Phụ nữ Nhật Bản lần đầu tiên được trao quyền trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 10/4/1946. Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau khi Thế chiến II kết thúc. Khoảng 13,8 triệu phụ nữ nước này đã đi bỏ phiếu và 39 phụ nữ được bầu vào quốc hội Nhật Bản trong tổng số 464 thành viên (chiếm 8,4%). Một Hiến pháp mới sau đó đã có hiệu lực về việc chính thức trao quyền bầu cử cho phụ nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ ở Quốc hội Nhật Bản đã giảm nhanh chóng trong cuộc các bầu cử Hạ viện tiếp theo và duy trì ở mức 1% - 2% đến năm 1996, khi đó chỉ đạt 4,6%.
Năm 1987, Đảng Xã hội Nhật Bản do nữ lãnh đạo đầu tiên của đảng là Takako Doi đã đưa ra Chiến lược Madonna nhằm ủng hộ nhiều ứng cử viên nữ trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 1989 và 10 người trong số đó đã chiến thắng. Trong cuộc bầu cử Hạ viện năm 2005, 26 phụ nữ đảng Dân chủ Tự do (LDP) chiến thắng, trong đó có bà Yuriko Koike, hiện là thị trưởng Tokyo. Bà Koike được Thủ tướng lúc bấy giờ bổ nhiệm làm Bộ trưởng Môi trường (2003-2006), Bộ trưởng Quốc phòng năm 2007. Đây là một quyết định khiến nhiều người Nhật bảo thủ bị sốc vì đây thường là vị trí do nam giới nắm giữ. Hiện là Thị trưởng Tokyo, bà Koike cam kết sẽ tăng cường minh bạch ngân sách và tập trung vào các chính sách cải thiện an sinh, phúc lợi xã hội. Bà cũng cam kết giải quyết tình trạng thiếu cơ sở chăm sóc người già và trẻ nhỏ ở thủ đô.
Khi lên nắm quyền tháng 12/2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết sẽ để phụ nữ tỏa sáng và tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh và chính trị cũng như tạo điều kiện để họ trở thành các nhà lãnh đạo. Nhật Bản đã đầu tư xây dựng nhiều cơ sở giữ trẻ để phụ nữ tham gia vào thị trường lao động. Ngày 16/5/2018, Quốc hội nước này đã ban hành đạo luật nhằm thúc đẩy phụ nữ tham chính. Đây được đánh giá là bước tiến mới. Một trong các nội dung của luật trên là kêu gọi các đảng chính trị tham gia các cuộc bầu cử địa phương và tổng tuyển cử nỗ lực đặt mục tiêu cụ thể về số ứng cử viên nữ.
Trong số 19 bộ trưởng đương nhiệm của Nhật Bản, có 2 người là nữ, đó là Bộ trưởng Nội vụ Seiko Noda và Bộ trưởng Tư pháp Yoko Kamikawa. Bà Seiko mong muốn trở thành người đứng đầu Đảng Dân chủ tự do (LDP) để thúc đẩy thêm nhiều phụ nữ vào chính trường. Bà đã mở một ngôi trường chính trị dành riêng cho phụ nữ với hy vọng tạo ra một thế hệ nữ lãnh đạo mới cho đất nước Nhật Bản.
Trong cuộc bầu cử địa phương tháng 4/2019 được tổ chức trên toàn quốc, 6 phụ nữ trong số 59 người đã giành chiến thắng để trở thành thị trưởng. Các nữ chính khách hiện chiếm 10,4% trong Hạ viện Nhật Bản và 22,5% ở Thượng viện. Chính phủ Nhật Bản cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ ứng cử viên nữ trong các cuộc tổng tuyển cử lên 30% trong thời gian tới. Đặc biệt, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho biết, bà dự định tranh cử vị trí Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) năm 2021. Nếu giành chiến thắng, bà Inada có thể trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản. Bà Inada từng học ngành Luật và bắt đầu giữ ghế trong quốc hội Nhật Bản từ năm 2005. Bà là người phụ nữ thứ hai của nước này đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Bà đảm nhiệm vị trí này từ tháng 8/2016 đến tháng 7/2017.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn