Nhân nhượng thói vũ phu là tiếp tay cho bạo lực gia đình

07:09 | 21/10/2017;
Sinh ra với thân phận phụ nữ ai không mong gặp được người chồng yêu thương mình. Có một cuộc sống hạnh phúc viên mãn luôn là niềm ước ao của bao cô gái trẻ...
Đánh vợ không vì lý do gì

Hơn 3 tháng đã trôi qua kể từ khi xảy ra vụ chồng xích cổ vợ vì ghen tuông ở Thái Bình khiến dư luận xôn xao, phẫn nộ, chị Phan Thị T. (xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, Thái Bình) dù tha thứ cho chồng nhưng chắc hẳn vẫn hãi hùng mỗi lần nhìn lại hình ảnh ấy.
bao-luc-2.jpg
Tình trạng bạo lực gia đình đang có xu hướng gia tăng về tính chất, mức độ.    Ảnh minh họa

Thế nhưng, không phải ai cũng có cơ hội để được nhớ lại những lần bị chồng bạo hành dã man. Bà Sa Thị C. (60 tuổi, ở Yên Lập, Phú Thọ) là một trường hợp như vậy. Sau hàng trăm lần bị bạo hành với nhiều thủ đoạn dã man, cuối cùng bà C. đã nằm lại mãi mãi ở Tòa án nhân dân (TAND) huyện khi trên tay còn cầm lá đơn ly dị sau những nhát dao oan nghiệt của chồng.

Những ngày qua, người dân ở khu 7, xã Mỹ Lung (huyện Yên Lập, Phú Thọ) vẫn chưa hết bàn tán về cái chết của bà Sa Thị C. Nhắc đến câu chuyện đau lòng này, người ta lại nhớ đến những trận đòn thừa sống thiếu chết mà ông Nguyễn Văn Cường gây ra cho bà.

Cưới ông Cường khi vừa ngoài đôi mươi, cuộc sống của bà C. cứ tưởng là êm ấm, hạnh phúc sau khi sinh lần lượt 4 người con. Thế nhưng, ông Cường tính tình ghen tuông, suốt ngày tìm cớ để đánh vợ. Mỗi lần có người lạ hỏi thăm nhà, ông Cường lại lôi vợ ra đánh. Chuyện Cường đánh vợ không còn lạ lẫm gì với người dân khu 7 này.

Đến mức, ông Sa Đình Nghi, Trưởng khu 7, còn ngán ngẩm nói: “Ông Cường đánh vợ suốt ngày, đâu cần lý do gì. Đánh đến mức bà ấy phải bỏ nhà đi làm thuê tận Hà Nội để tránh những trận đòn của chồng”. Có lần, ông Cường đốt nhà sau khi cho vợ một trận đòn nhừ tử.

Nhiều lần nghĩ đến việc ly hôn để thoát khỏi ông chồng vũ phu nhưng nghĩ đến các con, bà C. lại chịu đựng. Để đến khi các con dựng vợ gả chồng, yên ấm gia đình riêng bà C. mới gửi đơn đến TAND huyện Yên Lập để xin ly hôn.

Trong những ngày chờ tòa thụ lý, bà C. đi xuống Hà Nội để làm thuê, kiếm tiền trang trải cuộc sống. 7h sáng 4/10/2017, bà đến trụ sở TAND huyện Yên Lập theo lời mời của tòa trong việc giải quyết đơn ly hôn với ông Cường.
bao-luc.jpg
Bao giờ những cảnh như thế này mới chấm dứt (ảnh chị T. bị chồng xích cổ ở Thái Bình).

Từ Hà Nội, bà về thẳng trụ sở tòa mà không qua nhà vì sợ chồng đánh. Không hiểu sao, ông Cường biết và đến tòa dùng dao đâm nhiều nhát vào người bà C. khiến bà gục tại chỗ, trên tay vẫn cầm lá đơn ly hôn.

Bà C. đã tử vong ngay sau đó vì những nhát dao oan nghiệt của người chồng vũ phu.

Cũng trong tháng 10, một vụ bạo hành khác đã cướp đi sinh mạng của người phụ nữ trẻ. Tự ái vì vợ là chị Nguyễn Thị M.N (23 tuổi) cằn nhằn chuyện cho em trai mượn nhà tổ chức tiệc rượu linh đình, Đoái Phước Thiện (34 tuổi) đã xô vợ ngã, đập đầu vào tường.

Bị chồng hành hung, người vợ trẻ âm thầm chịu trận rồi lên nằm ngủ. Đến 2h sáng hôm sau, Thiện phát hiện vợ bất tỉnh nên đưa đi cấp cứu thì chị N. đã tử vong vì chấn thương sọ não sau khi bị chồng đập đầu vào tường.

Trước đó, vào tháng 6/2017, một vụ bạo lực gia đình ở Thái Bình cũng khiến dư luận phẫn nộ. Vì ghen tuông, Lại Thanh Tùng (43 tuổi, trú tại xã Trà Giang, huyện Kiến Xương) đã dùng xích sắt mà hàng ngày xích chó xích vào cổ vợ là chị Phan Thị T. rồi nhốt trong nhà trước khi bỏ đi làm.

Chị T. bị chồng xích và nhốt trong nhà cho đến khi bố đẻ sang thăm con mới phát hiện và giải cứu chị. Sự việc sau đó được trình báo với chính quyền địa phương, tuy nhiên chị T. đã xin bãi nại cho chồng.

Nên phản ứng thế nào với bạo lực gia đình?

Đó là 3 trong số nhiều vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân là phụ nữ xảy ra từ đầu năm đến nay. Những vụ án đau lòng xuất phát từ bạo lực gia đình trở thành những điểm tối trong bức tranh “chồng chúa vợ tôi”.

Vấn đề bạo lực gia đình xã hội nào cũng có và đây cũng không phải là câu chuyện mới nhưng vì sao nó vẫn tiếp diễn và ngày càng trầm trọng, đe dọa trực tiếp không chỉ hạnh phúc gia đình mà cả tính mạng, sự sống của người phụ nữ. Làm sao để giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình ở nước ta hiện nay?

Đã có nhiều chuyên gia lên tiếng về vấn đề này và cũng có không ít cuộc hội thảo hàng năm về chủ đề bạo lực gia đình nhằm đưa ra những giải pháp tốt nhất trong việc hạn chế bạo lực nhưng có lẽ là chưa đủ. Điều quan trọng nhất, có lẽ vẫn là ở chính chị em phụ nữ.

Họ cần nhận thức được quyền lợi của chính mình, dám mạnh mẽ đấu tranh và bóc trần những thủ đoạn, hình thức bạo lực gia đình. Khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một chuyên gia đã thẳng thắn: “Chính nạn nhân không lên tiếng thì mọi tiếng kêu cứu của đồng loại cũng trở nên vô nghĩa”.

Xét ở một góc độ nào đó, câu nói của vị chuyên gia cũng có ý đúng. Bởi từ trước tới nay, nhiều chị em vẫn giữ tâm lý “đóng cửa bảo nhau”, nhẫn nhịn để gia đình được êm ấm. Nhưng sự chịu trận đó đã tạo ra nhiều tiền lệ xấu.

Trường hợp chị T. ở Kiến Xương (Thái Bình) cũng là một sự nhẫn nhịn như vậy. Mặc dù bị chồng đánh đập, xích cổ như thời trung cổ nhưng khi sự việc vỡ lở, người vợ lại đứng lên bảo vệ cho chồng, làm đơn bãi nại để chồng không bị xử lý.

Nói về sự nhẫn nhịn đến đáng giận của nạn nhân bạo lực gia đình, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể: “Tôi cũng được nghe kể nhiều câu chuyện đau lòng về những người phụ nữ cam chịu bị hành hạ, bị đánh đập triền miên.

Tôi từng gặp một số người phụ nữ, người ta kể chuyện bị chồng đánh đập hành hạ như là chuyện… đương nhiên, người ta không coi đó là sự xúc phạm thân thể hay sự ngược đãi, chỉ biết cam chịu, sợ hãi và đau đớn.

Điều đáng nói là ở thời buổi công nghệ thông tin và xã hội có nhiều đổi thay đến chóng mặt, song nhiều chị em phụ nữ vẫn không ý thức được việc bảo vệ quyền lợi cho bản thân mình”.

Nhà thơ Thanh Nhàn cho rằng, khi bị bạo hành chị em hoàn toàn có thể tìm đến các cấp chính quyền sở tại, Hội LHPN địa phương, công đoàn, nơi mà quyền lợi chính đáng của chị em được đảm bảo.

Cùng quan điểm với nhà thơ Thanh Nhàn, chuyên gia tâm lý gia đình Trịnh Trung Hòa cho rằng, một khi người phụ nữ không tự phản kháng thì chẳng ai có thể bảo vệ được họ.

Từ năm 2011 tới năm 2015, trung bình mỗi ngày ở Việt Nam có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo hành gia đình.
Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2017, theo con số thống kê chưa đầy đủ ở Việt Nam đã có hàng chục phụ nữ thiệt mạng do bạo lực gia đình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn