Theo dữ liệu mới nhất từ chính phủ, tỷ lệ trung bình vượt qua kỳ thi đầu vào của thí sinh nữ tại 81 trường đại học có khoa y ở Nhật Bản là 13,60% so với 13,51% ở thí sinh nam, đánh dấu lần đầu tiên tỷ lệ nữ vào trường y vượt qua nam giới từ khi có dữ liệu thống kê năm 2013. Theo đó, trong số 62.325 thí sinh nam nộp đơn vào các trường y trên toàn quốc, có 8.421 người trúng tuyển, trong khi chỉ có 5.880 trong số 43.243 thí sinh nữ được chấp nhận.
Đây là lần đầu tiên thí sinh nữ vượt qua nam về tỷ lệ được chấp nhận tại các trường y của Nhật Bản. Kết quả này đối lập với 8 năm trước, khi tỷ lệ đỗ ở nam cao hơn nữ tới 2,05%. Trong các năm học 2013 đến 2018, khi việc tuyển sinh vào ngành y có nhiều bất cập, tỷ lệ nam giới thành công nhập học trung bình trên toàn quốc là 11,25%, trong khi tỷ lệ ở nữ là 9,55%.
Năm 2018, giới học thuật Nhật Bản chấn động bởi việc một số trường y cố tình hạ điểm thí sinh nữ, gây ra cáo buộc phân biệt giới tính trong thể chế và đòi hỏi minh bạch hơn trong tuyển sinh. 10 trường danh tiếng nhất của đất nước thừa nhận phân biệt đối xử với thí sinh nữ để đảm bảo đủ số lượng nam giới được nhận vào học. Các trường cho biết đã cố tình hạ điểm thi của thí sinh nữ do lo ngại bác sĩ nữ có xu hướng từ chức hoặc nghỉ việc sau khi kết hôn trong bối cảnh thiếu bác sĩ trên toàn quốc.
Vấn đề thao túng kết quả theo giới tính được đưa ra ánh sáng sau một loạt vụ bê bối gian lận thi cử nổi lên vào năm này, bao gồm cả vụ việc của Đại học Y Tokyo, khi trường thừa nhận thao túng điểm số để hạn chế tuyển số lượng sinh viên nữ. Điều này thúc đẩy một cuộc thăm dò của chính phủ về kỳ thi tuyển sinh tại các trường y khoa. Cuối năm đó, Bộ cho biết có 10 trong số 81 trường y đã thao túng kết quả các kỳ thi tuyển sinh để ưu tiên ứng viên nam và người thân của các cựu sinh viên.
Trong số các trường phát hiện có phân biệt đối xử với ứng viên nữ hồi năm 2018, 6 trường có tỷ lệ chấp nhận ở nữ cao hơn nam trong năm 2021. Năm 2019, một năm sau vụ bê bối, tỷ lệ thí sinh nữ vào trường y đã vượt qua nam tại một số trường nhỏ, nhưng đây là lần đầu tiên xu hướng này mở rộng ra toàn quốc.
Một quan chức Bộ Giáo dục Nhật Bản nhận định dữ liệu mới đã chứng minh nữ giới không còn gặp bất lợi khi ứng tuyển vào các trường y có tỉ lệ cạnh tranh cao. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ bác sĩ ở Nhật Bản vẫn thấp hơn đáng kể so với các nền kinh tế phát triển khác. Một cuộc khảo sát năm 2018 của Bộ Y tế cho thấy chỉ có 21,9% bác sĩ là nữ, tỷ lệ thấp nhất trong các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, trong đó mức trung bình là 46% vào năm 2015.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn