Độ tuổi trung bình của các trường hợp trẻ vị thành niên trong nghiên cứu là 15,7 tuổi, đáng chú ý là trường hợp ít tuổi nhất mới 12 tuổi. Chỉ 6% số trường hợp trẻ vị thành niên trong nghiên cứu kể trên sử dụng biện pháp tránh thai.
Tiến sĩ Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế), cho biết, ở Việt Nam, theo số liệu thống kê được Bộ Y tế tổng hợp từ báo cáo của các địa phương (chưa thu thập số liệu ở các cơ sở y tế tư nhân), những năm gần đây, hàng năm có khoảng 200 nghìn - 250 nghìn ca phá thai.
Về tỷ lệ phá thai theo độ tuổi, kết quả điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 do Tổng cục Thống kê và UNICEF thực hiện cho thấy, tỷ lệ phá thai ở người trong độ tuổi 15-19 là 1/1.000 người.
Thực trạng trên cho thấy cần phải tăng cường đầu tư để có thể đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình và các biện pháp tránh thai hiện đại cho phụ nữ nói chung và nhóm trẻ vị thành niên nói riêng. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức và hiểu biết của trẻ vị thành niên về sức khỏe sinh sản và sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả.
Bác sĩ Lê Huy Tuấn (Khoa sức khỏe sinh sản, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội) cho biết, việc phá thai có rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe như có thể gây chảy máu, nhiễm trùng, viêm nhiễm dính buồng tử cung, vô sinh hiếm muộn sau này, thậm chí cũng có thể tử vong.
Ngoài ra việc phá thai cũng cần chi phí một khoản tài chính rất lớn đặc biệt đối với những đối tượng chưa tự chủ được tài chính. Chính vì vậy việc phá thai ở trẻ vị thành niên sẽ có những ảnh hưởng hết sức sâu sắc đối với tâm lý cũng như sức khỏe của vị thành niên.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn