Nhiễm khuẩn bệnh viện-"sát thủ" số 1 với trẻ sinh non?

23:12 | 22/11/2017;
4 trẻ sơ sinh vừa tử vong được xác định là do nhiễm khuẩn. Ngoài ra, gần 20 trường hợp khác được chuyển từ BV Sản Nhi Bắc Ninh lên cũng bị nhiễm khuẩn BV. Trong khi đó, đây được xem là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ sơ sinh tử vong.
Theo TS.Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (BV Bạch Mai) nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) là nhiễm khuẩn xuất hiện và phát triển trong quá trình lưu trú tại BV. Thông thường, NKBV xuất hiện sau 48 giờ kể từ khi người bệnh nhập viện.

NKBV không chỉ là chỉ số chất lượng chuyên môn, mà còn là chỉ số an toàn của người bệnh; chỉ số đánh giá sự tuân thủ về thực hành của nhân viên y tế; chỉ số đánh giá hiệu lực của công tác quản lý và là một chỉ số rất nhạy cảm đối với người bệnh và xã hội.

Có rất nhiều yếu tố dẫn đến NKBV. Tuy nhiên, nguyên nhân hàng đầu là do không khí trong môi trường BV bị nhiễm khuẩn. Nhiễm khuẩn BV lây lan theo chất bẩn, hơi nước, hoặc các hạt bụi lơ lửng trong không khí; do dụng cụ y tế, thực phẩm, nguồn nước bị nhiễm khuẩn; do nhân viên y tế. Ngoài ra, nhiễm khuẩn BV cũng do sự lây lan từ bệnh nhân sang bệnh nhân hoặc do những người nhà thăm nuôi bệnh nhân vì họ có thể đang trong thời kỳ ủ bệnh.
a-1.jpg
Một bệnh nhi sinh non bị nhiễm khuẩn đang được bác sĩ BV bạch Mai chăm sóc

Còn theo bác sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ, vi khuẩn gây bệnh có thể là các vi khuẩn gram dương và các trực khuẩn Gram (-), nấm, và ký sinh trùng. Tuy nhiên, NKBV do trực khuẩn Gram (-) đa kháng thuốc kháng sinh đã và đang trở thành một tai hoạ thực sự cho các BV.

NKBV dẫn đến nhiều hệ luỵ cho người bệnh và cho hệ thống y tế như: tăng biến chứng và tử vong cho người bệnh; kéo dài thời gian nằm viện; tăng sử dụng kháng sinh dẫn đến tăng sự kháng thuốc và tăng chi phí điều trị cho một NKBV thường gấp 2 đến 4 lần so với những trường hợp không NKBV.
 
Các nhiễm khuẩn thường gặp ở BV gồm: Viêm phổi; nhiễm khuẩn vết bỏng; nhiễm khuẩn vết mổ; nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết; nhiễm khuẩn dạ dày - ruột,… 

Theo bác sĩ Điển, trẻ sinh non thường gặp các dị tật nhiễm sắc thể, thiếu ôxy hay viêm ruột và đều có nguy cơ nhiễm khuẩn BV cao hơn trẻ bình thường do các cơ quan, bộ phận trên cơ thể chưa hoàn thiện. Ngoài ra, những bệnh nhi sinh non trên nền bệnh khác như tim bẩm sinh, down,… dễ bị NKBV vì hệ miễn dịch kém. Theo thống kê, tình trạng trẻ sinh non bị nhiễm khuẩn có tỷ lệ tử vong từ 40% đến 60%. Còn tại BV Nhi TƯ, tỷ lệ tử vong với trẻ nhiễm khuẩn là dưới 50%.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, để phòng nhiễm khuẩn BV cần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh môi trường, khoa, phòng bệnh... và đặc biệt là vệ sinh tay.

Ngoài ra, với trẻ sơ sinh, người thân hạn chế hôn, nắm tay, xoa má. Đặc biệt là với trẻ sinh non, nguy cơ nhiễm khuẩn BV rất cao vì những cử tưởng chừng như âu yếm, yêu thương con lại mang vi khuẩn vào trong buồng bệnh và cơ thể các bé.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn