Nhận diện 5 'thủ phạm' chính gây bệnh phụ khoa

17:13 | 25/05/2018;
Môi trường văn phòng được xem là nơi sạch sẽ nhưng theo các chuyên gia y tế, giới văn phòng lại là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh phụ khoa.

Bác sỹ Lê Thị Kim Dung, Phòng khám Sản phụ khoa, Trung tâm Y tế Thái Hà (Hà Nội), cho biết, trong số các bệnh nhân điều trị tại Trung tâm có khá nhiều người là dân văn phòng. Hầu hết những trường hợp này đều đến khám khi có những triệu chứng như thấy “vùng kín” có mùi, ngứa ngáy, khó chịu, rát... dù đã vệ sinh hàng ngày rất kỹ, nếp sống cũng sạch sẽ. Khi được giải thích rằng chính môi trường văn phòng, trong những cao ốc hiện đại, mà chúng ta nghĩ rằng rất sạch sẽ, vô trùng, lại là “thủ phạm” gây ra viêm nhiễm, ai cũng rất ngỡ ngàng.

 

Thực tế, về sinh lý, trong điều kiện bình thường, môi trường cân bằng của âm đạo luôn tồn tại vi khuẩn có lợi và có hại. Vi khuẩn có lợi giúp chuyển hóa và giữ cho độ pH cân bằng trong khoảng 4-6, gọi là pH sinh lý của âm đạo. Với sự cân bằng của hệ vi sinh vật thường trú tại âm đạo và pH sinh lý của âm đạo sẽ có tác dụng tạo nên cơ chế bảo vệ tự nhiên của hệ sinh dục nữ, có khả năng chống lại tác nhân gây bệnh (như vi khuẩn, nấm, trùng roi âm đạo...) có sẵn trong âm đạo hoặc xâm nhập từ bên ngoài vào.

 

nv.jpg
 Ảnh minh họa
 

Tuy nhiên, khi đến những giai đoạn như kinh nguyệt, mang thai, sau sinh, khi vệ sinh kém... hoặc các yếu tố thuận lợi từ môi trường, khiến pH acid thay đổi làm âm đạo giảm sức đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây hại phát triển và gây viêm nhiễm. Mặc dù người làm công việc văn phòng thường có ý thức vệ sinh tốt nhưng chính điều kiện làm việc khiến họ dễ bị viêm nhiễm. Những “thủ phạm” chính gây bệnh phụ khoa cho dân văn phòng là:

 

Ngồi lâu một chỗ: Do đặc điểm sinh lý mà “vùng kín” của người phụ nữ luôn trong tình trạng ẩm ướt. Nếu ngồi lâu một chỗ, “vùng kín” không được thông thoáng sẽ dễ bị sung huyết do lưu thông kém, tắc nghẽn ở vùng chậu... Hậu quả là chị em văn phòng có nguy cơ cao mắc các bệnh phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, suy buồng trứng do buồng trứng bị thiếu oxy.

 

Nhịn tiểu: Công việc bận rộn khiến không ít chị em ngại đứng lên, ra ngoài. Ngay cả khi cần giải quyết nhu cầu cá nhân là... đi vệ sinh, nhiều chị em cũng lười. Do đặc thù công việc văn phòng nên chị em thường ngồi một chỗ làm cho tuần hoàn máu chậm lại, nhất là tuần hoàn máu ở đáy chậu. Điều này kết hợp với nước tiểu bị tích lũy lâu trong bàng quang, niệu đạo sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì đường tiết niệu rất gần với “vùng kín” nên một khi đã bị nhiễm trùng đường tiết niệu, khả năng vi khuẩn lây lan, gây viêm nhiễm âm đạo là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Lười uống nước: Một đặc thù khác của dân văn phòng là lười uống nước, do ngại đi lấy nước, mải làm việc, ngại đi vệ sinh nếu uống nước nhiều... Uống ít nước là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viêm đường tiết niệu. Mà chị em khi đã bị viêm niệu đạo sẽ nhanh chóng kéo theo viêm âm đạo vì 2 bộ phận này ở gần nhau.

 

Thường xuyên bị stress: Với phụ nữ, khi bị stress, các hormone trong cơ thể không còn ổn định, thậm chí có thể rối loạn, dẫn đến sự thay đổi nội tiết trong cơ thể, khiến môi trường vùng kín mất cân bằng và gây viêm nhiễm.

 

Ngoài ra, môi trường làm việc trong phòng điều hòa, chế độ làm việc ngồi trên ghế kéo dài, kèm theo đó là sự thay đổi đột ngột nhiệt độ và độ ẩm không khí khi rời phòng làm việc sang môi trường sống có không khí tự do cũng là nhân tố gây viêm nhiễm. Sự thay đổi đột ngột này đã tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập, tấn công mạnh vào “vùng kín”.  

Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, để tránh viêm nhiễm phụ khoa, chị em văn phòng cần lưu ý quan tâm chăm sóc vùng kín đúng cách. Khi làm việc nhiều giờ trong văn phòng, không nên ngồi lâu một chỗ, thay vào đó nên có những vận động nhỏ để vùng kín thông thoáng, tuyệt đối không nên nhịn tiểu, chú ý uống đủ nước, giữ nếp sống lành mạnh, tránh bị stress...  

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn