Nhận diện thịt bò thật qua màu săc

12:20 | 25/08/2015;
Thị trường thịt bò hiện khá đa dạng, đòi hỏi người tiêu dùng phải khá tinh ý để tránh nhầm lẫn đáng tiếc.

Dạo qua một số chợ lớn và các siêu thị tại TPHCM và Hà Nội, có thể thấy thịt bò được bày bán khá đa dạng với rất nhiều loại, từ thịt bò tươi đến đông lạnh, từ thịt bò Việt Nam tới bò Úc, Mỹ New Zealand… nhằm đáp ứng cho nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Với thịt bò Việt Nam, giá thịt đùi là 220.000 đồng/kg, thịt bò philê giá khoảng 240.000 đồng/kg, bò thăn giá 210.000 đồng/kg, thịt nạm giá 170.000 đồng/kg. Thịt bò Úc giá cao hơn: thịt đùi 280.000 đồng/kg, thịt bắp 254.000 đồng/kg, thịt thăn 380.000 đồng/kg, philê 400.000 đồng/kg… Trong khi đó, thịt bò Mỹ, New Zealand giá từ 500.000 đến 550.000 đồng/kg tùy từng loại.

Bên cạnh thịt bò tươi và bò đông lạnh để phục vụ cho khẩu phần ăn hàng ngày của các gia đình, thì thịt bò khô, bò hun khói…  cũng được ưa chuộng do ưu điểm về bảo quản, tiện dụng, dễ chế biến… Theo đó, thịt bò khô loại sợi giá khoảng 570.000 đồng/kg, loại miếng 590.000 đồng/kg, loại viên 590.000 đồng/kg; thịt bò hun khói giá từ 730.000 đến 750.000 đồng/kg. 

 Thịt bò tươi màu đỏ au, ấn vào có cảm giác dính dẻo. Ảnh minh họa

Do giá thịt bò khi bán ra thị trường cao hơn so với giá của một số loại thịt động vật khác từ vài chục đến hàng trăm ngàn đồng, vậy nên một số người bán đã “phù phép” cả thịt heo, thịt trâu thành thịt bò. Theo quan sát của chúng tôi, thịt bò “giả” thường được tiểu thương trà trộn, bày bán cùng thịt bò thật tại các sạp trong nhiều chợ, khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt thật - giả.

Tuy nhiên, theo anh Sơn, người đã có thâm niên gần 20 năm làm việc trong một lò giết mổ bò ở TPHCM, cách để nhận diện thịt bò thật là nhìn màu sắc: Thịt bò thật có màu đỏ au, còn thịt lợn giả bò có màu đỏ nhưng nhạt hơn; thớ thịt bò bé, phần mỡ màu vàng nhạt, còn thịt lợn thớ to hơn và mỡ màu trắng. “Khi mua thịt, bạn nên dùng ngón tay ấn vào miếng thịt sẽ thấy rõ sự khác biệt. Nếu là thịt lợn, cảm giác hơi mềm, còn khi ấn vào thịt bò (đặc biệt là phần mông) sẽ thấy có sự đàn hồi, cảm giác thịt dính theo tay, bề mặt thị mịn và khô. Đặc biệt, thịt bò “nặng mùi” hơn thịt lợn, nếu sờ tay vào sẽ ngửi thấy mùi tanh”.

Cũng theo anh Sơn, thịt trâu giả bò có màu sẫm đen, mỡ trắng, thớ thịt rất to, thô hơn nhiều so với thịt bò thật. Nếu đem xào, luộc, thịt bò thường có mùi, thịt trâu không mùi hoặc có nhưng không rõ lắm. Mặt khác, thịt trâu khi luộc, xào thì miếng thịt co lại, dai hơn thịt bò.

Đối với thịt bò khô, có nhiều cách để phân biệt thịt “giả”: Phân biệt bằng thị giác: Khô bò thật có màu vàng sẫm, sợi dài, to...; khô bò giả thường có màu đỏ vừa đến đỏ thẫm, vì người chế biến dùng phẩm màu “phù phép”, sợi nhỏ, ngắn. Phân biệt bằng xúc giác: Khô bò thật rất dai và dẻo, khi dùng tay xé sợi hoặc miếng thì phải dùng 1 lực khá mạnh, trong khi khô bò giả thường rất bở, dùng 1 lực nhẹ là xé được ngay. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể phân biệt khô bò thật bằng khứu giác và vị giác như: Khô bò thật có mùi nồng rất đặc trưng của thịt bò, nhai vào sẽ có vị cay, ngọt, mặn vừa phải; còn khô bò giả có rất ít mùi bò, vị nồng để lấn át mùi thịt lợn nhưng khi ăn vẫn có thể nhận biết vì mùi thịt lợn rất đặc trưng, vị thường rất ngọt nhưng khi nuốt xuống thì lại đắng...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn