“Nhảy việc” rồi… thất nghiệp
Anh Lò Văn Chuyên, ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, có công việc ổn định ở một công ty về lĩnh vực an ninh ở Q.Long Biên, Hà Nội, đã được 3 năm. Sau khi về quê nghỉ Tết năm 2023, Chuyên được bạn bè rủ về làm cùng công ty sản xuất nội thất, với lời hứa là có thể tăng ca, nâng cao thêm thu nhập so với công việc mà anh Chuyên đang làm. Tin theo bạn, Chuyên đã xin nghỉ việc ngay sau kỳ nghỉ Tết để khăn gói theo bạn về công ty sản xuất nội thất. Nhưng chỉ làm việc ở xưởng sản xuất nội thất được 3 tháng thì anh Chuyên phải xin nghỉ việc, bởi cơ địa dị ứng với mùi sơn trong xưởng nội thất, không thể tiếp tục làm việc được. Khi anh Chuyên quay trở lại công ty cũ thì họ đã tuyển dụng đủ người. Thế là sau 3 tháng “nhảy việc”, anh Chuyên đã thất nghiệp, lại khăn gói về lại quê nhà với công việc đồng áng, để chờ đợi cơ hội xin việc mới.
Chị Hoàng Kim Thơ, ở Thuận Thành, Bắc Ninh, chia sẻ câu chuyện của mình: Sau kỳ nghỉ Tết năm 2023, tin theo lời cô bạn làm việc ở công ty sản xuất thực phẩm chức năng, với thu nhập cao, nhiều ưu đãi, chị đã bỏ công việc ở nhà máy dược phẩm bên Bắc Ninh để theo bạn lên Hòa Bình làm việc. Nhưng khi đến nơi, chị hoàn toàn thất vọng, bởi cơ sở làm việc không chuyên nghiệp, hiện đại như công ty cũ của chị ở Bắc Ninh, nơi ăn chỗ ở cho công nhân cũng sập xệ. Mức lương có cao hơn nhưng đồng nghĩa với việc phải tăng ca sản xuất khá nhiều. Thế nhưng chị vào làm việc được mấy tháng thì cơ sở bị xử phạt, phải đóng cửa vì không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến chị Thơ rơi vào cảnh thất nghiệp.
Chị Thơ chia sẻ: “Đây là bài học của cá nhân tôi khi chuyển công việc mà không tìm hiểu kỹ, chỉ nghe theo lời bạn rồi chuyển công việc, đến lúc sự đã rồi thì mình cũng đành chấp nhận làm việc. Tuy nhiên, khi cơ sở bị đóng cửa thì mình bị thất nghiệp, không có thu nhập, khiến cho gia đình gặp khó khăn theo. Cũng may là sau đó mấy tháng, tôi được công ty cũ nhận vào làm việc, nếu không thì còn khốn khổ hơn nữa”.
Doanh nghiệp cần có chế độ đãi ngộ để người lao động yên tâm làm việc
Bà Mẫn Thị Giang, nhân viên tư vấn môi giới việc làm ở thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cho biết: “Trong môi trường lao động hiện nay, ngoài chuyên môn, sự cần cù chịu khó của người lao động thì các doanh nghiệp cũng đề cao sự gắn bó của người lao động với doanh nghiệp. Bởi chỉ có như vậy thì mới có sự phát triển bền vững cho cả đôi bên. Nếu lao động có tâm lý “nhảy việc” thì rất khó để có thể gắn bó với doanh nghiệp. Bởi “nhảy việc” mà nơi mới không phù hợp như nơi cũ thì có khi họ lại "nhảy" tiếp. Các doanh nghiệp tuyển dụng khi thấy hồ sơ của người lao động thường xuyên “nhảy việc” thì họ cũng băn khoăn, thậm chí là không dám tuyển dụng, trừ khi doanh nghiệp đó đang rất cần lao động thì họ mới nhận”.
Chị Nông Thị Thanh, ở Định Hóa, Thái Nguyên, có thời gian 5 năm làm việc gắn bó với một công ty may ở Hưng Yên, chia sẻ: “Tôi làm công việc may dây chuyền ở công ty đã 5 năm, nhiều bạn bè rủ đi làm chỗ khác nhưng tôi không đi. Bởi công việc của mình ở đây đã thành quen thuộc rồi, giờ đi nơi khác lại phải bắt đầu lại từ đầu. Mình làm lâu, gắn bó với công ty thì công ty cũng có nhiều chế độ ưu đãi với mình. Chứ cứ nhảy lung tung thì chưa chắc đã tốt hơn, nên tôi xác định gắn bó lâu dài với công ty ở đây. Cứ chấp hành tốt, làm việc tốt thì mọi thứ sẽ tốt”.
"Theo tôi, để giữ chân người lao động, tránh tình trạng “nhảy việc”, nhiều doanh nghiệp cũng nên quan tâm chăm sóc người lao động, có những chế độ đãi ngộ cho người lao động để họ yên tâm làm việc, từ đó mới có sự gắn bó, đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp, ngay cả lúc huy hoàng lẫn khi khó khăn", bà Mẫn Thị Giang cho hay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn