Trong thế giới đang mạnh mẽ chuyển mình ngày nay, mỗi quốc gia đều đóng một vai trò quan trọng trong bản giao hưởng lớn của thời đại. Việt Nam đang ra sức phấn đấu, bứt tốc để có thể hiện thực hóa một tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững, không chỉ cho người dân Việt Nam, mà còn cho tất cả quốc gia trên thế giới.
Việt Nam chủ trì xây dựng và thúc đẩy thông qua Nghị quyết số 2573. Đây là nghị quyết riêng đầu tiên của Hội đồng Bảo an LHQ về bảo vệ hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân (như bệnh viện, trường học, hạ tầng điện, nước…), được tất cả 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ cùng đông đảo thành viên LHQ đồng bảo trợ.
Trong bối cảnh xung đột, bạo lực đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là Dải Gaza, nội dung bảo vệ người dân trong xung đột vũ trang tại Nghị quyết số 2573 càng thể hiện rõ giá trị nhân văn và ý nghĩa thiết thực.
Kể từ năm 2014 đến nay, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, cử hơn 800 lượt sĩ quan quân đội và công an thực hiện nhiệm vụ tại những khu vực xa xôi như Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi…; hỗ trợ thiết thực và gắn bó với người dân địa phương, thực sự trở thành "sứ giả hòa bình" ở mỗi địa bàn đóng quân.
Việt Nam đã tham gia từ rất sớm và là thành viên của 7 trong 9 điều ước quốc tế chủ chốt về quyền con người, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thành viên theo các công ước này.
Tại LHQ, Việt Nam đã thúc đẩy sáng kiến công nhận ngày 11/6 là Ngày vui chơi quốc tế (được 138 nước đồng bảo trợ), ghi nhận vai trò của sự phát triển thể chất, tâm lý của trẻ em cũng như tiến bộ của xã hội, qua đó, nâng cao nhận thức về quyền lợi của trẻ em trên toàn cầu.
Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế tín nhiệm và đặt nhiều kỳ vọng, đã và đang đảm nhiệm thành công nhiều vị trí quan trọng tại LHQ. Lãnh đạo LHQ luôn đánh giá cao vai trò và đóng góp của Việt Nam và mong Việt Nam tiếp tục đóng vai trò ngày càng tích cực trên các lĩnh vực ưu tiên của LHQ.
Việt Nam đã được bầu làm thành viên Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (cơ quan tiền thân của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc - UPR) trong nhiệm kỳ 2001 - 2003 và Hội đồng Nhân quyền các nhiệm kỳ 2014 - 2016, 2023 - 2025.
Trong vai trò thành viên của UPR nhiệm kỳ 2023 - 2025, Việt Nam tiếp tục đóng góp vào các hoạt động và quyết định quan trọng của UPR, ưu tiên bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người; xây dựng và thúc đẩy thông qua nghị quyết về bảo đảm quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã chính thức ứng cử thành viên UPR nhiệm kỳ 2026 - 2028, thể hiện sự quyết tâm và khả năng duy trì vai trò lãnh đạo trong thúc đẩy cũng như bảo vệ quyền con người trên toàn cầu.
Tại lễ khai mạc Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị phụ nữ (CSW68) của Hội đồng kinh tế, xã hội LHQ (ECOSOC) ngày 11/3/2024, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nêu bật một số thành tựu của Việt Nam trong công tác bình đẳng giới, trong đó có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV chiếm 30,3%, tỷ lệ các tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 82,4%.
Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi tham gia thị trường lao động là 70%; gần 30% doanh nghiệp có lãnh đạo là nữ.
Việt Nam đã lần đầu tiên thông qua Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh vào tháng 1/2024 và đã vượt mục tiêu đề ra về tăng cường vai trò, sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình, qua đó, góp phần thiết thực vào nỗ lực quốc tế thúc đẩy vấn đề này ở khu vực và trên thế giới.
Phó Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nước và các đối tác vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái, không bỏ ai lại phía sau.
Tại CSW68, nhiều nước đã hưởng ứng các đề xuất của Việt Nam về việc tập trung nỗ lực hỗ trợ phụ nữ xoá đói, giảm nghèo, tăng cường tham gia vào các quá trình ra quyết định, tiếp cận khoa học, công nghệ và tham gia xây dựng hoà bình.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, là một trong những nước hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ thứ 3 (MDG 3) về bình đẳng giới.
Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), trong đó có các Mục tiêu số 5 và 10 về xóa bỏ bất bình đẳng, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái.
Kể từ khi thực hiện các SDGs, xếp hạng của Việt Nam trên thế giới về bình đẳng giới tăng từ vị trí 83 lên 72 trên tổng số 146 quốc gia (theo số liệu năm 2023 về chỉ số khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới).
Ngày 9/4/2024, Hội đồng Kinh tế-Xã hội LHQ (ECOSOC) đã nhất trí bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 - 2027.
Theo đó, kể từ tháng 1/2025 đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ tham gia điều phối xây dựng và triển khai các định hướng lớn của UN Women, bảo đảm các chiến lược và hoạt động của cơ quan này nhất quán với các mục tiêu và chính sách tổng thể của LHQ về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Là thành viên của Hội đồng Chấp hành, Việt Nam cũng sẽ tham gia quá trình phê duyệt các kế hoạch, chương trình hoạt động cũng như các quyết định về hành chính, tài chính và ngân sách của UN Women.
Đây là sự ghi nhận quan trọng từ cộng đồng quốc tế trước cam kết kiên định của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Chiến lược của UN Women cho giai đoạn 2022-2026 hoàn toàn phù hợp với Khung hợp tác Việt Nam-LHQ (2022-2026) dựa trên các ưu tiên:
Sự chuyển đổi kinh tế bền vững và nhạy cảm về giới; cải thiện năng lực quản trị, tăng cường pháp luật, bảo vệ và tôn trọng quyền con người, bình đẳng giới; bảo vệ con người trước mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử theo tiêu chuẩn quốc tế
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn