Nhập tịch cho cô dâu Lào ở biên giới Nghệ An: 'Sắp trở thành công dân Việt Nam rồi, mình vui lắm'

09:34 | 26/07/2019;
Những mái nhà hai quốc tịch mọc lên ở nhiều bản làng, thôn xã ở biên giới Nghệ An. Song, 202 người vợ, người mẹ đến từ đất nước Lào trong những gia đình ấy vẫn chưa được nhập tịch và vợ chồng vẫn chưa có đăng ký kết hôn. Bởi vậy, ngày được hỗ trợ hoàn thành các thủ tục pháp lý này đã trở thành ngày hội lớn đối với bản thân và cả gia đình họ.
“Đi từng bản, gõ từng nhà”
 
Mặc dù thấy rõ những khó khăn của các gia đình Việt - Lào ở miền biên giới, Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào cũng đã có thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới, tuy nhiên, để có thể thống kê, lên danh sách và vận động, hướng dẫn bà con đi làm thủ tục nhập tịch, thủ tục đăng ký kết hôn là không hề đơn giản. Đó là một hành trình gian nan “đi từng bản, gõ từng nhà” theo như lời của Thiếu tá Trần Quốc Chung - Ban đối ngoại Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An.
 
“Mới đầu, nhiều người chưa hiểu được ý nghĩa của thỏa thuận, sợ bị đuổi về nước nên khi cán bộ đến điều tra, họ thường trốn tránh không gặp, cố tình đi rẫy không ở nhà, hoặc khai báo thông tin không đúng lý lịch. Công tác điều tra, phân loại, rà soát danh sách người kết hôn không giá thú ở các địa bàn giáp biên lúc đầu gặp không ít khó khăn. Bằng nhiều biện pháp khác nhau như nhờ sự hỗ trợ của già làng trưởng bản, người có uy tín đến giải thích cho bà con hiểu, từ đó họ mới hợp tác và khai báo để đoàn có số liệu đầy đủ chính xác nhất để thực hiện quyền công dân của mình”, thiếu tá Chung chia sẻ.
 
 
65558653_827875877581386_8025319484052996096_n.jpg
Cán bộ Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực hướng dẫn người dân khai thông tin để điền vào tờ khai nhập quốc tịch theo mẫu
Cũng theo ông Chung, công tác thu thập số liệu điều tra này có sự phối hợp của BĐBP Nghệ An với Ban Dân tộc tỉnh, Công an tỉnh Nghệ An, phòng tư pháp các huyện và chính quyền địa phương các xã để thực hiện việc lập danh sách những trường hợp người Lào sinh sống trên địa bàn và quá trình này đã triển khai từ năm 2016 đến nay. Sau khi có số liệu điều tra ban đầu, đoàn công tác song phương giữa hai nước Việt Nam và Lào tiếp tục rà soát lại những trường hợp được phép ở lại, làm thủ tục nhập quốc tịch và cuối cùng đưa ra số liệu thống nhất. Theo đó, đến tháng 6/2019, có 202 người Lào kết hôn không giá thú trong vùng biên giới tỉnh Nghệ An giáp với các tỉnh (Hủa Phăn, Bôlykhămxay, Xiêng Khoảng) của Lào được phép ở lại nơi cư trú.
 
Trên cơ sở này, để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sinh sống trong vùng biên giới xa xôi, đường xá giao thông còn nhiều khó khăn nên trong hai ngày (13 -14/6) tại Kỳ Sơn và các ngày 2 và 3/7 tại Quế Phong và Tương Dương, Đoàn công tác của Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) và ông Nguyễn Công Hoan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An - dẫn đầu  cùng BĐBP Nghệ An, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với chính quyền địa phương đã trực tiếp vào tận các cụm xã và triển khai thực hiện các thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho người Lào với nội dung: “Thực hiện đơn giản hóa thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho người Lào được phép cư trú trên địa bàn”. 
 
 
65203494_646719175847384_6010911510774153216_n.jpg
Người dân vùng biên Nghệ An phấn khởi làm thủ tục nhập quốc tịch
Nhờ công tác tuyên truyền đi trước một bước và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan, trong các ngày làm việc, phần lớn người Lào kết hôn không giá thú đang sinh sống ở các xã trên địa bàn đã nắm bắt được chủ trương, tập trung đông đủ tại các địa điểm đã được thông báo để làm các thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam. Các thủ tục diễn ra đơn giản, nhanh gọn, người dân chỉ cần mang theo sổ hộ khẩu, khai thông tin cá nhân để cán bộ tư pháp ghi theo mẫu và chụp ảnh để hoàn thiện hồ sơ. Với những đồng bào không biết tiếng Kinh, các cán bộ địa phương đã làm thông dịch viên để giúp khai báo đồng thời mọi vướng mắc, khó khăn được giải thích và tháo gỡ tại chỗ.
 
Kết thúc thời gian làm việc, đoàn công tác đã hoàn tất hồ sơ nhập quốc tịch cho 70 trường hợp tại các huyện Quế Phong và Con Cuông, 83 trường hợp tại huyện Kỳ Sơn, số ít còn lại do một số đi làm ăn xa không về kịp, một số đã trở về nước cũ (Lào) không có nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam nên vắng mặt. 
 
Ngày hội của những gia đình Lào - Việt
 
Theo chân đoàn công tác lên các xã biên giới để hỗ trợ người dân làm thủ tục nhập quốc tịch, đăng ký kết hôn, nhìn những khuôn mặt rạng ngời, lấp lánh niềm vui của các cặp vợ chồng Lào - Việt dẫu cuộc sống còn khó khăn, vất vả trăm bề, mới có thể hiểu hết ý nghĩa chương trình mang lại. Về ở với nhau đã lâu, con cái đã đủ cả, thế nhưng trên pháp luật, họ vẫn là những người “trái phép”, là những người không có hôn thú. Bởi vậy, việc được Chính phủ Việt Nam và các cấp, ngành tạo điều kiện làm thủ tục đăng ký kết hôn như một sự hợp thức hóa đã mang lại niềm hạnh phúc trọn vẹn và giúp các cặp vợ chồng Lào - Việt ổn định cuộc sống. Nghe tin các đoàn công tác của các ngành chức năng trực tiếp vào tận các cụm xã hướng dẫn làm thủ tục nhập quốc tịch, đăng ký kết hôn, nhiều cặp vợ chồng Lào - Việt đang cư trú tại các xã biên giới Nghệ An vui như nhà có Tết, hồ hởi dắt tay nhau đi làm thủ tục.
 
 
h-tch.jpg
Phần lớn phụ nữ Lào kết hôn không giá thú đang cư trú tại các xã biên giới của tỉnh Nghệ An không biết đọc, biết viết.
Làm dâu ở bản Huồi Phuôn 2, xã Keng Đu (huyện Kỳ Sơn) đã gần 20 năm, sinh 6 người con (5 gái, 1 trai) nhưng vẫn chưa được nhập quốc tịch và hai vợ chồng cũng chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn, khi nghe tin có đoàn cán bộ về làm việc, chị Lương Mẹ Khăm (SN 1978), người gốc bản Co Đù, xã Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), hết sức vui mừng, phấn khởi. Từ sáng sớm, chị cùng với nhiều chị em khác đã có mặt tại trụ sở UBND xã để chờ đoàn về. “Giờ sắp trở thành công dân Việt Nam rồi, mình vui lắm”, chị Khăm chia sẻ. Tương tự, chị Lương Thị Xôm (SN 1989), trú ở bản Kèo Cơn, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn cũng có một đêm thao thức không ngủ, sáng sớm chị đã địu cô con gái út mới 1 tuổi rưỡi trên lưng, vượt qua một con dốc dài để đến địa điểm làm thủ tục nhập quốc tịch.
 
 
h-tch-3.jpg
Hạnh phúc trọn vẹn của những cuộc tình biên giới Việt-Lào tại vùng biên Nghệ An
Niềm vui không chỉ đến với các cô dâu Lào mà đến cả chồng, con, bản làng của họ cũng vui chung niềm vui ấy. Từ 6 giờ sáng em Xồng Bá Công (15 tuổi) trú ở bản Phà Noọi, xã Đoọc Mạy (Kỳ Sơn), đã chở mẹ là chị Hờ Y Xừ, người dân tộc Mông sang xã Keng Đu để làm thủ tục nhập quốc tịch vì bố đi vắng. “Mẹ bảo Việt Nam chính là quê hương thứ hai của mẹ nên khi nghe tin có tên trong danh sách được nhập quốc tịch, sắp trở thành công dân Việt, mẹ vui lắm, cả gia đình và bà con thôn bản ai cũng mừng cho mẹ”, Bá Công vui vẻ nói.
 
 
65837662_912073355806846_8253430449888559104_n.jpg
Một cặp vợ chồng được làm các thủ tục đăng ký kết hôn sau một thời gian chung sống
Còn anh Xeo Văn Xuân trú ở bản Huồi Lê, xã Keng Đu, có vợ là chị Xeo Mẹ Dung (SN 1986) cũng nằm trong nhóm người Lào nhập tịch đợt này hóm hỉnh chia sẻ: “Giờ cả hai cùng điểm chỉ vào giấy đăng ký kết hôn rồi, là vợ chồng hợp pháp rồi, không sợ ai “bắt mất” vợ mình, cùng lo làm ăn thôi…”.
 
Theo ông Nguyễn Công Hoan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An -sau khi hoàn tất thủ tục nhập quốc tịch cho người Lào được phép ở lại cư trú trên địa bàn các huyện, Sở Tư pháp sẽ hoàn tất hồ sơ gửi ra Bộ Tư pháp trình Chủ tịch nước xem xét ký quyết định nhập quốc tịch cho công dân. Chắc sẽ không còn lâu nữa, những cô dâu Lào sẽ được cầm trên tay giấy tờ chứng nhận quốc tịch của mình. Niềm vui ngày hôm nay của những gia đình Lào Việt như hòa chung vào tình yêu đất nước vào tình đoàn kết hữu nghị, gắn bó lâu đời của 2 nước, 2 dân tộc “Việt Lào hai nước chúng ta - Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn