Nhiều kỷ lục về nhiệt độ đã bị xô đổ ở một loạt các quốc gia thuộc châu Á ngay khi mùa hè bắt đầu. Cuối tuần đầu tiên của tháng 5, một số khu vực tại Đông Nam Á đã trải qua những ngày nóng nhất từng được ghi nhận – với nhiệt độ đạt đến ngưỡng 44,2 độ C như tại Việt Nam là khu vực huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An; 44,1 độ c ở Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa và 43,5 độ C tại thành phố Luông Pha Băng của Lào.
Một đợt nắng nóng gay gắt đã bùng phát trên một vùng rộng lớn của châu Á. Từ Ấn Độ đến Philippines, các quan chức ở nhiều thành phố thuộc khu vực đã phải quyết định đóng cửa các trường học, kêu gọi người dân ở nhà và đề phòng các dấu hiệu say nắng, say nóng. Nhiệt độ cao đã làm một vài con đường ở Bangladesh chảy nhựa, còn tại Thái Lan, nhiều cử tri đã ngất xỉu khi xếp hàng tại các điểm bỏ phiếu sớm.
Cơ quan khí tượng đánh giá, xét theo nhiều tiêu chí, châu Á vừa trải qua tháng 4 nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận. Còn trên phạm vi toàn cầu, 8 năm qua là 8 năm nóng nhất kể từ khi bắt đầu thu thập các dữ liệu quan trắc. Đợt nắng nóng và khô hạn vừa qua ở Đông Nam Á được cho là có liên quan đến biến đổi khí hậu. Khi sự thay đổi trong chu trình thủy văn dẫn đến lượng mưa vào mùa đông vừa qua bị hạn chế. "Đất khô sẽ nóng lên nhanh hơn đất ẩm, vậy nên hiện tượng nóng bất thường tất yếu sẽ diễn ra khi mùa xuân đến", Koh Tieh Yong, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, phát biểu trên tờ Bloomberg.
Đối với hầu hết thế giới, đặc biệt là với nhiều quốc gia châu Á, những tháng nắng nóng này là chỉ dấu về những bất thường còn có thể tiếp diễn trong tương lai. Không chỉ nhiệt độ ban ngày mà cả các con số được đo về nhiệt độ sau khi mặt trời lặn cũng đang xô đổ các kỷ lục. Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu, đã trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục vào năm ngoái, còn năm nay tại đây ghi nhận tháng 2 nóng nhất trong 122 năm trở lại. Nhiệt độ cũng đã gần chạm ngưỡng kỷ lục trong những tuần gần đây, với hàng chục người chết vì nắng nóng.
Các nhà khoa học và nhà nghiên cứu khí hậu đang chỉ ra bằng chứng ngày càng rõ ràng về tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra đối với hành tinh của chúng ta. Các chuyên gia cảnh báo rằng nhiệt độ ngày càng tăng đang khiến các đợt nắng nóng gây chết người diễn ra thường xuyên hơn và kéo dài hơn.
Dù Ấn Độ thường xuyên phải trải qua các giai đoạn với nhiệt độ khắc nghiệt, các chuyên gia lo ngại tác động kết hợp của nhiệt độ tăng vọt và sự quay trở lại dự kiến của hiện tượng El Nino sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu. Dileep Mavalankar, Giám đốc Viện Y tế Công cộng Ấn Độ, nêu ý kiến: "Theo tôi, bộ y tế cũng như cơ quan quản lý thiên tai chưa nghĩ đến những tác động có thể xảy ra đối với người dân nếu nắng nóng trở nên tồi tệ hơn vào cuối năm nay. Nếu El Nino làm gián đoạn mùa mưa của Ấn Độ, lượng mưa sẽ thiếu hụt và nghiễm nhiên ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp và trồng trọt cũng như cả nền kinh tế".
Nhiệt độ bầu ướt hay còn được gọi là nhiệt độ nhiệt kế ướt là một đại lượng đo nhiệt độ nhằm đánh giá độ ẩm và khả năng tản nhiệt của môi trường. Với cách đo nhiệt độ này, một tấm vải ướt sẽ được bọc quanh bầu đo nhiệt độ của nhiệt kế – khi nước trong tấm vải bốc hơi, nhiệt kế sẽ ghi nhận sự giảm nhiệt. Độ ẩm trong không khí càng cao thì sẽ càng ít nước được bốc hơi trước khi nhiệt độ của nhiệt kế ngừng giảm. Vì vậy, nhiệt độ bầu ướt luôn thấp hơn nhiệt độ thực tế của không khí, chỉ trừ khi không khí bão hòa (độ ẩm đạt 100%) thì hai chỉ số mới bằng nhau.
Theo nhiều nhà khí tượng học, nhiệt độ bầu ướt 35 độ C là ngưỡng nhiệt độ tối đa mà con người có thể chịu đựng được. Tại nhiệt độ này, cơ chế điều hòa nhiệt độ bằng việc tiết mồ hôi của con người không còn đủ khả năng làm mát cơ thể được nữa, dẫn đến nhiều hệ lụy chết người.
Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy sự kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm cao tại những nơi như Ấn Độ đang đẩy con người vượt quá một ngưỡng nguy hiểm gọi là giới hạn "bầu ướt". Ở đó, cơ thể không thể tự điều hòa thân nhiệt bằng mồ hôi được nữa. Khi rơi vào tình trạng này, con người sẽ tổn thương não, suy tim và suy thận có nguy cơ cao hơn. Tờ Economist nêu chi tiết: "Đồng bằng Ấn-Hằng là một trong số ít nơi ngưỡng nhiệt như vậy đã được ghi lại, ví dụ như trường hợp nhiệt độ như thiêu đốt tại Thị trấn Jacbabad của Pakistan. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào tháng 11 đã cảnh báo rằng Ấn Độ có thể trở thành một trong những nơi đầu tiên có ngưỡng nhiệt "bầu ướt" này thường xuyên bị vượt qua".
Tương lai với nhiệt độ cực đoan hơn cũng dẫn đến những tác động tiêu cực khác. "Các ước tính cho thấy tổng khả năng làm việc ngoài trời sẽ giảm 15% vào ban ngày do nhiệt độ cao vào năm 2050", một nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS Climate thông tin. "Nhiệt độ gia tăng dự kiến sẽ khiến Ấn Độ mất 2,8% và 8,7% tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) và làm giảm mức sống vào các năm tương ứng 2050 và 2100."
Bên ngoài châu Á, tình hình cũng không khả quan hơn. Tháng 4 chứng kiến nhiệt độ giảm kỷ lục ở cả hai phía của Eo biển Gibraltar (eo biển nối Đại Tây Dương với Địa Trung Hải), trong đó Tây Ban Nha phải đối phó với đợt hạn hán có lẽ là tồi tệ nhất trong một thế kỷ. Một đợt hạn hán nghiêm trọng ở vùng Sừng châu Phi (Đông Bắc Phi) đã ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 50 triệu người, bên cạnh những bất ổn khác tại khu vực.
Các hiện tượng cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra có thể đang tăng tốc. Một nghiên cứu được công bố đầu tháng 5 cho thấy một sông băng lớn ở Greenland (khu vực Bắc cựu) đang tan chảy nhanh hơn nhiều so với dự đoán, làm dấy lên suy đoán rằng các dự báo hiện tại về mực nước biển dâng có thể đang đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình. "Nhìn chung, nghiên cứu mới một lần nữa nhấn mạnh rằng chúng ta không thực sự biết một trong những hậu quả lớn nhất của biến đổi khí hậu – mực nước biển dâng do băng tan ở Greenland và Nam Cực – sẽ xảy ra nhanh như thế nào", nhà báo Chris Mooney của tờ Washington Post (Mỹ), viết. "Chúng ta vẫn đang tìm kiếm những chi tiết mới và những lý do mới để nghĩ rằng điều này diễn ra nhanh hơn dự kiến".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn