Nhận diện thế hệ nhà văn sau 1975

12:16 | 28/04/2016;
'Thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975 là lớp người đóng góp hết sức to lớn cho sự nghiệp đổi mới văn học nước nhà' - Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, nhận định tại Hội thảo khoa học quốc gia 'Thế hệ nhà văn sau 1975'.

Hội thảo khoa học quốc gia Thế hệ nhà văn sau 1975 do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức khai mạc sáng nay, 28/4, tại Hà Nội. Với 85 tham luận, hội thảo hướng đến việc nghiên cứu, đánh giá kỹ càng hơn văn chương của những nhà văn xuất hiện, trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là giai đoạn từ 1986 đến nay.

img_7968.JPG
Văn nghệ chào mừng Hội thảo khoa học quốc gia "Thế hệ nhà văn sau 1975"

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL nói: “Có thể khẳng định, thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975 là lớp người đóng góp hết sức to lớn cho sự nghiệp đổi mới văn học nước nhà. Họ xuất hiện là để làm mới văn học, là đưa văn học sang giai đoạn mới”.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện nói thêm: “Thế hệ nhà văn sau 1975 cầm bút và sáng tạo vào thời điểm công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước do Đảng khởi xướng năm 1986. Vì thế, họ đã có được một tinh thần đổi mới mạnh mẽ, và trên thực tế đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn chương thấm đẫm tinh thần đổi mới cả về tư tưởng và nghệ thuật”.

Tại Hội thảo, TS Chu Văn Sơn đã “điểm danh” những cây bút tiêu biểu của thế hệ nhà văn Việt Nam sau 1975, có thể kể đến Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Sương Nguyệt Minh, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Dạ Ngân, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Xuân Nguyên, Đỗ Lai Thúy… và khẳng định đó là “một lực lượng đông đảo và hùng hậu, không phải chặng nào cũng có được”.

Đặc biệt, TS Chu Văn Sơn đặt ra sự so sánh thế hệ nhà văn sau 1975 với giai đoạn “nhà văn chiến sĩ” trong chiến tranh: “Thế hệ này không ca ngợi hiện thực, mà tra vấn hiện thực. Do tinh thần tra vấn hiện thực mà khuynh hướng sử thi nhạt dần, nhường chỗ cho khuynh hướng thế sự và đời tư, cảm hứng lãng mạnh thoái vị nhường ngôi cho cảm hứng phản tư, đối thoại”. Đó cũng là lý do vì sao từ văn xuôi đến thơ, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến tùy bút tản văn, tạp bút, từ thơ cực ngắn đến những bản trường cả của chặng này đều thấm đượm những cung bậc day dứt, trăn trở, đều thấm đượm những cung bậc day dứt, trăn trở…

vo-xuan-ha.jpg
Võ Thị Xuân Hà - cây bút nữ tiêu biểu của thế hệ nhà văn sau 1975

GS.TS Trần Đình Sử thì nhận định: “Họ xuất hiện để giã từ những tín điều đã lỗi thời và tiếp thu tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại, đi tìm những mỹ học mới và khác, làm phong phú cho văn học dân tộc”.

Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy cho rằng: “Sự thành công về mặt nghệ thuật của những nhà văn tiêu biểu của thế hệ này đã tạo ra sự cộng hưởng sâu rộng ở người đọc và làm phấn khích nhiều cây bút khác tham gia”.

Nhìn riêng từ góc độ văn học nữ, TS Thái Phan Vàng Anh khẳng định: Văn xuôi nữ có đóng góp rất đặc biệt cho văn học Việt Nam sau 1975: “Các nhà văn nữ thế hệ sau 1975 đã không chỉ khẳng định ý thức giới tính mà còn tạo nên một diễn ngôn của giới mang đậm âm hưởng nữ quyền”.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn