Nhân vật nữ chỉ chiếm 24% trong sách giáo khoa

10:46 | 13/02/2017;
Một nghiên cứu của UNESCO tại Việt Nam: Hình ảnh nam giới trong sách giáo khoa càng lên cấp học cao càng xuất hiện nhiều, trong khi nữ lại ít dần. Khuyến nghị này được UNESCO gửi tới Bộ GD&ĐT với mong muốn thay đổi hình ảnh bất bình đẳng giới trong SGK.
 SGK lớp 2, bài học về các nghề nghiệp vẽ tranh minh họa 6 nghề, trong đó nông dân và bán hàng là nữ giới; kỹ sư, công an, bác sĩ, lái xe là nam giới. Nam giới gắn với các nghề có vị trí xã hội cao hơn nữ giới - những tranh minh họa mang định kiến giới như vậy xuất hiện khá phổ biến trong SGK của Việt Nam. 

Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam đã chỉ ra rằng, ngay trong sách giáo khoa (SGK) hiện hành cũng chứa đựng nhiều yếu tố dẫn đến định kiến giới, từ đó, khiến bất bình đẳng giới càng thêm sâu đậm. Trong số hơn 8.000 nhân vật xuất hiện trong các cuốn sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, chỉ có 24% là nữ giới.

Càng lên các cấp học cao, sự chênh lệch giữa nhân vật nam và nữ càng lớn hơn. Ví dụ, ở tiểu học, số nhân vật nam chiếm 51%, lên đến THCS là 67% và THPT là tới 81%.

Hiện trong SGK, sự phân chia nghề nghiệp 2 giới rất rõ. Nam giới thường là những nhân vật có vị trí trong xã hội như giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, anh hùng, công an, bộ đội. Thực tế ở lĩnh vực này có cả nữ, nhưng trong SGK phần lớn họ lại được nhắc đến ở những công việc như làm ruộng, làm nông nghiệp, chăn nuôi, nội trợ, giáo viên... Như vậy vô tình đã phản ánh địa vị, vị trí trong xã hội của phụ nữ thấp hơn nam giới.

Những bài học ở trong môi trường gia đình, những việc sinh hoạt như nội trợ rồi trồng rau, nuôi gà chỉ thấy toàn hình ảnh người mẹ hoặc em gái. Nếu SGK tiếp tục để như thế sẽ ảnh hưởng đến tư duy học sinh. Các em sẽ nghĩ đó là những công việc chỉ dành cho phụ nữ. Vì vậy cần tăng thêm hình ảnh bé trai, tăng thêm vai trò người chồng trong những việc gia đình, thậm chí là nội trợ...

Bình đẳng giới sẽ không thể trở thành hiện thực khi mà thế hệ sau vẫn được phân công lao động và phân hóa theo những khuôn mẫu mang định kiến về giới đã trở nên lỗi thời; khi mà ngay trong chính môi trường học đường, bất bình đẳng giới đã công khai nảy sinh và định hình trong học sinh.

 Vợ quét nhà, chồng ngồi đọc báo - dường như được coi là hình ảnh phổ biến trong các gia đình Việt Nam. Ảnh minh họa internet.

* Bà Trần Thị Phương Nhung, Giám đốc chương trình sáng kiến về giới của UNESCO tại Việt Nam: Chúng ta không thể thay đổi những câu chuyện, sự kiện lịch sử, tuy nhiên khi lấy các tư liệu biên soạn chương trình - SGK thì cần lưu ý tỷ lệ. Các nhân vật lịch sử chúng ta có cả nam cả nữ tại sao không đưa một cách công bằng, để giảm suy nghĩ sai lệch rằng chỉ có nam giới mới có thể làm được những việc lớn và càng không đúng với xã hội hiện nay. Như ở cuốn Tự nhiên Xã hội lớp 1, người mẹ thì phơi quần áo, giặt giũ, nấu cơm, đi chợ, còn bố thì ngồi đọc sách.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn