Tránh thai - chuyện không chỉ của riêng phụ nữ

07:58 | 26/09/2020;
Mỗi năm, tỷ lệ có thai ngoài ý muốn chiếm tới 1/3 số trường hợp mang thai trên thế giới. Tại Việt Nam, kết quả điều tra cho thấy, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn. Vậy, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

Tại một phòng khám sản khoa ở Hà Nội, một bạn nữ (19 tuổi, sinh viên năm nhất đại học) được bạn trai đưa đến trong trạng thái bất an, sợ sệt. Bạn nữ cho biết mình bị chậm kinh, lo lắng có thai nên đi khám. Qua thăm khám, bác sĩ cho biết bạn nữ đã có thai 6 tuần. Cả hai muốn phá thai vì đang đi học nên không thể sinh con được và hiện tại cũng chưa có thu nhập, sống phụ thuộc vào gia đình.

Qua trao đổi, bác sĩ được biết hai bạn trẻ vì ngại không dám hỏi ai về các biện pháp tránh thai mà tự tìm hiểu trên các diễn đàn nên việc áp dụng tránh thai không hiệu quả. Dùng thuốc tránh thai thường xuyên thì sợ bị lộ và bất tiện nên bạn nữ uống thuốc tránh thai khẩn cấp tuy nhiên vẫn vỡ kế hoạch không rõ lý do. Khi bác sĩ nhẹ nhàng hỏi thêm, rằng sao không bảo bạn trai dùng bao cao su hay biện pháp tránh thai khác, ngập ngừng một lúc, bạn nữ thổ lộ người yêu mình rất ngại dùng bao cao su.

"Những dịp nhạy cảm, em chia sẻ trước hay trong khi quan hệ tình dục với người yêu để anh ấy dùng bao cao su hay xuất tinh ngoài. Tuy nhiên, anh ấy thường không dùng bao cao su. Xuất tinh ngoài thì có hôm anh ấy thực hiện, có hôm không. Những lần như thế, em uống thuốc tránh thai khẩn cấp nhưng có tháng vẫn mang thai", bạn nữ bộc bạch.

Bác sĩ Lê Huy Tuấn (Phòng khám Sản khoa - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội), người thực hiện ca tư vấn cho biết, sau khi được tư vấn về việc có hại cho sức khỏe khi phá thai, hai sinh viên vẫn quyết định đi phá thai ở một phòng khám tư nhân. Được biết, sau khi phá thai lần một, thấy thủ tục đơn giản, kinh tế vẫn lo được nên về xóm trọ họ tiếp tục quan hệ tình dục thường xuyên và vẫn dùng thuốc tránh thai khẩn cấp.

Cũng như bạn nữ trên, chị Nguyễn Hương Lan (32 tuổi, Hà Nội) là khách quen của một phòng khám sản khoa uy tín, bởi chị thường xuyên đến đây "giải quyết" hậu quả. Chồng chị là anh Nguyễn Hoài Nam, hơn chị 5 tuổi. Cuộc sống "gối chăn" và gia đình chị không có gì lớn phải bàn nếu như chồng chị chịu khó dùng các biện pháp tránh thai. Chị Lan bị bệnh liên quan đến vấn đề về tuyến giáp nên khó dùng được thuốc tránh thai. Còn anh thì lại rất ngại dùng bao cao su và lười "nhả đạn" bên ngoài.

Vấn đề tránh thai từ nhiều năm qua luôn được các cấp Hội quan tâm và thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền, hành động thiết thực nhằm giảm tình trạng nạo phá thai. Từ 2017 đến nay, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức 42 buổi hội thảo, với sự tham dự của 4.200 cán bộ dân số. 420.000 phụ nữ được tuyên truyền kiến thức về tránh thai an toàn và hiệu quả. Khoảng 7 triệu gia đình được tiếp cận về chương trình thông qua hình thức thông tin trực tiếp và qua các phương tiện truyền thông.

Trương Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Gia đình & Xã hội, TƯ Hội LHPN Việt Nam

"Tôi cũng thử dùng thuốc tránh thai hàng ngày nhưng uống được một thời gian, cơ thể rất khó chịu. Đi khám, bác sĩ tư vấn tôi bị bệnh nên không phù hợp với dùng thuốc tránh thai. Sau đó, tôi đặt vòng tránh thai nhưng cũng có tác dụng phụ với sức khỏe. Trao đổi với chồng, anh ấy cũng chia sẻ nhưng khi hai người gần gũi, anh ấy dường như quên luôn", chị Lan cho biết.

Chị Lan cho biết thêm, nhiều lần chồng chị cũng "đi ủng" khi sắp xuất tinh nhưng đa phần thì không. Bởi anh bảo, đang "quan hệ" mà phải dừng lại "mặc áo mưa" khá bất tiện. Trong hầu hết lần ấy, anh đều xuất tinh trong. Vào những ngày nhạy cảm, chị phải dùng thuốc tránh thai khẩn cấp. Mỗi lần như vậy, chị rất khó chịu, người cứ nôn nao, mệt mỏi vì tác dụng phụ của thuốc. Cũng không ít lần vì sợ uống thuốc và vì nghĩ không "dính" nên chị có bầu và phải đi phá thai.

Tránh thai - chuyện không chỉ của riêng phụ nữ - Ảnh 2.

Tư vấn sử dụng thuốc tránh thai. Ảnh minh họa

Cần nâng cao nhận thức từ cả hai phía

Theo bác sĩ Tuấn, mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai luôn dẫn đến những thiệt hại cả về sức khỏe, tinh thần lẫn kinh tế. Ví dụ như mất tiền viện phí, không đi làm nên mất thu nhập; Ảnh hưởng sức khỏe người phụ nữ tùy mức độ từ nhẹ đến nặng như đau đớn thể xác, mất máu, nhiễm trùng; không có khả năng mang thai, làm mẹ ở các lần sau nếu như thủng tử cung phải cắt tử cung, viêm dính tử cung...

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, hàng năm có tới 1/3 trong số trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn. Tại Việt Nam, các kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thanh niên còn cao. Phá thai lặp lại còn khá phổ biến, tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng. Theo kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình 1/4/2016 của Tổng cục Thống kê thì cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15 đến 49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn.

"Chủ động tránh thai, chủ động tương lai"

Đây là thông điệp Ngày Tránh thai Thế giới 26/9/2020. Thông điệp nhằm kêu gọi mọi người chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai, không để việc mang thai, sinh con ngoài kế hoạch ảnh hưởng đến cuộc sống, kế hoạch tương lai...

Ngày Tránh thai Thế giới có ý nghĩa như một Chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Bác sĩ Lê Huy Tuấn cho rằng, để không mang thai ngoài ý muốn, chị em cũng cần chủ động học hỏi, áp dụng các biện pháp tránh thai, nếu cơ thể cho phép. Hiện có nhiều biện pháp tránh thai nữ như đặt vòng tránh thai; uống và tiêm thuốc tránh thai; miếng dán hay que cấy tránh thai... Bên cạnh đó, chị em cần chủ đông và thẳng thắn chia sẻ quan điểm với người yêu, bạn tình và bạn đời và yêu cầu họ chung tay áp dụng các biện pháp tránh thai. Cùng sự cố gắng của chị em, theo bác sĩ Tuấn, nam giới cũng cần có trách nhiệm, chủ động trong phòng tránh thai cho người yêu, bạn tình và bạn đời. Hiện có nhiều biện pháp tránh thai mà nam giới có thể áp dụng như dùng bao cao su, xuất tinh ngoài... Nếu không thì không những chị em chịu nhiều hậu quả mà mày râu cũng bị ảnh hưởng.

Các thông điệp Ngày Tránh thai thế giới 2020:

- Phụ nữ cần nắm vững thông tin về các biện pháp tránh thai để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

- Hãy chủ động sử dụng biện pháp tránh thai để không mang thai ngoài ý muốn.

- Hãy tham gia tư vấn tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn.

- Kế hoạch hóa gia đình là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng.

- Sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp là bảo vệ sức khỏe sinh sản.

- Sử dụng biện pháp tránh thai là chìa khóa của hạnh phúc.

- Không mang thai ở tuổi vị thành niên vì tương lai, hạnh phúc của chính bạn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn