Chị Trần Thị Nguyệt Vĩ, ngụ tại TPHCM, nhân chứng có mặt tại hồ bơi Khu nghỉ dưỡng Centara Mirage Resort Mũi Né vào thời điểm cháu Hanawa Yukiji bị đuối nước đã có trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam xoay quanh sự việc này.
- PV: Chào chị Nguyệt Vĩ, chị có thể tường thuật lại vụ việc khi đó một cách cụ thể được không, ví dụ ai là người đã đưa bé lên bờ, chị có nhìn thấy trực tiếp không? Em bé đã được đặt sơ, cấp cứu ở vị trí nào, ra sao khi được đưa lên bờ và ai đã thực hiện các điều này?
Chị Nguyệt Vĩ: Khi tôi đang ngồi nghỉ bên cạnh hồ bơi thì con gái tôi chạy đến báo là không thấy Yukiji, nên tôi và chị Thư (mẹ bé Yukiji) đã chia nhau ra đi tìm bé. Tôi lội xuống hồ tìm vì hồ bị các núi đá ngăn lại không cho đi trên bờ hồ và nhìn tổng quát được. Lội được gần 1 vòng thì nghe có tiếng lao xao và tôi thấy một anh thanh niên tại chỗ Yukiji bị nạn đang kéo bé Yukiji lên nhưng không được. Dường như có một lực hút rất mạnh bên trong tường hút vào.
Anh ấy liền hô "Cứu, cứu". Lúc đó có thêm 3-4 người thanh niên khác gần đó chạy lại gỡ bé Yukiji ra khỏi thành hồ và đưa bé lên bờ. Có hai người, trong đó có một người mặc áo màu vàng cứu hộ của resort, người còn lại tôi không nhớ, thực hiện hô hấp nhân tạo cho bé một vài lần. Sau đó, có người vác bé lên vai và chạy một vòng khoảng 10 m. Tiếp theo, anh ấy đã đặt bé lên một băng ghế dài để tiếp tục sơ cứu.
Một lúc lâu sau, một chị xưng là nhân viên y tế của resort đến, khi đến nơi thì chị nhân viên y tế này chỉ thực hiện lau và xoa người cho bé để chờ bác sĩ. Đúng lúc đó thì chị Liên, bạn đi cùng tôi và chị Thư, chạy đến và tiến hành hô hấp nhân tạo cho Hanawa Yukiji. Nhân viên y tế của resort đã cùng chị Liên thay phiên nhau để hô hấp nhân tạo cho bé. Trong lúc Yukiji được hô hấp, tôi có hỏi hai người đứng gần "Bé bị hút vào phải không em?" thì cả hai đều xác nhận có. Lúc đó có sự chứng kiến của chị Thư.
Hô hấp được một lúc khoảng 10 phút, nhân viên y tế yêu cầu ai đó đi lấy bình oxy. Khi oxy được mang đến thì là bình oxy đã hết, có ghi chữ "Hết oxy" và được yêu cầu đi lấy bình khác. Khi bình oxy mới được đem đến, tôi thấy nhân viên y tế cố gắng cấp cứu cho bé thở oxy nhưng không được. Trong lúc Yukiji vẫn đang được cấp cứu bằng bình oxy đó thì bác sĩ Nguyễn Việt Tiến đến. Bác sĩ mặc thường phục, nói là đang đi trên đường thì được gọi nên không mang dụng cụ gì cả.
Sau khi bác sĩ đến nhìn trạng thái của Yukiji, bác sĩ nói theo kinh nghiệm của bác sĩ là không thể cứu được nữa. Cháu bé đã mất trước đó rồi.
Khi đó chị Liên nói bác sĩ dẫu còn 1% hy vọng cũng mong bác sĩ cố gắng hết sức mình để cứu cháu bé. Bác sĩ bảo rằng, việc cố gắng cứu thì bác sĩ vẫn phải làm, nhưng cũng không thể nói để cho người nhà có sự hy vọng. Vì theo kinh nghiệm của bác sĩ ở trạng thái cơ thể như thế thì không thể cứu. Nói xong, bác sĩ tiếp tục sơ cứu, hô hấp nhân tạo cho bé thêm khoảng một lúc nữa.
Lúc đó, vào lúc 11h14, tôi được chị Thư nhờ gọi điện thoại cho chồng chị là anh Hanawa báo tin con mất. Khi đó, Yukiji được mang lên xe cấp cứu để đi bệnh viện. Chị Liên cùng với chị Thư theo xe đưa bé đến bệnh viên. Tôi ở lại resort với 3 bé còn lại. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20 phút sau, tôi được chị Liên thông báo là bé đã tử vong.
- PV: Chị có nhìn thấy các vết bầm trên lưng của bé Hanawa Yukiji khi vừa được đưa lên từ hồ bơi hay không?
Chị Nguyệt Vĩ: Ngay sau khi bé Hanawa Yukiji được đưa lên bờ và được một nhân viên resort vác trên vai, tôi đã nhìn thấy các vết bầm ở lưng bé. Vì khi đó áo của Hanawa Yukiji bị tuột xuống hở ra phần lưng. Như vừa trao đổi ở phía trên, tôi thấy khoảng 4-5 người thanh niên ở gần đó kéo bé ra khỏi chỗ bị hút và đưa bé lên bờ.
- PV: Là người có mặt tại nơi xảy ra vụ việc đau lòng này, chị có mong muốn bày tỏ ý kiến cá nhân như thế nào?
Chị Nguyệt Vĩ: Theo tôi, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận cần điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự việc đuối nước đau lòng của bé Yukiji. Bên cạnh đó, khu resort cũng phải chú trọng việc đảm bảo an toàn kỹ thuật trong việc vận hành hoạt động của hồ bơi. Ngoài ra, các trang thiết bị sơ cứu lúc nào cũng nên phải trong tình trạng sẵn sàng. Việc chú trọng đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước cho nhân viên trong các khu nghỉ dưỡng là rất quan trọng và cần thiết để tránh những sự việc thương tâm như thế này có thể xảy ra trong tương lai.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn