Theo khảo sát của tổ chức Eastsprings thuộc tập đoàn bảo hiểm Prudential (Hoa Kỳ), có tới 95% số phụ huynh ở châu Á muốn dạy trẻ em cách sử dụng và quản lý tiền của chúng. Mặc dù vậy, họ lại rất bối rối trong việc hướng dẫn con cái của mình cách tiêu tiền.
Cụ thể, công ty con của Prudential đã tổ chức một cuộc khảo sát trên 10.000 phụ huynh ở 9 thị trường châu Á, để phân tích quan điểm và kiến thức của họ về việc dạy con cách quản lý và sử dụng tiền bạc.
Nghiên cứu cho thấy 51% phụ huynh được hỏi không chắc liệu họ có phải là giáo viên tài chính tốt cho con cái của mình hay không? Mặc dù vậy, có tới 95% đồng ý về tầm quan trọng của việc dạy trẻ cách sử dụng và quản lý tiền của chúng. Ngoài ra, 43% số người được hỏi cho biết, họ đang tìm cách học thêm về kỹ năng quản lý tài chính để trở thành chính giáo viên về lĩnh vực này cho con cái của mình.
Hiện nay, đa phần các ông bố, bà mẹ ở châu Á đều dùng kinh nghiệm và kiến thức để truyền đạt cho trẻ nhỏ. Nhưng theo các bậc phụ huynh, điều này là chưa đủ. Họ quan tâm đến việc áp dụng công nghệ vào việc quản lý tài chính như sử dụng ứng dụng điện thoại di động, trang web, thậm chí tham gia những cuộc hội thảo dành cho các bậc phụ huynh hướng dẫn con cái của họ quản lý tài chính.
Khảo sát do Eastsprings thực hiện cũng đã đưa ra khái niệm Chỉ số niềm tin về quản lý tiền bạc của các bậc phụ huynh với thang điểm từ 0,01 đến 1. Khảo sát đã chấm điểm mức độ tin tưởng của các bậc cha mẹ trong việc giáo dục kỹ năng quản lý tiền cho con cái.
Dựa trên điều này, điểm trung bình của khu vực là 0,65 và chỉ số của các bậc phụ huynh ở Indonesia cao nhất với 0,73 điểm. Tiếp theo là Thái Lan và Việt Nam lần lượt là 0,71 và 0,69. Những người kém tự tin nhất chính là các bậc phụ huynh ở Nhật Bản (0,5), Hàn Quốc (0,59) và Đài Loan, Trung Quốc (0,61) và các điểm số này thấp hơn mức trung bình của khu vực.
Khảo sát chỉ ra rằng, có khoảng 35% các bậc phụ huynh muốn biết những "đồng nghiệp" của họ làm gì để dạy con cái về quản lý tiền. Cũng theo thống kê của Eastsprings, có tới 59% hộ gia đình thống nhất quan điểm, tiền nuôi dạy con cái là trách nhiệm chung giữa bố và mẹ. 25% hộ gia đình có người mẹ đảm nhận vai trò chủ đạo trong việc chăm lo cho con cái của họ, trong khi 12% số hộ gia đình khác để người cha lo tiền nuôi dạy con cái. Rất ít hộ giao nhiệm vụ quan trọng cho người khác.
Đa số các bậc phụ huynh đều mong muốn bắt đầu dạy con họ những kỹ năng quản lý tiền bạc cơ bản ngay từ khi còn nhỏ. 37% các bậc cha mẹ tin rằng trẻ em nên bắt đầu học quản lý tài chính dưới 6 tuổi. Trong khi đó, có 30% phụ huynh tin rằng, độ tuổi thích hợp để bắt đầu học quản lý tài chính là từ 7 đến 10 tuổi. Chỉ có 14% phụ huynh nhận thấy con cái của họ nên bắt đầu học cách quản lý tiền tốt hơn khi chúng ở độ tuổi 11 và 12.
Theo ông Seck Wai-Kwong, Giám đốc điều hành của công ty Eastspring, hiện nay, vấn đề an ninh tài chính trong các hộ gia đình được mọi người quan tâm hơn bao giờ hết do sự không chắc chắn về kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Ông Wai-Kwong nhận định: "Trong thời gian này, trẻ em nhận thức rõ hơn về áp lực tài chính ảnh hưởng đến gia đình của chúng. Chúng tôi tin rằng các bậc cha mẹ sẽ sẵn sàng hơn để giúp thế hệ trẻ đưa ra các quyết định tài chính khôn ngoan, hiểu các khía cạnh quan trọng của tiền bạc và dẫn dắt tài chính cuộc sống lành mạnh".
Sau khi tiến hành khảo sát, Eastspring đã tung ra một trang web để tư vấn, giúp đỡ các bậc cha mẹ trở thành những giáo viên tài chính tốt hơn cho con cái của họ. Các bậc phụ huynh có thể làm bài trắc nghiệm tại chỗ để khám phá phong cách nuôi dạy con sao cho phù hợp nhất đối với từng gia đình.
Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch phát động một chiến dịch truyền thông rầm rộ trên các nền tảng mảng xã hội để các bậc phụ huynh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và công cụ kiếm tiền để nuôi dạy con cái của họ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn