Theo ước tính của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Mỹ Goldman Sachs, việc áp dụng AI rộng rãi có thể giúp tăng năng suất lao động và làm tăng 7% GDP toàn cầu mỗi năm trong 10 năm tới.
Bên cạnh lợi ích, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo, AI sẽ ảnh hưởng đến việc làm ở các nước theo những mức độ khác nhau. Đối với các quốc gia không có cơ sở hạ tầng hoặc lực lượng lao động lành nghề để tận dụng lợi ích của AI, tình trạng bất bình đẳng sẽ càng trầm trọng hơn theo thời gian. Đây là một xu hướng đáng lo ngại mà các nhà hoạch định chính sách phải chủ động giải quyết để ngăn chặn việc AI có thể làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội.
Lao động trẻ tuổi sẽ giành lợi thế nhờ nắm bắt công nghệ để tăng năng suất, trong khi những người lớn tuổi hơn dễ bị tụt hậu, chịu ảnh hưởng tiêu cực. Khi ứng dụng AI thay thế con người hoàn thành công việc khiến nhu cầu sử dụng lao động giảm đi, doanh nghiệp sẽ hạ mức lương và cắt giảm tuyển dụng. Trong những trường hợp cực đoan, một số công việc hiện có sẽ biến mất.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva
Ngoài ra, AI sẽ làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giới tính trong lực lượng lao động toàn cầu. Nghiên cứu của Viện toàn cầu McKinsey về AI và tương lai việc làm ở Mỹ cho thấy, phụ nữ có nguy cơ mất việc cao hơn 50% so với nam giới dưới tác động của AI. Các ngành bị tự động hóa thay thế nhiều nhất là dịch vụ ăn uống, dịch vụ khách hàng, trợ lý hành chính... Trong khi đó, lực lượng lao động của những ngành này đa số là phụ nữ.
Bà Kristalina Georgieva đã kêu gọi các chính phủ thiết lập mạng lưới an toàn xã hội và cung cấp các chương trình đào tạo lại cho những người lao động dễ bị tổn thương. Qua đó, làm cho quá trình chuyển đổi AI trở nên toàn diện hơn, bảo vệ sinh kế và hạn chế bất bình đẳng. Mặt khác, sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm chính phủ, ngành công nghiệp, học viện và các tổ chức được coi là rất quan trọng trong việc định hình tương lai của AI và đảm bảo tiến bộ kinh tế-xã hội bao trùm và bền vững.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn