Nhận diện thực phẩm chức năng quảng cáo lừa dối người tiêu dùng

07:08 | 22/11/2019;
“Thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh, hoàn toàn không được quảng cáo thay thế thuốc chữa bệnh”, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết.

Theo TS Nguyễn Thanh Phong, thực phẩm chức năng hoàn toàn không được quảng cáo, ghi nhãn công dụng là điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh, không được dùng hình ảnh, uy tín, danh nghĩa của cán bộ y tế, của cơ sở y tế để quảng cáo. Thực phẩm chức năng là những sản phẩm hỗ trợ chức năng, các bộ phận cơ thể của con người có thể có nguồn gốc từ động vật, thực vật, khoáng vật và các hoạt chất sinh học khác có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh.

Thực phẩm chức năng là những sản phẩm giao thoa giữa thực phẩm truyền thống và thuốc. Vì thế, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận nên cố tình đưa ra thị trường những sản phẩm không như đăng kí với cơ quan quản lý, quảng cáo sai sự thật… dẫn đến tình trạng người tiêu dùng hoài nghi về công dụng thực phẩm chức năng.

 

Cục An toàn thực phẩm cho biết, trên một số trang thông tin, thực phẩm bảo vệ sức khỏe BIBI THYMOLYS quảng cáo vi phạm quy định, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng

 

Tại buổi giao lưu trực tuyến “Phổ biến các quy định về quản lý thực phẩm chức năng” được tổ chức mới đây ở Hà Nội, dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam cho biết, dùng thực phẩm chức năng không thay thế được thuốc. Thuốc được chỉ định của bác sĩ, phải sử dụng đúng liều, đúng phác đồ, đúng liều lượng. Còn thực phẩm chức năng chỉ nhằm nâng cao thể trạng, nâng cao sức đề kháng để hỗ trợ trong việc điều trị bệnh. Còn trong trường hợp phòng ngừa thì nên sử dụng thực phẩm chức năng với liều lượng nhỏ và duy trì lâu dài để ngăn ngừa bệnh tật và phòng tránh một số bệnh.

“Việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng thay thuốc chữa bệnh là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn”, TS Phong bức xúc.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nêu ví dụ, những bệnh nhân mắc bệnh nan y nếu phát hiện sớm, phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh. Hoặc chí ít cũng kéo dài cuộc sống. Nhưng vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng có thể chữa được bệnh nên không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, khi quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao.

“Do vậy, khi thấy các sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo có những nội dung quảng cáo nêu trên, người tiêu dùng không nên mua, không tin, không sử dụng các sản phẩm này”, TS Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn