Nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10: 'Chỉ mong có sức khỏe để đi làm thuê'

13:58 | 29/09/2019;
“Tôi không mong muốn gì cao xa, chỉ mong khỏe mạnh, còn đủ sức để đi làm thuê kiếm tiền dưỡng già”, bà Nguyễn Thị Thu, 63 tuổi (quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa) chia sẻ.

Cả nước hiện có trên 11 triệu người cao tuổi (NCT-từ 60 tuổi trở lên). Trong đó trên 65% người sống ở khu vực nông thôn, 23% NCT thuộc diện hộ nghèo. Vì thế, không ít NCT phải vất vả mưu sinh.

Bà Nguyễn Thị Thu, 63 tuổi (quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa) đi làm giúp việc từ nhiều năm. Bà Thu có 2 con, đều có gia đình và nhà riêng tại TP.HCM nhưng bà vẫn tiếp tục đi làm giúp việc. Bà Thu cho biết, trước kia khi một mình nuôi hai con nhỏ, bà đã làm đủ thứ việc để cho con được đi học và chăm sóc con đến khi trưởng thành. Hiện nay con trai bà đang làm việc tại một đơn vị TP.HCM, thu nhập của cả hai đều ổn định nhưng bà không muốn sống nhờ vào con nên bà ra Hà Nội làm giúp việc.

 

Bà Nguyễn Thị Thu không muốn sống nhờ vào con nên ra Hà Nội làm giúp việc. Ảnh: Kiều Trang

Khi được hỏi vì sao không ở nhà con trai hoặc con gái vì giờ các con bà kinh tế đã khá giả, có nhà cửa đàng hoàng rồi thì bà Thu cho biết, bà không muốn phụ thuộc vào con. Bà cho rằng, bản thân mình có thể nuôi con mà không tiếc công sức nhưng nếu để con nuôi mình thì có thể sẽ khó khăn. Giờ còn sức khỏe bà muốn đi làm giúp việc thêm 5-7 năm nữa để có tiền dưỡng già mà không phụ thuộc vào con cái. Hiện nay, mỗi tháng bà Thu để ra được khoảng 4 triệu đồng tiền tiết kiệm. Với số tiền này trong vòng vài năm nữa bà sẽ có vài trăm triệu đồng để yên tâm dưỡng già.

“Hiện tại tôi đã mua bảo hiểm y tế dành cho người thất nghiệp không có lương mỗi năm hơn 800 ngàn đồng nên tôi cũng thấy an tâm là không sợ tốn tiền khi đi viện. Tôi không mong muốn gì cao xa, chỉ mong khỏe mạnh, còn đủ sức để đi làm thuê kiếm tiền dưỡng già”, bà Thu chia sẻ.

Thực tế, không nhiều người tìm được công việc giúp việc gia đình như bà Thu. Không ít phụ nữ có tuổi phải trụ lại ở quê làm đồng áng nặng nhọc hoặc phải ra thành phố kiếm sống bằng những công việc quá với sức của mình.

 

Dồn hết cho con nên không có của để dành

Bà Ngô Thị Nhài, 69 tuổi, quê ở Nam Định, đã phải lẽo đẽo theo con trai, con gái để chăm sóc hết cháu ngoại lại sang cháu nội khi tuổi đã già. Con gái bà Nhài lấy chồng ở Hải Phòng rồi sinh con, thương con gái vất vả nên bà khăn gói ra Hải Phòng ở trông cháu ngoại suốt 2 năm. Sau đó, con trai bà sống ở Hà Nội lại sinh con nên bà lại tiếp tục “sự nghiệp” chăm cháu.

“Nhìn chung là trông trẻ con rất vất vả, nhất là người có tuổi như tôi. Hồi con dâu sinh cháu nội, 2 vợ chồng nó bán hàng nên cứ 6 giờ là đi hết, chỉ còn mình tôi loay hoay từ sữa, bột đến lo cơm nước, bận tối mắt, tối mũi”, bà Nhài cho biết.

 

Ảnh minh họa: ST

 

Cũng như nhiều người già khác, bà Nhài luôn hy vọng mình chăm con, chăm cháu mình để sau này chúng sẽ chăm lại mình. Tuy thế, bà cũng rất mong muốn bản thân lúc về già có đồng lương hưu cho yên tâm. Ở quê, bà làm nông nên không có lương hưu, mỗi khi thấy các bà gần nhà con trai đi nhận lương hưu là bà thèm muốn. Nếu có khoản lương như thế thì bà cũng an tâm hơn, vì trước đây chồng bà làm nghề mộc, đóng giường tủ có tiếng nên cũng có chút tiền. Giờ tuổi đã cao nên thỉnh thoảng ông đi làm mộc cho người quanh xóm, tiền công cũng chỉ có vài đồng chi tiêu vặt.

“Vợ chồng tôi hồi còn khỏe làm được bao nhiêu cũng dồn cho con hết học hành rồi dựng vợ gả chồng, rồi góp tiền cho chúng nó mua chung cư nên đến giờ cũng không còn tiền để dành. Chỉ hy vọng sau này ốm đau thì nhờ được chúng nó”, bà Nhài chia sẻ.

Tại Việt Nam, cơ cấu dân số ở nhóm tuổi ngoài 60 thì cứ 1 cụ ông sẽ có tỷ lệ là 1,5 cụ bà; nhóm tuổi ngoài 80 cứ 1 cụ ông sẽ có tỷ lệ 2 cụ bà; nhóm tuổi ngoài 85 thì 1 cụ ông sẽ tương ứng với tỷ lệ 2,5 cụ bà. Khoảng 40% phụ nữ cao tuổi góa bụa. Việt Nam hiện có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, vì thế số người cao tuổi sẽ còn tăng cao.

Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ cao tuổi chưa chuẩn bị tích lũy cả về vật chất, sức khỏe cho mình khi bước vào giai đoạn cao tuổi. Hơn nữa, có trên 65% người cao tuổi sống ở nông thôn, đa phần không có lương hưu, trợ cấp. Trong khi đó, phụ nữ cao tuổi dễ mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường hơn…

Thiết nghĩ, bản thân mỗi người, nhất là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn cũng cần có kế hoạch cụ thể lo cho tương lai của mình cả về kinh tế lẫn sức khỏe ngay khi còn trẻ, để khi về già không phải bị động trong cuộc sống.

Không nhất thiết phải "chạy theo" con cháu

Ở Việt Nam, 60 tuổi được quan niệm là đã già, nhưng người Nhật quan niệm 60 tuổi là bước sang cuộc sống mới, sống cho bản thân mình. Vì tuổi trẻ họ phải lao động, lo cho con cháu thì đến tuổi này khi con cái đã trưởng thành, người trong cuộc cần có suy nghĩ khác để chăm lo cho mình hơn. Đây cũng là quan điểm rất tích cực.

 

Vợ chồng bà Kì có cuộc sống tốt nhờ chủ động trong kinh tế và sự giúp đỡ của con cái. Ảnh: BT

 

Bà Phạm Hồng Kì và chồng đều gần sang tuổi 70, sống tại phường Cốc Lếu, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai cho biết, vợ chồng ông sinh được 4 người con đều đã lập gia đình và có kinh tế vững vàng, nhưng bản thân ông bà vẫn thích làm kinh tế để cho người khỏe mạnh và có đồng ra đồng vào. Bà có lương hưu, ông thì vừa nuôi chim cảnh vừa buôn bán chim nên thu nhập cũng đủ chi tiêu và có chút tích lũy. Tuy nhiên, con cái đều quây quần chăm lo cho ông bà, nhất là khi ốm đau. Vì thế cuộc sống về già rất dễ chịu.

Nêu quan điểm về con cháu, bà Kì cho rằng, cần để các con tự lập trong việc thu xếp cuộc sống của chính mình, còn ông bà đã làm tất cả vì con cái, khi về già cần được nghỉ ngơi an dưỡng, làm những gì mình muốn, không nhất thiết tuổi già sức yếu vẫn phải lo cho con trẻ. Còn con cái nếu có thể lo cho ông bà được bao nhiêu thì tốt, không thì ông bà vẫn có cuộc sống độc lập và chủ động về kinh tế. “Nếu không có ông bà thì chúng nó phải thuê người trông con, không nhất thiết cứ phải chạy theo con cháu”, bà Kì nêu quan điểm.

Bài sau: Người cao tuổi đang đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn