởi khi bị hỏng thường có nấm mốc ngoài vỏ và mềm nhũn.

Với các loại thực phẩm đóng gói khi bị nhiễm ẩm hoặc quá hạn sử dụng sẽ chảy nước, bị mốc xanh đỏ. Đồng thời nó khiến thực phẩm có mùi hôi nếu để lâu ngày. Do đó, để tránh ngộ độc thực phẩm bạn cần vứt bỏ ngay lập tức.

1.4. Các loại lương thực ngô, khoai, sắn, ngũ cốc

Với các loại hạt như gạo, ngô, ngũ cốc...rất dễ nhận biết khi bị nấm mốc. Thông thường khi không được bảo quản ở môi trường khô ráo, các loại hạt sẽ bị mốc xanh và thối rữa. Các loại hạt bị nhiễm mốc thường chứa các độc tố vô cùng nguy hiểm.

Một số chất độc được sản sinh từ các loại hạt bị nấm mốc như Alfatoxin, Aspergllus. Chúng thường có trong gạo, ngô, đậu, lạc...bị ẩm mốc, thay đổi màu sắc, mùi vị. Bên cạnh việc gây ngộ độc cấp tính, các loại mốc độc này được tích lũy dẫn trong cơ thể dẫn đến bệnh ung thư.

Nhận biết thực phẩm nhiễm mốc độc và những hiểm họa khôn lường - Ảnh 2.

Nấm xanh trắng là dấu hiệu nhận biết thực phẩm nhiễm mốc độc - Ảnh: Internet

1.5. Hạn chế ăn nội tạng của gia súc, gia cầm

Nhiều người chăn nuôi không am hiểu hoặc vì lợi nhuận thường cho gia súc, gia cầm ăn các loại hạt bị nấm mốc. Điều này khiến độc tố tích tụ trong cơ thể của động vật. Chúng gây ảnh hưởng đến chất lượng của thịt, sữa, trứng...Đặc biệt là các bộ nội tạng như gan, thận đều bị nhiễm độc. Khi chúng ta ăn các loại thực phẩm từ động vật bị nhiễm độc sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

Dấu hiệu nhận biết thực phẩm nhiễm mốc độc ở gia súc gia cầm là động vật gầy yếu, bị xơ gan, độc thận. Một số đặc điểm nhận dạng thực phẩm nhiễm nấm độc như: Đối với gan lợn bị nhiễm độc aflatoxin thường có vân trắng, hơi vàng.

Với gia cầm như gà, vịt thường bị rụng lông tơ, lông vũ, xuất huyết dưới da, gan to và có cảm giác trương lên. Do đó, khi mua thực phẩm bạn cần chú ý để tránh ngộ độc.

2. Những hiểm họa khôn lường khi ăn thực phẩm nhiễm mốc độc

Khi thực phẩm có dấu hiệu bị nhiễm mốc độc nếu bạn vẫn cố tình ăn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho sức khoẻ. Các chuyên gia ước tính rằng có tới 40% loại nấm mốc gây ngộ độ thực phẩm.

Nhận biết thực phẩm nhiễm mốc độc và những hiểm họa khôn lường - Ảnh 3.

Nhận biết thực phẩm nhiễm mốc độc giúp phòng tránh ung thư - Ảnh: Internet

Mức độ độc của các loại nấm khác nhau. Khi xâm nhập vào cơ thể chúng gây ra các loại bệnh khác nhau. Một số loại mốc có hàm lượng độc tố nhỏ chỉ gây nôn mửa, tiêu chảy, choáng váng. Tuy nhiên với các loại thực phẩm chứa độc tố nguy hiểm như Alfatoxin, Aspergllus parasiticus, ochratoxin, fumonisins... là nguyên nhân chính gây xơ gan, ung thư gan, suy thận, ung thư buồng trứng,...

Theo Cục Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ, độc tố aflatoxin bền vững ở nhiệt độ cao. Mặc dù chế biến ở 1500 độ C trong vòng 30 phút, các bào tử nấm bị tiêu diệt nhưng độc tố vẫn tồn tại. Vì thế, dù bạn chế biến thực phẩm mốc ở nhiệt độ cao vẫn có thể gây nguy hiểm khi ăn.

An toàn thực phẩm bị tác động bởi môi trường, chế biến, bảo quản, lưu thông, phân phối và sử dụng. Do vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chọn nhà cung cấp uy tín.

Với thực phẩm tươi cần có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Động, thực vật được chăn nuôi, trồng trọt ở môi trường sạch, không bị ô nhiễm nguồn nước. Không cho động vật ăn các loại hạt bị mốc meo, thối hỏng.

Khi thực phẩm bị thay đổi màu sắc, mùi vị, hoặc nghi ngờ đồ ăn không đảm bảo cần tiêu hủy ngay. Không sử dụng thực phẩm đóng hộp quá hạn sử dụng, bị biến dạng từ bao bì. Đặc biệt là với các loại bánh ngọt, mứt. Không rửa sạch và sử dụng các loại hạt bị nấm mốc bởi chúng chứa chất độc nguy hiểm.

Khi nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm do nấm mốc cần giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, chất bài tiết để xét nghiệm. Xử lý cấp cứu bằng cách cho người bị ngộ độc nôn hết thực phẩm đã ăn. Điều này giúp ngăn cảm sự hấp thu chất độc của ruột, bảo vệ niêm mạc dạ dày. Sau đó đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Trên đây là một vài dấu hiệu nhận biết thực phẩm bị nhiễm mốc độc. Bạn nên lưu ý để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cả gia đình.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn