Nhập viện vì ăn cố đồ tồn Tết

06:45 | 07/02/2017;
Chị Cẩm Phương (Ba Đình, Hà Nội) không ngờ bữa lẩu tổng kết đồ ăn Tết hôm mùng 9 tháng giêng lại khiến mình nhập viện cấp cứu.
Sau bữa lẩu tổng kết thức ăn dịp Tết còn lại trong tủ, chị Nguyễn Cẩm Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) đau bụng âm ỉ rồi buồn nôn. Cả nhà 4 người dùng lẩu bữa đó đều có biểu hiện đau bụng nhẹ, riêng chị Phương nặng nhất.
Do tiếc thức ăn cũ, chị Phương đã ăn khá nhiều. Sau bữa ăn, bụng đau, miệng nôn kèm tiêu chảy buộc chị Phương phải dùng thuốc. Tuy nhiên, tình trạng trên không đỡ nên chị phải vào bệnh viện khám và nhận được chẩn đoán: Ngộ độc thực phẩm. Cũng may chị kịp thời tới bệnh viện và mức độ ngộ độc không quá nặng nên sau khi khám, chị được cho điều trị ngoại trú.

Giáp Tết, tủ lạnh nhà chị Phương kín không còn chỗ trống. Giò chả, bánh chưng, thịt, rau, củ... chị Phương chuẩn bị đủ cho hơn 1 tuần dịp Tết. Hết Tết mà thức ăn còn nhiều. Tiếc rẻ, cả nhà làm lẩu tổng kết những đồ dư thừa. Đây là nguyên nhân khiến cả nhà chị bị đau bụng, tiêu chảy.
luu-tu.jpg
Dùng thức ăn để lâu trong tủ lạnh không có lợi cho sức khỏe
BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, việc để thức ăn trong tủ lạnh quá lâu, đặc biệt là thức ăn chín sẽ làm biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Quá trình cấp đông và rã đông làm mất 1/3 chất béo hòa tan trong thịt, một số chất gần như mất hết. Nhìn chung, tổng hàm lượng dinh dưỡng sau mỗi lần làm đông - rã đông đều giảm 20%. Hơn nữa, khi để thức ăn trong tủ lạnh, nhiều chị em bảo quản không đúng cách, cũng dễ gây hại khi sử dụng. Bởi vậy, trong trường hợp bảo quản thức ăn trong tủ lạnh cần để riêng, bọc kỹ thức ăn sống, chín.

“Nhiều gia đình có thói quen tích trữ thức ăn cho cả dịp Tết. Ra Tết, thức ăn còn nhiều nên tiếc rẻ mang ra dùng nốt. Do việc để lẫn thức ăn sống-chín trong tủ lạnh nên đồ ăn có nguy cơ nhiễm khuẩn, thực phẩm lại bảo quản lâu ngày càng có nguy cơ nhiễm khuẩn, gây ngộ độc cao hơn", BS Hải cảnh báo.

Theo Bộ Y tế, dịp Tết, các cơ sở y tế tiếp nhận hơn 3.000 trường hợp khám rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn và rượu. BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, sau Tết, ngộ độc thực phẩm vẫn có nguy cơ cao xảy ra, do người dân tham gia các lễ hội, sử dụng thực phẩm không đảm bảo, dùng thực phẩm lưu trữ lâu ngày…

BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết thêm, trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, nếu chỉ bị tiêu chảy nhẹ, tinh thần vẫn tỉnh táo, không mệt mỏi, thở bình thường thì chỉ cần bồi phụ nước, điện giải qua đường uống. 

Còn trong trường hợp bị ngộ độc nặng hơn, như có biểu hiện đau bụng, nôn liên tục, tiêu chảy nhiều lần... phải nhanh chóng đưa bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu. Nếu mọi người ăn phải thực phẩm bị ôi thiu mà bị ngộ độc, có thể xử lý trước khi đi đến viện là tìm cách nôn những thực phẩm đã ăn ra càng sớm càng tốt.

"Để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và bị ngộ độc thức ăn, mọi người không nên sử dụng đồ ăn để quá lâu trong tủ lạnh, đã ôi, mốc... Thực phẩm bình thường nhưng đã để tủ lạnh thì phải đun nóng trước khi sử dụng", BS Nguyên khuyến cáo.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn