Thế giới ngày càng phát triển, các phương tiện giao thông cũng nhờ đó mà có những bước tiến vượt bậc. Thay vì cong lưng đạp xe, mỏi tay chèo thuyền, người ta đã có ô tô, tàu thủy, thậm chí máy bay để di chuyển, vừa nhanh vừa đỡ tốn công sức. Những chiếc xe đạp gần như "đi vào dĩ vãng". Nhưng ở Nhật Bản thì khác.
Xe đạp vẫn là một phương tiện cực kỳ phổ biến. Chẳng thế mà ở khắp các thành phố thuộc xứ sở hoa anh đào, luôn có bãi đậu dành riêng cho xe đạp. Xe đạp nhiều đến mức không đếm xuể!
Trang tin tức và thông tin du lịch Japan Guide có hẳn một bài viết giới thiệu về chiếc xe đạp ở Nhật Bản. Và quả thực, không đơn giản như chúng ta nghĩ.
Xe đạp (tiếng Nhật là 自転車, jitensha) được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản bởi mọi người, thuộc mọi lứa tuổi và địa vị xã hội, từ các bạn học sinh, sinh viên, viên chức nhà nước, đến các bà nội trợ, cụ già... đều sử dụng xe đạp.
Người Nhật đạp xe vì mọi lý do - đi làm, đi chợ, đưa con đi học hoặc đơn giản là đi tận hưởng không khí trong lành. Hãy tưởng tượng bạn đang đạp xe trên những con đường có hoa anh đào nở rộ vào mùa xuân trong khi một cơn mưa cánh hoa màu hồng nhẹ nhàng rơi xuống. Đó hẳn là một trải nghiệm tuyệt vời không thể nào quên.
Khi đến Nhật Bản, nếu để ý, bạn sẽ thấy rằng xe đạp cho thuê có sẵn ở nhiều điểm du lịch như một lựa chọn thú vị để đi lại.
Loại xe đạp phổ biến nhất ở Nhật Bản và tại các cửa hàng cho thuê là những chiếc xe đơn giản để sử dụng hàng ngày, được gọi là mamachari ("xe đạp của mẹ"). Mamachari thường được trang bị giỏ hoặc ghế trẻ em, khóa đơn giản, chân chống và chỉ một bánh răng. Các mẫu cao cấp hơn với nhiều bánh răng hoặc hỗ trợ điện cũng trở nên phổ biến. Xe đạp có thể gập lại, xe đạp leo núi và xe đạp đua đường trường hiếm khi được cho thuê và giá thì vượt xa các loại mamachari rẻ tiền.
Xe đạp cho thuê có sẵn ở nhiều điểm du lịch. Chúng có thể là một cách thuận tiện và chi phí rẻ để đi vòng quanh các thành phố hoặc thị trấn nhỏ, khi mà khoảng cách giữa các điểm tham quan hơi xa để có thể đi bộ.
Cửa hàng cho thuê xe đạp thường đặt gần các nhà ga xe lửa. Một số cửa hàng yêu cầu tiền đặt cọc hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh. Họ cũng có thể hỏi địa chỉ và số điện thoại nơi ở của bạn.
Phần lớn xe đạp cho thuê là Mamachari. Phí thuê thường là 100-300 yên/giờ, 400-800 yên/nửa ngày và 1.000-1.200 yên/ngày.
Nếu du lịch đến Nhật Bản, bạn có thể tận hưởng thú vui đạp xe như một cách tuyệt vời để khám phá đất nước Mặt trời mọc và ngắm cảnh. Hoặc, có thể bạn mới bắt đầu cư trú dài hạn tại Nhật Bản và muốn có một chiếc xe đạp để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Nếu vậy, hãy tìm hiểu thêm về các quy tắc đi xe đạp ở Nhật Bản để tránh rắc rối không đáng có.
- Về lý thuyết, người đi xe đạp phải sử dụng đường phố chứ không phải vỉa hè (đi xe trên vỉa hè chỉ dành cho người dưới 13 tuổi, người trên 70 tuổi hoặc người tàn tật), trừ khi có biển báo cho biết vỉa hè dành cho cả người đi bộ và người đi xe đạp. Nói chung, cứ dưới đường mà đi. Tùy thuộc vào điều kiện giao thông, việc đi trên vỉa hè có thể bị phạt.
- Có một điều quan trọng không kém, bất kể bạn đang ở trên đường hay vỉa hè, hãy đi bên trái.
- Tuyệt đối không được đi ngược chiều. Vào năm 2013, do sự gia tăng của các vụ tai nạn giao thông liên quan đến đi xe đạp, Luật Giao thông Đường bộ Nhật Bản đã được sửa đổi. Kể từ đó, những người đi xe đạp bị bắt gặp đi ngược chiều sẽ phải đối mặt với án tù 30 ngày hoặc phạt 20.000 yên.
Ở nhiều thành phố lớn, có những bãi đậu xe đạp dành riêng gần nhà ga và trung tâm mua sắm. Bạn thậm chí có thể tìm thấy những nhà để xe nhiều tầng dành riêng cho xe đạp. Ở những nơi thiếu chỗ đậu xe được chỉ định, bạn không nên làm theo những chiếc xe đạp đậu bừa bãi ngay cả trong những khu vực cấm đậu xe có biển báo rõ ràng.
Trộm cắp xe đạp không phải là chuyện hiếm ở Nhật Bản. Để chống tội phạm, mọi chiếc xe đạp ở Nhật Bản phải được đăng ký với cảnh sát với một khoản phí nhỏ trả 1 lần. Phí đăng ký (khoảng 500 yen - tương đương khoảng 100.000 đồng).
Nếu bạn mua một chiếc xe đạp mới, quy trình đăng ký có thể sẽ do cửa hàng đảm nhận, nhưng nếu bạn mua lại một chiếc xe đã qua sử dụng từ người khác, bạn nên đăng ký lại dưới tên của mình tại đồn cảnh sát địa phương để tránh những hiểu lầm về sau.
Có hai cách để đăng ký xe đạp cũ: Một là chuyển đổi quyền sở hữu xe. Hoặc bạn phải qua 2 bước là hủy bỏ đăng ký cũ và tái đăng ký mới. Quy trình cụ thể như sau:
*Chuyển đổi quyền sở hữu
Đây là phương án nhanh gọn hơn: Bạn chỉ cần đưa thẻ căn cước, thẻ đăng ký của chủ cũ, giấy chứng thư chuyển nhượng, bảo hiểm xe, và đóng thêm 500 yên phí vận hành.
*Hủy bỏ đăng ký và tái đăng ký
Một số địa phương không cho phép chuyển đổi quyền đăng ký. Vì vậy, người chủ cũ phải đi hủy đăng ký và người mua xe phải thực hiện một bước đăng ký khác.
Người chủ cũ phải trình ra thẻ căn cước và thẻ đăng ký cũ để hủy đi. Sau đó, người mới cũng phải trình ra những giấy tờ tương tự như khi chuyển đổi quyền sở hữu để đăng ký mới, kèm theo 500 yên phí vận hành.
Hầu hết các xe đạp đều được trang bị khóa cơ bản, nhưng cần có khóa chắc chắn hơn nếu bạn lo ngại về trộm cắp xe đạp.
- Nếu cho người khác đi nhờ (và xe của bạn không được thiết kế để chở thêm người), bạn có thể bị phạt đến 20.000 yên (hơn 4 triệu đồng).
- Bạn có thể phạt tới 50.000 yên (hơn 10 triệu đồng) nếu bị bắt gặp vừa đi xe đạp vừa che ô. Thậm chí là ngồi tù thêm 3 tháng nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng.
- Tương tự như vậy, mức phạt cũng dành cho việc sử dụng điện thoại di động hoặc đeo tai nghe.
- Không được đi xe đạp lên vỉa hè.
- Lái xe khi uống rượu có thể bị phạt tù 5 năm, kèm theo khoản phạt lên tới 1 triệu yên. Và bạn biết rồi đấy, "xe" ở đây là xe đạp nhé.
- Không gắn đèn ở đầu xe, phạt 50.000 yên.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn