Bên cạnh sự ra đời của số ít sản phẩm chất lượng, nhiều ca khúc có ca từ nhảm nhí, sáo rỗng xuất hiện tràn lan trên thị trường, khiến khán giả ngán ngẩm. Nhiều ca khúc chỉ tập trung vào giai điệu, dẫn tới việc lặp đi lặp lại một câu hát: "Tất cả đứng im, không được nhúc nhích" (Tất cả đứng im - Ngô Kiến Huy); "Anh muốn xin lỗi á, không dễ đâu anh" (Ừ, em xin lỗi - Hoàng Yến Chibi)…
Ngôn từ thiếu trong sáng, dễ dãi cũng xuất hiện trong nhiều tác phẩm như: "Sáng nay ngủ dậy trễ bỗng tự nhiên bị cắm sừng/Đang ngồi cày con game bỗng tự nhiên bị cắm sừng/Lướt lướt shopping tự nhiên bị cắm sừng" (Cắm sừng ai đừng cắm sừng em).
Ở cấp độ cao hơn, không ít ca khúc có cả một đoạn dài ca từ vô nghĩa, không ai hiểu tác giả viết gì ở phần lời. Có thể kể tới "Từ nơi tôi sinh ra" (Jack) với đoạn: "What's cool/Đêm nay không thu/Lang thang trên sông Mekong cho thêm xu/Ra xa khu/Chơi chi Kungfu, mang theo thanh vang, âm ru nơi trung du"; hay "Không yêu em đến thế đâu" (Pháp Kiều, Ogenus): "Anh là anh chàng văn vở vì ghi là quá yêu kiều/Ghi nữa đi nữa đi, ghi nữa đi nữa đi nữa đi /Ghi nữa đi nữa đi, ghi nữa đi nữa đi nữa đi/Khi mà bao vây đây bao nhiêu tên cướp đang chờ/Đến bứt lấy bông hoa hồng trên tay, mắt ai yêu kiều". Đáng nói, các sản phẩm này đều đạt lượng view hàng triệu, thậm chí đứng đầu nhiều bảng xếp hạng.
Nhìn từ góc độ văn hóa, đây là dấu hiệu cần cảnh báo
Chia sẻ với Báo Phụ nữ Việt Nam, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng: "Việc một số bản hit có ca từ nhảm nhí, thậm chí có những bài nội dung không lành mạnh, là một thực trạng của đời sống nhạc Việt đại chúng hiện nay. Với tôi, nếu nhìn từ góc độ nghệ thuật, đây là điều đáng buồn, còn nhìn từ góc độ văn hóa, đây là dấu hiệu cần cảnh báo".
Cũng theo ông Nguyễn Quang Long, đây là hệ quả của thời kỳ âm nhạc phụ thuộc mạng xã hội, người làm nhạc chạy theo xu hướng (từ tạo xu hướng đến theo xu hướng): "Không phủ nhận tác động tốt, lan tỏa của mạng xã hội nhưng cũng phải thừa nhận rằng, trên mạng xã hội hiện nay có không ít nội dung nhảm nhí.
Các bản nhạc vui tai, dễ nhảy múa, lời hát kỳ quặc hoặc thô tục lại dễ tạo được sự hưởng ứng của một bộ phận tài khoản trên mạng xã hội".
Sự xuất hiện của các ca khúc rác, nhảm chỉ là hiện tượng, không nói lên đầy đủ bản chất của đời sống âm nhạc của giới trẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận nó một cách nghiêm túc.
Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai gần nếu không có những hồi chuông cảnh tỉnh, không có sự can thiệp của cơ quan quản lý, không có sự phê phán của cộng đồng và bản thân người làm nhạc không có mong muốn tạo nên những sản phẩm chất lượng, lan tỏa những điều tốt đẹp, tính nhân văn…", ông Nguyễn Quang Long khẳng định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn