Sốt là hiện tượng thân nhiệt tăng lên tạm thời, thông thường do bệnh lý gây ra. Đó là dấu hiệu cho thấy có điều bất thường đang diễn ra trong cơ thể. Sốt bắt đầu khi hệ thống miễn dịch tạo ra nhiều tế bào bạch cầu hơn để chống lại nhiễm trùng. Sự gia tăng tế bào bạch cầu khiến não và đầu nóng lên. Lúc này, cơ thể cố gắng làm mát bằng cách tăng cường lưu lượng máu đến da và cơ khiến bạn có cảm giác rùng mình đồng thời cơ thể cũng bị đau nhức.
Nhiệt độ cơ thể bình thường nằm trong khoảng từ 97 độ F đến 99 độ F (36,1 độ C đến 37,2 độ C). Nếu cơ thể tăng cao hơn mức này tức là bạn đã có dấu hiệu của sốt.
Người lớn thường bị sốt nếu nhiệt độ cơ thể tăng lên đến 100,4 độ F (38 độ C), đây được gọi là sốt nhẹ. Khi sốt cao, nhiệt độ cơ thể của bạn cao hơn hoặc bằng 103 độ F (39,4 độ C). Nếu cơ thể bạn sốt lên đến 105,8 độ F (41 độ C), đây được coi là sốt rất cao. Hầu hết các cơn sốt thường tự khỏi sau 1 đến 3 ngày. Sốt dai dẳng hoặc tái phát có thể kéo dài và tiếp tục tái phát lên đến 14 ngày.
Các triệu chứng sốt phổ biến ở người lớn bao gồm:
Đổ mồ hôi
Ớn lạnh và rùng mình
Đau đầu
Đau cơ
Ăn mất ngon, chán ăn
Mệt mỏi, yếu ớt
Ngoài ra, khi bị sốt nghiêm trọng các triệu chứng bạn có thể gặp phải như:
Đau đầu dữ dội
Chóng mặt
Nhạy cảm với ánh sáng
Cứng cổ hoặc đau cổ
Phát ban
Khó thở
Thường xuyên nôn mửa
Mất nước
Đau bụng
Chuột rút cơ bắp
Co giật
Đôi khi bạn còn gặp các tình trạng: Đau khi đi tiểu, đi tiểu ít và nước tiểu sẫm màu.
Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với nhiều loại bệnh thông thường như cúm hoặc cảm lạnh, viêm amidan, nhiễm trùng thận hoặc đường tiết niệu (UTIs).
Ngoài ra, cũng có thể là do bạn bị kiệt sức vì nhiệt, đứng ở trời nắng quá lâu, ngộ độc thực phẩm, nhiễm nấm, nhiễm khuẩn, có khối u, có các cục máu đông…
Khi bạn có tiền sử về các loại bệnh lý như:
Hen suyễn
Viêm khớp dạng thấp
Bệnh tiểu đường
Bệnh Crohn
Bệnh tim
Bệnh hồng cầu
Bệnh gan
Bệnh thận
Bệnh phổi mãn tính
Bệnh xơ nang
Bại não
Đa xơ cứng
Bạn nên đi khám bác sĩ vì sốt có thể là do các bệnh này gây ra và nó cảnh báo một mức độ nghiêm trọng hơn của các loại bệnh lý này.
Để kiểm tra nhiệt độ cơ thể, bạn có thể sử dụng nhiệt kế. Có rất nhiều loại nhiệt kế khác nhau như nhiệt kế bằng thuỷ tinh có thuỷ ngân, nhiệt kế điện tử và một vài loại nhiệt kế khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng nhiệt kế thuỷ tinh có thuỷ ngân vì thuỷ tinh rất dễ vỡ, khi vỡ chất thuỷ ngân thoát ra ngoài có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ vì thuỷ ngân là một chất gây độc hại.
Nhiệt kế điện tử thường được khuyên dùng hơn. Một đầu của nhiệt kế có thể được đặt trong miệng hoặc nách.
Cách sử dụng nhiệt kế như sau:
Đặt vào miệng: Đặt đầu dò dưới lưỡi và ngậm lại. Dùng môi để giữ lại nhiệt kế. Để nhiệt kế trong miệng trong 3 phút hoặc cho đến khi nhiệt kế phát ra tiếng bíp bíp.
Phạm vi nhiệt độ bình thường là 35,5 đến 37,5 độ C.
Đặt vào nách: Đặt nhiệt kế vào nách, nhấn cánh tay vào cơ thể.
Nhiệt độ được đo ở nách thường thấp hơn ở miệng. Phạm vi nhiệt độ bình thường là 34,7 đến 37,3 độ C.
Phụ thuộc vào từng vị trí bạn muốn đo, các loại nhiệt kế được phân ra là:
Nhiệt kế đo tai: Nhiệt độ của màng nhĩ được đo bằng cảm biến hồng ngoại. Đầu của nhiệt kế được đưa vào ống tai và kết quả thu được chỉ mất một vài giây. Phương pháp đo này đã được xác minh là đáng tin cậy, có độ chính xác cao và sai lệch thấp.
Nhiệt độ ở người bình thường khi được đo bằng loại nhiệt kế này dao động trong khoảng từ 35,5 đến 37,7 độ C. Nếu cao hơn mức này, bạn có thể đang bị sốt.
Nhiệt kế đo trán: Nhiệt kế được đặt lên trán của bệnh nhân, nó cũng là một loại cảm biến bằng hồng ngoại.
Phạm vi nhiệt độ ở người bình thường là 35,4 đến 37,4 độ C. Nên chú ý: Mỗi loại nhiệt kế khác nhau lại có một sự chênh lệch, sai số nhỏ. Vì vậy, cần lưu ý các khoảng mức độ mỗi loại để kiểm tra được chính xác thân nhiệt có bị cao hay không, có đang bị sốt hay không.
Đối với người lớn, hầu hết các cơn sốt có thể tự khỏi sau vài ngày nghỉ ngơi. Tuy nhiên, điều này gây ra nhiều phiền toái và khó chịu cho bạn. Có một số cách có thể giúp bạn làm giảm bớt cảm giác khó chịu khi sốt như sau:
Bạn nên mặc đủ ấm, tránh ra gió, mặc quần áo thoải mái, rộng rãi, đảm bảo căn phòng của bạn được sạch sẽ, thông thoáng, tránh tích tụ vi khuẩn gây trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
Bạn nên uống nhiều nước, tránh uống rượu vì điều này có thể làm cho tình trạng mất nước trở nên trầm trọng hơn. Bạn sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn khi bị sốt, việc uống nhiều nước giúp cơ thể sẽ không bị thiếu nước và mất nước.
Bạn cần nghỉ ngơi đầy đủ, tránh làm việc quá nhiều có thể khiến cơ thể thêm kiệt sức và mệt mỏi.
Sử dụng các loại thực phẩm tốt cho người bị sốt: Nước ép hoa quả giàu vitamin C, nước dừa, thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hoá, các loại cháo, súp với rau tía tô, ăn nhiều rau, sữa chua, thực phẩm giàu protein…
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không kê đơn, nó sẽ giúp bạn giảm sốt hay giảm các triệu chứng đau đầu, đau cơ được khuyên dùng như:
Paracetamol
Ibuprofen (Advil, Motrin)
Acetaminophen (Tylenol)
Naproxen (Aleve, Naprosyn)
Đối với các tình trạng bệnh nặng hơn, bạn nên đi khám để được tư vấn và có phương pháp điều trị hiệu quả. Việc điều trị sẽ phụ thuộc tuỳ vào từng nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và lên phác đồ điều trị phù hợp.
Hơn nữa, sốt cũng có thể là một triệu chứng điển hình cho thấy bạn đang mắc Covid 19. Vì vậy, khi nhiệt độ tăng cao trên mức bình thường, bạn nên đi kiểm tra để được điều trị cũng như góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng nếu nguyên nhân gây sốt được cho là do virus corona.
Tren đây là những giải đáp cho câu hỏi: "Nhiệt độ bao nhiêu là sốt ở người lớn?" Để bảo vệ sức khoẻ cũng như phòng tránh các bệnh lý, các bạn nên tập thể dục thể thao thường xuyên và có một chế độ ăn uống lành mạnh.
Nguồn tham khảo:
- How to Tell When a Fever in Adults Is Serious
- What is normal body temperature for adults, babies, during pregnancy, and all else you need to know
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn