Nhặt ‘sạn’ mùa lễ hội Kỷ Hợi

16:01 | 15/02/2019;
Thịt động vật tươi bày bán đầy rẫy, người đi chùa ăn mặc hở hang phản cảm, tắc đường hàng cây số... là những hình ảnh không đẹp mặt còn tồn tại trong những ngày đầu mùa lễ hội năm nay.

Với chủ đề “Lễ hội kỷ cương, văn minh du lịch”, trước mùa lễ hội, BTC Lễ hội Chùa Hương 2019 đã quyết định không bố trí điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, khu vực sân di tích. Ban tổ chức đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh khu vực lễ hội không quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội.

 

Tuy nhiên, những ngày đầu xuân, du khách vẫn dễ dàng bắt gặp những tảng thịt bày ê hề trong tủ các quán ăn trong khu vực lễ hội. Thi thoảng, một vài lực an ninh tới nhắc nhở, nhưng chủ quán chỉ “ậm ờ” cho xong. Các tảng thịt động vật còn vương máu tươi lại “ngạo nghễ” bày bán trước sự bức xúc của khách thập phương và thách thức ban quản lý lễ hội.

 

1.jpg
Thịt thú rừng sống vẫn ngang nhiên bày bán trong khu vực Lễ hội chùa Hương
 

Lượng người đổ về chùa Hương rất đông, khiến nhiều đoạn đường bị ùn tắc. Người dân phải xếp hàng 3-4 giờ, di chuyển từng bước để vào động Hương Tích lễ Phật. Một số người phải trèo tường để thoát ra khỏi đám tắc đường và chờ tối muộn mới vào động. Thậm chí có người trèo cả lên khu vực vách núi treo leo nguy hiểm dù đã có biển cấm leo trèo. Điều đáng nói là hiếm khi có bóng dáng bảo vệ hay đại diện ban tổ chức ở đây nhắc nhở, xử phạt.

 

Không chỉ chùa Hương, tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), nạn tắc đường lối vào lễ hội vài tiếng đồng hồ khiến khách thập phương bức xúc, ngao ngán. Anh Bá Lục (Hà Nội) mệt mỏi kể lại chuyến đi “bão táp” của mình đến chùa Ba Vàng. Theo anh Bá Lục, chùa Ba Vàng hiện chỉ có 1 con đường vào dành cho các loại phương tiện và 7 bãi đỗ xe quy mô nhỏ, lượng khách đổ về quá đông nên tắc khủng khiếp. Bãi đỗ xe quá thiếu nhân viên điều tiết nên tài xế đỗ lung tung vào không được mà ra cũng không xong. Đã thế có một số tài xế đi ô tô lấn sang làn đối diện khiến khung cảnh tán loạn như ong vỡ tổ. Một lái taxi thiếu ý thức suýt bị đánh hội đồng vì đi sang làn ngược chiều khiến xe cộ tắc nghẽn hàng tiếng đồng hồ.

 

Tại Tây Ninh, sau khi khai mạc Hội Xuân Núi Bà Đen năm Kỷ Hợi 2019, hàng chục ngàn xe ô tô, mô tô các loại kẹt cứng trên đoạn đường gần 4 km trước cổng chào Khu Di tích lịch sử văn hóa - danh thắng và du lịch núi Bà làm tê liệt giao thông gần 7 tiếng đồng hồ. Con đường vào Khu Di tích lịch sử văn hóa - danh thắng và du lịch núi Bà Đen hiện nay là quá nhỏ so với lưu lượng khách du lịch đến với núi Bà Đen. Do vậy mới xảy ra tình trạng kẹt xe vào những ngày cao điểm của lễ hội. Đoạn đường này đã đầu tư khá lâu, mặt đường chia làm hai làn xe nên rất hẹp.  

 

Nhiều người dân bức xúc, phàn nàn cho rằng lực lượng cảnh sát giao thông một số điểm lễ hội đã không tính trước được tình huống kẹt xe xảy ra, nên lúc cao điểm không thể điều phối giao thông dẫn đến kẹt xe kéo dài. 

 

3.jpg
Nhiều người mặc trang phục phản cảm đi lễ chùa 
 

Trang phục người đi lễ cũng là chuyện đáng bàn. Tại một số nơi thừa tự vẫn còn hiện tượng người ăn mặc “thiếu vải”. Nhiều khách thập phương bức xúc khi thấy những bộ quần áo mỏng, xuyên thấu, những chiếc váy, sooc ngắn, áo trễ ngực của một số người đi lễ bái. Điều đáng nói, những hành động phản cảm của một số người vô ý thức ấy vẫn ung dung bước qua cổng đền, chùa, miếu… vào hẳn nội tự để lễ bái mà không hề bị lực lực an ninh, ban tổ chức, người quản lý đền, chùa, miếu… nhắc nhở, xử phạt.

 

Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm

Mùa lễ hội 2019, Nghị định 110 về Quản lý và tổ chức lễ hội đi vào đời sống. Chính phủ đã quy định rất rõ, giao trách nhiệm cho tất cả các ngành, từ công an, y tế, giao thông cho đến văn hóa, thông tin và truyền thông… Trong các hoạt động đó, các ngành phải chủ động để xây dựng kế hoạch, để tăng cường công tác quản lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ở lĩnh vực của mình theo Nghị định mà Chính phủ giao. Các địa phương có những hình thức mới về việc hạn chế những hình ảnh lộn xộn, phản cảm tại lễ hội. Ví dụ như các tiểu ban có danh sách, phân công con người đến từng điểm di tích, có niêm yết số điện thoại, nên khi thanh tra, kiểm tra hoặc người dân đi hội thấy có tình hình gì chưa đúng đều có thể gọi điện đến các thành viên của các tiểu ban phụ trách khu vực đó. Đối với việc đặt tiền công đức, tiền lễ không đúng quy định cũng sẽ bị nhắc nhở. Lực lượng chức năng cũng phải kiểm tra chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại về giá, phí dịch vụ.

 

xe.jpg
Người dân phải khiêng xe qua con lươn quay về vì không chịu nổi cảnh kẹt xe trên đường vào Hội Xuân Núi Bà Đen

Ngày 23/1/2019, Bộ VH-TT& DL có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019. Theo đó, văn bản số 323/BVHTTDL-VHCS do Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ký nhấn mạnh nhiều nội dung trong đó có nội dung: các địa phương không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Nghị định của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội đã phân cấp quản lý rất rõ ràng. Nếu các địa phương có lễ hội không có giải pháp khắc phục tiêu cực, tiếp tục để xảy ra các hiện tượng phản cảm khiến dư luận xã hội lên án thì lãnh đạo địa phương sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn