Mùa hè với đặc trưng thời tiết nắng nóng, là thời điểm thuận lợi để các vi khuẩn gây bệnh phát triển. Ngoài ra, trong sinh hoạt hàng ngày, có những thói quen xấu cũng gây hại cho sức khỏe, thậm chí dẫn tới phải nhập viện.
PGS.TS.BS Võ Thanh Quang - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, năm nào dịp mùa hè số trẻ nhập viện liên quan đến các bệnh liên quan đến mũi họng cũng gia tăng. Trong đó, nhiều nhất là viêm họng, viêm amidan.
Một trong số nguyên nhân gây bệnh chính là thói quen sử dụng đồ ăn, nước uống lạnh khi trời nắng nóng đỉnh điểm. PGS Thanh Quang cho biết, ông đã gặp trường hợp trẻ bị viêm họng đỏ rực sau khi ăn hộp sữa chua lạnh.
“Đó là một bé gái 5 tuổi, chiều hôm trước đi học về là ăn sữa chua vừa lấy từ tủ lạnh ra. Khi người mẹ bế con đến viện, qua thăm khám chúng tôi thấy họng cháu đã bị viêm đỏ rực. Các bác sĩ đã kê đơn thuốc cho trẻ về điều trị ngoại trú”, PGS Quang chia sẻ.
Cảnh báo về vấn đề này, PGS Quang cho biết, nhiệt độ môi trường thay đổi là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn phát triển. Trong đó, thói quen cho trẻ ăn uống đồ lạnh, nằm điều hòa sai cách chính là tác nhân thúc đẩy khiến bệnh trầm trọng hơn. Hệ hô hấp của trẻ chưa hoàn thiện, còn yếu ớt nên niêm mạc mũi, họng bị khô, từ đó các loại virus, vi khuẩn dễ tấn công rất nhanh.
Nước đá lạnh khi sử dụng sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa cả người lớn và trẻ nhỏ (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, việc trẻ sử dụng đồ lạnh một phần bắt chước từ người lớn. Do vậy, để thay đổi thói quen của trẻ thì các bậc phụ huynh cần làm gương bởi việc việc dùng đồ lạnh thường xuyên cũng gây hại cho chính người sử dụng.
Bác sĩ Nguyễn An, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, thực tế ngày hè oi nóng nếu uống một cốc nước lạnh sẽ giúp cơ thể giải tỏa được cơn khát, có cảm giác hạ nhiệt. Tuy nhiên, uống lạnh thường xuyên trong mùa nắng nóng sẽ khiến cơ thể chúng ta gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Theo phân tích của bác sĩ An, việc này khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng khá nhiều, vì nước đá lạnh sẽ hạn chế khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của hệ tiêu hóa để tạo ra năng lượng. Điều này có thể dẫn đến mất nước.
Ngoài ra, nước đá sẽ làm các mạch máu co lại, cản trở hoạt động của hệ tiêu hóa , từ đó gây ra các vấn đề như đau bụng, buồn nôn, khó chịu dạ dày. Uống nước đá lạnh ngay sau bữa ăn còn dễ làm đông cứng chất béo từ thực phẩm bạn vừa ăn, khiến cơ thể khó phân hủy các chất béo không mong muốn.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, uống nước lạnh có thể làm giảm nhịp tim bởi nó kích thích dây thần kinh phế vị - một phần quan trọng trong hệ thần kinh của cơ thể. Khi hệ thống thần kinh này bị ức chế, nhịp tim của bạn có thể giảm.
Uống trà đá quá lạnh không tốt cho sức khỏe, nếu uống quá nhiều còn có nguy cơ sỏi thận. (Ảnh minh họa)
Một thói quen khác, hay gặp ở nam giới, cũng cần hạn chế, là uống nhiều trà đá trong mùa hè. Loại đồ uống này giá rẻ, bán nhiều ở khắp các vỉa hè, hoặc cũng có thế tự làm tại nhà. TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E) cho biết, trà đá vỉa hè nếu không đảm bảo an toàn vệ sinh, nhất là nguồn nước, sẽ dễ bị vi khuẩn xâm nhập, gây các vấn đề về tiêu hóa.
Một vấn đề nữa là uống nhiều nước trà, trà đá, nhất là trà đặc còn có thể bị sỏi thận. Nguyên nhân là trong trà khô chứa nhiều oxalat, một trong những hóa chất quan trọng dẫn đến sự hình thành sỏi thận. Nếu uống trà đặc kèm đá sẽ gây kết tủa thành nước cứng. Oxalate gắn với canxi ion tạo thành tinh thể sỏi trong điều kiện người đó uống ít nước, ra nhiều mồ hôi vì lao động nặng, không khí nóng bức...
Từ những phân tích trên, các chuyên gia khuyến cáo, dù là trẻ nhỏ hay người lớn, tốt nhất không uống nước lạnh ngay khi vừa đi ngoài nắng về hoặc sau khi luyện tập thể thao cường độ mạnh. Nên để cho cơ thể hạ bớt nhiệt sau đó mới uống.
Tránh ăn uống đồ quá lạnh, nhất là đồ đóng đá, nên để thực phẩm ra ngoài đến khi mát rồi mới sử dụng. Ngay cả nước mát cũng không uống nhiều cùng một lúc, cần phân chia hợp lý thời gian uống trong ngày, lượng nước sẽ tùy theo cân nặng, tuổi tác, bệnh lý của từng người.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn