Mùa đông mặt trời lặn sớm. Mới 6 giờ, trời đã tối đen. Châm lững thững gánh rau còn nặng trĩu trên vai, thở dài: "Hôm nay không hiểu gặp vía gì mà ế hàng quá". Lê la hết các ngõ hẻm của thành phố, thường ngày gánh rau nhỏ của Châm khi nào cũng chỉ còn lại vài món lặt vặt, nhưng hôm nay, ế ẩm quá. Lại thêm một tiếng thở dài, một tiếng thở dài...
Châm bước đi, đã nghe thấy tiếng gió rít bên tai. Hình như trời chuyển lạnh hẳn rồi. Trời đất này, có khi nhà nào cũng trữ thức ăn để khỏi phải mở cửa ra ngoài, có lẽ bởi thế nay gánh rau của Châm mới ế ẩm vậy.
Vừa mệt, vừa đói, cảm giác chán nản lại ùa đến. Từ ngày đem con trốn chồng đến thành phố này, chưa lúc nào Châm cảm thấy được yên ổn. Ngày nào cũng phải đem con đi gửi từ sớm, rồi đến chợ đầu mối chọn rau củ quả, xong lại đem gánh đi khắp nơi rao bán. Châm từ xa đến, lại chẳng có đồng vốn nào, cũng không người thân thích, nên chỉ có thể lại buôn thúng bán mẹt, kiếm chút tiền lẻ lo cơm cháo cho đứa con hơn 1 tuổi. Nhưng sống ở thành phố, cô đơn quá đỗi. Tối nào về Châm cũng chỉ biết ôm con khóc một mình. Có nằm mơ cũng không nghĩ rằng, đời cô lại chán ngán đến như vậy.
Học xong cấp ba, Châm nghe lời cha mẹ nghỉ học ở nhà đi làm công nhân may, để lấy tiền phụ thêm cho đứa em trai ăn học. Ở quê, con gái như cô chỉ cần có bằng tốt nghiệp cấp ba, rồi đi làm công nhân, lương bốn, năm triệu, sau lấy được anh chồng cần cù, chăm chỉ là tốt lắm. Châm cũng chưa từng đi ra khỏi xóm nghèo của mình, nên tin ấy là điều hạnh phúc rồi.
Châm không phải cô gái lộng lẫy nhưng lại có nụ cười duyên dáng, tươi tắn, nên từ khi đi học đã có nhiều bạn trai để ý. Châm vốn cũng chưa ưng ai, cho đến khi đi làm và ý thức về việc lập gia đình, cô mới bắt đầu nhận lời hẹn hò, đi chơi với bạn trai. Châm gặp Thành vào lúc ấy. Thành lớn hơn Châm đến chục tuổi, đi làm trong Nam từ mấy năm trước, đến dịp Tết ấy mới về quê. Hai nhà cách nhau một con đường làng ngắn thôi, nhưng lần này Thành về trông chững chạc ra dáng hẳn, nên Châm cũng có để ý. Thành xem ra cũng rất thích Châm nên sau mấy tháng hẹn hò, hai gia đình tác thành, họ kết hôn với nhau.
Thành ở nhà một thời gian rồi lại vào Nam làm ăn, Châm vẫn ngày ngày chăm chỉ đến công ty. Đột nhiên, mới đi được vài ngày, anh lại bắt xe về, nói "muốn tính chuyện làm ăn ở nhà". Châm không gàn chồng, vì như thế cũng tốt, vợ chồng được gần nhau. Tưởng rằng, gần nhau sẽ đầm ấm hạnh phúc nhưng nào ngờ, Thành lại giở thói ghen tuông, đòi sáng đưa vợ đi làm, tối đón vợ về, cả ngày trong lúc đợi vợ thì tụ tập bạn bè uống rượu, say rượu thì quay ra chửi vợ.
Trong một lần không ngủ được, khi chồng vẫn say xỉn mê man, điện thoại của chồng vang lên và khi nhận cuộc điện thoại ấy, cô đã phát hiện ra một sự thật ngỡ ngàng. Hóa ra chồng cô đã có một người vợ và một đứa con lớn ở trong Nam. Người phụ nữ kia gọi để buộc anh gửi tiền vào nuôi con sau khi biết anh đã bị đuổi việc vì đánh nhau với người cùng làm.
Châm không muốn con lớn lên cùng người cha vũ phu, bội bạc ấy, nên đã bỏ trốn đến đây. Chỉ có chút tiền ít ỏi mang theo người, Châm thuê một căn nhà trọ nhỏ, không chút liên lạc nào với cha mẹ và làng quê cũ. Nghĩ đến người chồng vũ phu lừa dối, nghĩ đến ánh mắt khinh bỉ của người làng, sự nhẫn nhịn, đau khổ của cha mẹ khiến cô thắt ruột, nhưng cô không muốn trở về. Trái tim cô đã chịu đựng quá nhiều rồi. Ngay cả cha mẹ cũng thà tin chồng cô, mà kêu con gái hư hỏng, chứ không chịu tin cô đã phải chịu đựng sự dày vò, khổ sở ra sao.
Vừa bước đi trong giá lạnh, nước mắt lại lã chã rơi. Mỗi khi nghĩ đến những gì đã qua, Châm vẫn cảm thấy mọi thứ nặng trĩu hai vai. Không biết bước chân sau này rồi sẽ đi về đâu. Cho đến bây giờ, cô nghĩ, mình chỉ sống vì bé Bo thôi.
Bước về phía gầm cầu, giữa le lói ánh đèn vàng mờ ảo, Châm nhận thấy người đàn ông ấy vẫn đang ngồi bán những món đồ nho nhỏ như mọi ngày. Hôm nay lạnh hơn, dường như không có người khách nào muốn dừng lại mua cho anh vài ba món. Từ ngày anh liều mình giúp cô khỏi lũ du côn trên đường để bị đánh đến nỗi chảy máu mũi, chiều nào đi bán hàng về cô cũng nán lại nói chuyện cùng người đàn ông này một lúc.
Anh có dáng đi hơi khập khễnh. Nghe bảo anh cũng ở trọ gần gầm cầu này, trước có nuôi mẹ già, nhưng từ ngày bà mất, anh cứ lủi thủi một thân một mình. Vì hình dáng xấu xí, lại nghèo khổ, anh chẳng dám nói chuyện với ai bao giờ.
Nói họ là bạn cũng không rõ đúng không, nhưng hàng ngày buổi chiều, mỗi khi đi về, cô lại qua đây, cho anh mấy bó rau để anh thêm vào bữa tối. Hồi đầu mới quen, cô vẫn không dám nhìn vào mặt anh, bởi khuôn mặt vẫn đem đến cho cô cảm giác sợ hãi. Anh cũng biết ý nên khi nói chuyện, anh thường quay đi chỗ khác.
Quen biết mới chừng 3-4 tháng nay nhưng thấy anh rất tốt bụng, vui vẻ, nên có những ngày không gửi được con, Châm cũng đành mang bé ra để ngồi cạnh anh, nhờ anh trông giùm. Lạ là đứa con mới hơn 1 tuổi của cô lại chẳng sợ hãi gì anh, cứ nhìn thấy anh, chơi với anh, nó lại cười suốt. Từ ấy, cô cũng có thêm phần cảm tình.
-Hôm nay hình như anh cũng ế quá nhỉ?
-Vâng, lạnh quá chẳng có khách cô ạ.
Châm thở dài ngán ngẩm, quay sang nhìn gánh rau của mình.
-Mà lạnh quá.
Anh gật đầu: "Năm nay lạnh sớm thật"
-Cô ăn mặc phong phanh thế, ốm lại khổ con.
Châm cười: "Ôi, em quen sương gió rồi, lạnh thế này đã thấm vào đâu".
Đường xá vẫn tấp nập người qua lại, tiếng còi dội vang cả góc phố. Anh quay qua cái túi của mình, lấy ra chiếc bánh chưng có lẽ để từ trưa, đưa cho Châm:
-Cô ăn cho đỡ đói, nay giở trời hay sao, tôi ăn không vô.
Châm cầm lấy chiếc bánh đã lạnh cóng, nhưng hơi ấm từ bàn tay thô ráp của anh khẽ chạm vào tay cô, đột nhiên khiến cô rung mình. Đã lâu lắm rồi, cô không có cảm giác ấy. Nhìn anh ngồi bên đống đồ bừa bãi, không hiểu sao trong lòng lại nhói lên cảm giác thương cảm lạ lùng. Anh và cô, giữa đường phố chật cứng người này, giữa còi xe ầm ĩ của giờ tan tầm này, nếu không ngồi bên cạnh nhau có lẽ trông thảm thương lắm. Nhưng giờ đang ngồi bên cạnh anh, lại khiến cô bớt đau lòng. Anh thực ra cũng giống cô, lẻ loi nơi đô hội này mà thôi.
-Hôm nay anh có muốn về sớm ăn cơm không? - Cô ngập ngừng vừa nói vừa nhìn anh.
-Tôi về sớm cũng một mình, bán thêm chút nữa...
-Về nhà em, em nấu gì đó nóng nóng ăn, còn nhiều rau cỏ quá, nấu được khối thứ - Cô cười nói.
Anh nhìn cô có vẻ ngạc nhiên, rồi bỗng dưng cười thành tiếng.
-Từ ngày bà cụ mất, tôi chả được bữa nào ra hồn.
-Vậy là anh nhận lời.
Họ nói chuyện qua lại chẳng khác mọi ngày, vẫn câu dài, câu ngắn, câu chăng câu chớ, nhưng hình ảnh bữa cơm trong căn nhà của buổi tối dường như đều đang nhen lên trong lòng họ chút gì đó ấm áp. Cô giúp anh thu dọn đồ đạc, rồi đỡ anh dậy. Hai người lững thững đi bên nhau trên đường phố đông đúc, phía xa kia, mảnh trăng khuyết đầu tháng đang dần mọc lên giữa trời sương lạnh giá.
Trông hai cái bóng trên đường, như đang tựa vào nhau...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn