Bươn bả tuổi xế chiều
Bà Hồ Thị Lợi rời quê Thanh Hóa ra Hà Nội kiếm việc làm khi tuổi đã ngoài 60. Gần 3 năm bà cùng với 3 phụ nữ đồng hương thuê căn phòng trọ bé xíu gần chợ Long Biên. Các bạn trọ cùng phòng mới gần 50 tuổi, sức vóc vẫn còn nên đã ra chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên làm nghề vác hàng thuê. Còn bà Lợi đã yếu nhiều, may mắn có ngày được gọi đi làm phụ giúp ở quán ăn nhưng thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh chẳng ai thuê mướn gì.
Bà Lợi cho biết, rất nhiều phụ nữ giống như bà đã bước sang tuổi xế chiều, còn chút sức khỏe vẫn cố gắng bươn chải tìm việc ở thành phố, bởi gia đình khó khăn, con cái làm ăn xa. Cả đời gắn bó với nghề nông, trình độ không có, ra thành phố chỉ biết làm những nghề "chân tay", không đòi hỏi kỹ năng cao siêu gì như giúp việc gia đình, nhặt ve chai, bán vé số, đánh giày, rửa bát, dọn dẹp ở quán ăn... "Công việc tuy vất vả, thu nhập thì bữa đực bữa cái, nhưng còn chút sức thì còn cố được để rau cháo qua ngày", bà Lợi bùi ngùi.
Ở tuổi 57, bà Nguyễn Thị Minh (ngụ quận 11, TPHCM) hiện vẫn đang làm tạp vụ cho một công ty chuyên về lĩnh vực in ấn trên địa bàn quận với mức lương gần 7 triệu đồng/tháng. Hằng ngày, công việc của bà Minh bắt đầu từ 8h sáng đến 14h chiều; ngoài việc dọn dẹp trong công ty, bà còn đảm nhận một số công việc như nấu ăn, ủi đồ… "Mình đang có sức khỏe, lại có kinh nghiệm đối với công việc này; nếu ở nhà thì cũng rất buồn và lãng phí nên tôi quyết định đi làm để vừa có thêm thu nhập, lại khuây khỏa trong cuộc sống", bà Minh chia sẻ.
Theo các chuyên gia, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên, vì vậy những người đến độ tuổi nghỉ hưu vẫn có sức khỏe rất tốt, họ mong muốn được tiếp tục đi làm, vừa để cho tinh thần vui vẻ, cũng có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người cao tuổi không có lương hưu, họ vẫn phải đi làm để có tiền trang trải cuộc sống, cũng như hỗ trợ con cái trong bối cảnh chi tiêu ngày càng đắt đỏ.
Ghi nhận thực tế tại trụ sở Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM - thuộc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho thấy vẫn có những đơn vị, công ty tuyển dụng lao động cao tuổi, trong đó có lao động nữ cao tuổi với các công việc như tạp vụ, kế toán…, mức lương trung bình 6-8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng lao động nữ cao tuổi trong tổng số lao động cần tuyển dụng là rất ít. Do vậy, phụ nữ cao tuổi muốn tìm được việc làm qua kênh thông tin này không phải là điều đơn giản. Thực tế cho thấy, phần lớn lao động nữ cao tuổi tìm được việc là do mối quan hệ quen biết, được giới thiệu.
Chung tay mở rộng cơ hội việc làm cho người cao tuổi
Theo báo cáo của TƯ Hội Người cao tuổi Việt Nam , cả nước hiện có khoảng 12 triệu người cao tuổi. Hiện có hơn 3,2 triệu người cao tuổi đang hưởng chế độ BHXH; gần 1,9 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng. Bên cạnh đó, tỉ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao hơn bình quân chung của cả nước. Nhu cầu tìm kiếm việc làm của người cao tuổi ngày càng tăng cao, trong đó phần lớn là người cao tuổi làm việc tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đã nghỉ hưu khiến thu nhập giảm, buộc phải tìm việc làm để có thêm nguồn thu, trang trải chi phí sinh hoạt, chăm sóc sức khoẻ.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các trung tâm giới thiệu việc làm chưa thực sự chú trọng tới đối tượng người cao tuổi; phần lớn việc làm được giới thiệu không phù hợp với kinh nghiệm, sức khoẻ của họ. Muốn có được việc làm, người cao tuổi chủ yếu thông qua các mối quan hệ xã hội. Để tăng cường kết nối cung cầu lao động cho đối tượng này, Hội Người cao tuổi Việt Nam đề xuất, thời gian tới các chính sách của Nhà nước cần tính đến vấn đề "khởi nghiệp" cho người cao tuổi; bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm giới thiệu việc làm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp là phải giới thiệu, đào tạo lại nghề cho người cao tuổi.
TS. Đỗ Văn Quân, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết: Hiện cả nước có tới 61% người cao tuổi sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình; hơn 8 triệu người cao tuổi không có nguồn thu nhập ổn định và hầu như phụ thuộc vào con cháu cũng như cộng đồng và xã hội. Theo đó, ông Đỗ Văn Quân đề xuất, cần chú trọng phát triển các chính sách tạo việc làm phù hợp, cải thiện thu nhập cho người cao tuổi; có sự bố trí thời gian, nguồn lực và môi trường làm việc phù hợp. Đặc biệt là có chính sách tạo việc làm, thu nhập được thiết kế có tính đặc thù, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của họ, bao quát được nhiều đối tượng thụ hưởng là người cao tuổi.
Nêu hoạt động cụ thể hỗ trợ người cao tuổi ở cơ sở, bà Cổ Tấn Mỹ Dung, Ban Hỗ trợ Phụ nữ Phát triển Kinh tế - Hội LHPN TPHCM, cho biết, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tìm việc làm của chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ cao tuổi có tăng hơn trước. Đối với phụ nữ cao tuổi, đa phần nhu cầu của các chị chủ yếu là những công việc thời vụ, không đòi hỏi trình độ cao như giữ trẻ, giúp việc nhà, may gia công...
Do đó, Hội LHPN các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện giới thiệu việc làm phù hợp cho chị em. "Hiện các cấp Hội đang tăng cường chuyển đổi số trong dạy nghề, giới thiệu việc làm cho chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi. Trong đó, có chương trình tập huấn bán hàng trên mạng xã hội để các chị có thể kinh doanh online. Để làm được điều này thì đòi hỏi các chị em phụ nữ cao tuổi cũng phải tự học hỏi liên tục, để phù hợp với bối cảnh mua bán hàng trực tuyến ngày càng gia tăng", bà Dung chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn