Nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm: Khó phạt 'kịch khung'?

11:21 | 15/04/2018;
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) với chủ đề 'Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm' sẽ diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5 trên toàn quốc, nhằm tăng cường giáo dục, truyền thông, thông tin về ATTP; đề cao vai trò trách nhiệm của các doanh nghiệp; phấn đấu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Tại TPHCM, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý ATTP thành phố, cho biết, Ban và các quận huyện đã lên kế hoạch triển khai thông tin, giáo dục, truyền thông cho mọi người không sử dụng thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ; hiểu rõ tác hại của rượu, nhất là rượu pha cồn công nghiệp; chủ động lấy mẫu tầm soát nguy cơ, truy xuất xử lý các trường hợp vi phạm; quản lý chặt từ nguồn (nuôi trồng, chợ đầu mối)...

1.jpg
Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại một chợ truyền thống ở TPHCM. Ảnh minh họa 

Đồng thời, công tác thanh kiểm tra sẽ được tổ chức thường xuyên, quyết liệt xử lý nghiêm hành vi lưu thông mua bán, sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Y tế; kiểm tra xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng cơ sở nhỏ lẻ, thủ công và hành vi buôn bán vận chuyển thực phẩm nhập lậu trái phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Các hoạt động nhằm bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp (trường học, công ty) cũng sẽ được triển khai.

Mặc dù vậy, dư luận xã hội vẫn không khỏi băn khoăn về tính hiệu quả của các hoạt động này, bởi ngoài việc lực lượng kiểm tra, giám sát còn quá mỏng, khó có thể quản lý một cách sát sao, chặt chẽ những diễn biến phức tạp của thị trường, thì những kẽ hở trong hệ thống luật và văn bản dưới luật liên quan đến lĩnh vực này cũng là điều đáng lo ngại.

2.jpg
Việc sử dụng các loại chất cấm trong thịt gia súc gây nhiều nguy hại cho người tiêu dùng, song hệ thống luật vẫn còn nhiều kẽ hở nên chưa thể xử lý nghiêm. Ảnh minh họa 

Nhiều vụ việc “nổi cộm” vẫn còn tồn đọng và chưa có hướng xử lý. Đơn cử như cách đây không lâu, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, chính quyền TPHCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế đưa ra những quy định cụ thể về hàm lượng chất an thần trong thịt heo để có cơ sở xử phạt vi phạm, song đến giờ vẫn chưa thấy có động thái mới nào từ phía Bộ Y tế.

Được biết, mức phạt tối đa theo Nghị định quy định về xử phạt hành chính về ATTP là 200 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm nhưng trên thực tế, hầu như chưa có trường hợp nào bị phạt tới mức “kịch khung”, phần do khó khăn trong việc xác định mức độ vi phạm (không có định lượng), phần khác còn do sự “nương tay” của cơ quan chức năng.

Cũng theo quy định của luật pháp, những hành vi vi phạm nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, song cho đến giờ, chưa có vụ việc nào bị truy cứu hình sự, mặc dù đã có không ít vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại nặng nề cho xã hội, thậm chí là gây chết người!

3.jpg
Cần quản lý, giám sát ATTP chặt chẽ, thường xuyên, cùng những biện pháp xử lý mạnh tay hơn. Ảnh minh họa 

Thời gian qua, Chính phủ đã tỏ ra kiên quyết, nhiều địa phương cũng thể hiện sự quyết liệt về chủ trương nhưng tình hình vi phạm ATTP vẫn diễn biến phức tạp, người vi phạm có những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi.

Vì thế, những hoạt động mang tính “chiến dịch” nhằm tăng cường nhận thức, thúc đẩy các hành động đảm bảo ATTP của cơ quan chức năng và người dân là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là cần có một hệ thống luật pháp nghiêm khắc, chặt chẽ hơn, với các hoạt động quản lý, kiểm soát thường xuyên, có hiệu quả, chứ không nên chỉ “đánh trống bỏ dùi”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn