Nhận biết trầm cảm và loạn thần sau sinh để tránh họa mẹ giết con

18:45 | 17/06/2017;
Loạn thần sau sinh rất nguy hiểm, có thể khiến sản phụ và người thân tử vong. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan đến chứng bệnh này ở sản phụ nên dễ xảy ra hậu quả đau lòng, nhất là chuyện mẹ có thể sát hại con mới sinh.
Bác sĩ Lê Đào Nghĩa, Phó Trưởng khoa Nhi và Tâm lý lâm sàng (BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương) cho biết, loạn thần sau sinh là một trong những biểu hiện của bệnh trầm cảm. Theo đó, sau sinh phụ nữ có thể mắc trầm cảm thể nhẹ hoặc thể nặng và loạn thần là một trong những biểu hiện của chứng trầm cảm nặng.

Cụ thể, nếu bị trầm cảm nhẹ, bệnh nhân có biểu hiện buồn rầu, lo lắng, mệt mỏi. Trường hợp bị trầm cảm nặng, bệnh nhân có các biểu hiện lo lắng, sút cân, ảo giác, ảo thanh, muốn tự sát, muốn giết người khác.  

Loạn thần sau sinh là một hiện tượng rối loạn về mặt tâm thần, cấp tính và mang tính hung bạo với những hành vi nguy hiểm, thường xuất hiện ở giai đoạn sau sinh. Bệnh thường xuất hiện trong giai đoạn từ 1 đến 4 tuần sau sinh, nhập viện hầu như trong tuần đầu.

Theo thống kê, trên thế giới, tỉ lệ mắc loạn thần sau sinh là 1- 2/1.000 trường hợp. Ở các nước phát triển, tỉ lệ này thấp hơn ở các nước đang phát triển do hạ tầng chăm sóc y tế cơ sở cao hơn. Tại BV Từ Dũ (TP.HCM), trong năm 2013, tỉ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh chiếm 5,1%, trong khi loạn thần sau sinh là 0,5%.

2_481912.jpg
Khi phụ nữ bị loạn thần sau sinh, tính mạng đứa con và những người xung quanh rất nguy hiểm
Còn theo bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng (BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương), khi bị loạn thần sau sinh, bệnh nhân có biểu hiện buồn chán, mất ngủ, khóc lóc không rõ nguyên nhân, dễ bực bội, cáu gắt, dễ nổi giận, không hài lòng với mọi người, luôn luôn thấy mình có lỗi; ăn không ngon miệng dẫn đến sụt cân, kiệt sức; không thích thú với bất cứ hoạt động nào hoặc tăng động, không tự chăm sóc được bản thân, cho rằng mình có bệnh nặng, tách biệt hẳn khỏi gia đình, bạn bè. Bệnh nhân thường mất ngủ, ngủ chập chờn và hay gặp ác mộng.

Bệnh nhân cũng có thể bị mất hoặc rối loạn các năng lực định hướng như không nhận biết được bản thân mình, xung quanh, không gian và thời gian, lú lẫn. Bệnh nhân quan tâm lo lắng quá mức cho con, không cho ai sờ đến bé, luôn luôn ôm con khư khư, khi có người đến thì la hét, gào thét…

Ngoài ra, bệnh nhân còn bị hoang tưởng, ảo tưởng về nhiều vấn đề (như giới tính của con, sợ bị bắt cóc hoặc nặng hơn nữa là muốn giết con…). Bệnh nhân có thể nghe thấy những tiếng ảo thanh với những nội dung xúc phạm hoặc đe dọa, những hoang tưởng xâm nhập hoặc ghen tuông cũng thường thấy.  

Cũng theo bác sĩ Dũng, đây là một bệnh có liên quan đến rối loạn thực tổn, do thay đổi nội tiết tố chứ không phải bệnh tâm lý thông thường. Vì vậy, nhiều gia đình không phát hiện các biểu hiện của bệnh loạn thần nên đã để xảy ra những hậu quả đáng tiếc như sản phụ bị suy sụp, thần kinh, hoảng loạn, tự hại bản thân hoặc con của mình. Nặng nề hơn là sản phụ tự sát hoặc giết con rồi tự sát.
 
Phân biệt trầm cảm sau sinh với loạn thần sau sinh:
 

Biểu hiện

Trầm cảm sau sinh

Loạn thần sau sinh

Giống nhau

Có biểu hiện buồn chán, lo lắng, mất ngủ, dễ bực bội, cáu gắt, ăn không ngon miệng, sụt cân, kiệt sức; không thích hoạt động; hay ôm con.

Khác nhau

Có các thể nặng, nhẹ khác nhau

Là biểu hiện của trầm cảm sau sinh thể nặng

 

- Tỷ lệ mắc từ 10% đến 15%.

- Thường mơ hồ, trong 2 – 3 tháng đầu.

- Khí sắc trầm buồn, lo âu quá mức, mất ngủ.

- Các hành vi tùy thuộc vào thể trạng bệnh. Nếu ở mức độ nặng thường có ý nghĩ muốn tự sát, trước khi tự sát có khi giết người thân hoặc giết người có ảnh hưởng trực tiếp đến mình.
- Có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm.

- Tỷ lệ mắc rất thấp, chỉ từ 0,1 – 0,2%

- Thường trong 2 – 4 tuần đầu sau sinh

-  Kích động, gây hấn, khí sắc trầm hay hưng phấn, hoang tưởng, hành vi vô tổ chức.

- Thường có hành vi nguy hiểm với chính bản thân mình như tự sát hoặc người xung quanh (giết con, giết người khác).

 

- Phải điều trị lâu dài, khó khỏi bệnh,

 
Hậu quả của loạn thần sau sinh rất nguy hiểm. Đối với trẻ, người mẹ không có khả năng chăm sóc con hoặc bị ảnh hưởng bởi hoang tưởng. Không những thế, con có nguy cơ bị giết thậm chí cả người thân cũng bị đe dọa tính mạng.

Đối với bà mẹ, thì nguy cơ tự sát có thể xảy ra bất cứ lúc nào bởi do sự hoang tưởng, ảo thanh. Ngoài ra, người mẹ còn có nguy cơ bị suy kiệt, sức khỏe giảm sút, không thể tự chăm sóc được bản thân.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn