Có lần tôi đang ngồi ăn trưa với luật sư Trần Thị Ngọc Nữ và luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, thì thấy luật sư Thanh nghe điện thoại. Có bà mẹ từ TP Thủ Đức đưa cô con gái 9 tuổi tới Hội để tố cáo việc cháu bị người bác ruột xâm hại tình dục. Để lại bữa ăn dang dở, 2 luật sư vội chạy về văn phòng. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói: "Tuần này đã nhận được 5 vụ xâm hại tình dục con nít rồi!". Chúng tôi nghẹn giọng nhìn nhau…
Đó chỉ là một trong các tình huống rất thường gặp mà tôi, một nhà báo hay "la cà" với các luật sư chuyên bảo vệ cho trẻ em bị xâm hại, được chứng kiến. Chúng tôi trao đổi công việc để hỗ trợ thông tin cho nhau, đi xuống cơ sở gặp trực tiếp nhân vật, đấu tranh với cái xấu, cái ác và khóc cười theo diễn tiến của từng vụ việc.
Song, từ thực tế trải nghiệm đã qua, tôi nhận thấy mọi việc đều rất khó. Khó không phải là những người có trách nhiệm sợ khó khăn, sợ vất vả. Mà khó vì các vụ việc trẻ em bị xâm hại gặp vô vàn cản trở, do rất nhiều nguyên nhân. Nếu không tận tâm để bảo vệ trẻ em, nếu không quyết tâm đấu tranh với người bị tố cáo, thì đôi khi trẻ em còn trở thành "nạn nhân kép". Những người làm công việc bảo vệ trẻ em còn bị tấn công cá nhân một cách phi lý.
"Trẻ em khi bị xâm hại, ở đây tôi nhấn mạnh bao gồm xâm hại thể chất, tinh thần (bạo hành cơ thể, tinh thần) và xâm hại tình dục, luôn bị đối tượng xâm hại đe dọa nên không dám nói với người khác. Tới khi bị phát hiện ra thì chứng cứ yếu hoặc không còn chứng cứ để tố cáo nữa. Tội phạm xâm hại tình dục còn thường hành động ở vị trí không có mặt người khác, chỉ có thể trông chờ vào camera ghi lại nhưng đâu phải chỗ nào cũng có camera. Còn tội phạm bạo hành trẻ em thì hoặc là người nhà, hoặc là vin vào kết quả giám định thương tật khiến nhiều vụ việc bị trôi vào im lặng", luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nêu ra các bức xúc.
Theo luật sư Ngọc Nữ, trẻ em là đối tượng đặc biệt cần bảo vệ trong xã hội, các con chưa đủ năng lực hành vi để tự bảo vệ mình, vậy nhưng trong nhiều vụ việc xâm hại đã diễn ra trong thời gian qua, nạn nhân lại bị đổ lỗi bởi người lớn. Luật sư Ngọc Nữ dẫn chứng: "Vụ 2 thiếu niên bị dân phòng đánh tại trường Nguyễn Văn Tố, Q.10 và bé trai 10 tuổi bị cha đánh tại huyện Hóc Môn, TPHCM là dẫn chứng điển hình của việc đổ lỗi cho nạn nhân, dù đã có camera quay lại làm chứng rõ ràng. Nếu việc này vẫn được tiếp diễn và cổ súy thì vấn nạn xâm hại trẻ em càng ngày càng trầm trọng thêm, trở thành nỗi đau, trở thành vết thương không liền sẹo của xã hội".
Có rất nhiều vụ việc xâm hại trẻ em mà người bị tố cáo là người thân trong gia đình khiến việc đưa ra pháp luật bị hạn chế ngay từ đầu, thậm chí sự thật không được tôn trọng, đôi khi còn bị bóp méo để giảm nhẹ tội hoặc chứng minh không có tội. Gia đình lẽ ra phải là nơi bao bọc và yêu thương trẻ em nhưng thực tế trong một số vụ việc lại không được đẹp đẽ như kỳ vọng.
Có nhiều vụ việc gia đình nạn nhân xấu hổ, ngại tố cáo, sợ xáo trộn cuộc sống của người thân nên hoặc im lặng cho tới khi không im lặng nổi, hoặc thỏa thuận bồi thường cho xong cho tới khi thủ phạm tiếp tục hành vi xâm hại mới ra tố cáo. Chính vì vậy mà có sự vụ đấu tranh được, có vụ phải khép lại hồ sơ.
Trong báo cáo của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM về công tác kết nối về việc phối hợp phòng chống xâm hại trẻ em vào tháng 8/2020 cho thấy, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại do người thân trong gia đình gây ra chiếm 65-88% trong tổng số vụ bạo lực trẻ em. "Khi tìm hiểu, được biết hầu hết các gia đình đều nghèo, trình độ văn hóa thấp, không hiểu biết gì về pháp luật, sống tách biệt với môi trường xung quanh, ít có mối quan hệ với cộng đồng", báo cáo này khẳng định.
Từ năm 2012-2020, Công an TPHCM ghi nhận 790 vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em, trong đó có 232 vụ hiếp dâm trẻ em, 372 vụ giao cấu với trẻ em và 128 vụ dâm ô trẻ em. Theo Công an TPHCM, huyện Củ Chi là nơi xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em nhất với 117 vụ, tiếp đến là quận 9 với 109 vụ và huyện Bình Chánh 98 vụ.
Tháng 6 là Tháng hành động vì trẻ em, tất nhiên những cơ quan có trách nhiệm vẫn luôn bảo vệ trẻ em 24/7, theo lương tâm và luật pháp. Một xã hội văn minh không bao giờ chấp nhận các hành vi xâm hại trẻ em và việc đấu tranh với tội phạm này không thể nhân nhượng.
Ngày 20/4/2021, Ủy ban Quốc gia về trẻ em ban hành Công điện số 01 về tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước, xâm hại trẻ em.
Công điện nêu rõ, thời gian vừa qua, tại một số địa phương, tình hình xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, trong đó có một số vụ nạn nhân rất nhỏ tuổi (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận...).
Ủy ban quốc gia về trẻ em yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương thuộc tỉnh, thành phố cần thực hiện các việc sau.
Tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình, cộng đồng kiến thức, kỹ năng phát hiện, tố cáo kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em; giám sát, trông coi trẻ em, đặc biệt trẻ em nhỏ tuổi.
Theo Cục Trẻ em, trong năm 2020, thống kê toàn quốc phát hiện 2.209 đối tượng xâm hại trẻ em, xâm hại 2.008 em. Trong đó, xâm hại tình dục trẻ em là 1.583 đối tượng, xâm hại 1.576 em; trẻ em bị xâm hại dưới các hình thức khác là 626 đối tượng, xâm hại 432 trẻ em.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn