Ngày 3/5, BV Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, cá bác sĩ của BV vừa cấp cứu cho bệnh nhân D.V.T. (52 tuổi, trú tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) bị ngộ độc nặng sau khi ăn ruốc lỗ.
Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tê yếu tứ chi, tê miệng, cơ lực chi giảm còn 3/5. Gia đình cho biết, trước đó bệnh nhân có ăn cơm với ruốc lỗ, là một loại hải sản.
Ngay khi xác nhận tình trạng bệnh nhân bị ngộ độc hải sản, các bác sĩ nhanh chóng thực hiện các biện pháp tăng cường thải độc, bài niệu tích cực. Sau 24h, bệnh nhân tỉnh táo, cơ lực tay chân cải thiện.
Được biết, ruốc lỗ là một loại hải sản thuộc họ bạch tuộc, nhỏ bằng ngón chân cái, đầu tròn và có bộ xúc tu dài. Vì những đặc điểm đó mà ngư dân gọi chúng với tên bạch tuộc mini hoặc ruốc chân dài. Thực tế có rất nhiều trường hợp bệnh nhân ngộ độc do lầm tưởng ruốc lỗ (bạch tuộc mi ni) với bạch tuộc vòng xanh nên dùng để chế biến món ăn được ghi nhận tại các cơ sở y tế trong nước.
Bác sĩ Nguyễn Sỹ Mạnh, Khoa Hồi sức tích cực & chống độc (BV Bãi Cháy) cho biết, trường hợp bệnh nhân T. bị ngộ độc rất có thể đã trúng độc tố Tetrodotoxin có trong nhiều loại hải sản như so biển, mực đốm xanh, bạch tuộc vòng xanh… Độc tính này tác động trên thần kinh trung ương rất mạnh làm liệt các trung khu thần kinh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngừng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp.
Theo bác sĩ Mạnh, người bị ngộ độc chỉ trong vòng vài phút sau khi ăn có thể bị rối loạn cảm giác như tê môi, lưỡi, mặt, tay, chân, đau đầu, vã mồ hôi, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn, tăng tiết nước bọt, … Các dấu hiệu nặng biểu hiện như liệt các cơ vận động, cơ hô hấp, giãn đồng tử, suy hô hấp, trụy tim mạch, ngừng thở, hôn mê, thậm chí tử vong. Như vậy, tình trạng ngộ độc hải sản xuất hiện và chuyển nặng rất nhanh, nguy cơ tử vong cao nếu không được chuyển đến bệnh viện xử trí cấp cứu kịp thời.
Trước đó, BV cũng từng tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp bệnh nhân ngộ độc hải sản như so biển; hoặc một số loại thực phẩm khác như củ nần do nhầm lẫn hoặc chủ ý ăn các món được chế biến mà không rõ nguồn gốc, độc tính. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần thận trọng khi chế biến, sử dụng các loại thực phẩm. Nếu phát hiện người bị ngộ độc thức ăn với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, trạng thái thần kinh li bì, toàn thân biểu hiện mệt mỏi…nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn